Căng thẳng Nga – Ukraine: Nguy cơ khủng hoảng năng lượng?
Căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã vô tình kéo theo cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu nói riêng và toàn thế giới nói chung, làm xuất hiện sự cạnh tranh mạnh mẽ của các nguồn cung cấp dầu khác (ngoài Nga) do lo sợ xung đột kéo dài, giá năng lượng cũng từ đó mà leo thang chóng mặt.
Gián đoạn dòng chảy khí đốt
Nga là một mắt xích đặc biệt quan trọng trong chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu, vì vậy, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 24/2 tuyên bố mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại ở khu vực Donbass (miền Đông Ukraine), châu Âu đã phải đối mặt với nhiều thách thức hơn về năng lượng khi giá cả leo thang chóng mặt. Vấn đề an ninh năng lượng đã trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết trong khi cuộc xung đột ở Ukraine đang làm gia tăng mối lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung cấp dầu và khí đốt tự nhiên đối với châu Âu và thế giới.
Nga sản xuất khoảng 10 triệu thùng dầu mỗi ngày, tương đương khoảng 10% nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu. Ngoài ra, Nga còn là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU), đáp ứng khoảng 40% nhu cầu khí đốt của các nước trong khối này.
Bà Lucia van Geuns, Cố vấn năng lượng chiến lược tại Trung tâm Hague nhấn mạnh: “Giá xăng đã tăng rất cao, đồng thời sự an toàn về nguồn cung và giá cả đột ngột biến động đã trở thành chủ đề chính của nhiều cuộc tranh luận công khai”.
Đối với Đức, sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga đã là một phần không thể thiếu của quốc gia này trong nhiều năm. Kế hoạch cho đường ống dẫn dầu trực tiếp đầu tiên giữa hai nước, Nord Stream 1, bắt đầu vào năm 1997. 2/3 lượng khí đốt mà Đức tiêu thụ năm ngoái đều đến từ Nga.
Các kế hoạch trong tương lai của Đức đang hướng đến Nord Stream 2, một đường ống mới dài 1200 km dưới Biển Baltic nối trực tiếp đường ống dẫn dầu của Nga với đông bắc nước Đức. Tuy nhiên, vào ngày 22/2, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận hai nước cộng hòa ly khai ở Ukraine và huy động “chiến dịch quân sự đặc biệt”, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã tạm dừng và đánh giá lại việc chứng nhận dự án đường ống dẫn dầu trị giá 11 tỷ USD được hoàn thành vào năm ngoái.
Nhiều nhà phân tích dự báo, giá dầu sẽ vượt 100 USD/thùng, thậm chí lên 120 USD/thùng sau quyết định của Tổng thống Nga Putin. Trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNBC, chiến lược gia kỳ cựu David Roche cho rằng, giá dầu “chắc chắn” sẽ đạt mức 120 USD/thùng và nền kinh tế toàn cầu sẽ “thay đổi một cách căn bản”.
Chiến lược gia Natasha Kaneva của JPMorgan Chase cũng cho rằng, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga nhằm vào Ukraine sẽ đẩy giá dầu vọt lên 120 USD/thùng.
Thực chất, giá năng lượng đã bắt đầu tăng từ trước khi Tổng thống Putin bắt đầu với chiến dịch quân sự đặc biệt ở biên giới phía Đông Ukraine.
Bà Sarah E. Mendelson, người đứng đầu trường Đại học Carnegie Mellon’s Heinz ở Washington, khẳng định: “Châu Âu phụ thuộc khá nhiều vào khí đốt và dầu của Nga, và điều này là không bền vững”. Bà Mendelson nhấn mạnh rằng, Mỹ và các đồng minh châu Âu đã không tập trung đủ vào độc lập năng lượng trong những năm gần đây.
Tìm cách thích ứng
Phương Tây đã dần bớt theo đuổi dầu mỏ của Nga, nhưng các nhà giao dịch vẫn lo lắng và cho rằng, họ không muốn nghĩ đến điều đó, bởi nó sẽ làm chao đảo thị trường năng lượng toàn cầu trong một thời điểm mong manh như hiện nay.
Theo các nhà phân tích của Independent Commodity Intelligence Services (ICIS) (nguồn cung cấp Dịch vụ thông minh hàng hóa độc lập trên toàn cầu), loại dầu chính mà Nga xuất khẩu sang châu Âu hiện đang được chào bán với mức chiết khấu khủng, báo hiệu nhu cầu giảm mạnh. Họ tính toán rằng, một thùng dầu thô Urals đang giao dịch thấp hơn 10,60 USD so với giá dầu Brent chuẩn. Đó là chênh lệch lớn nhất được xác lập.
ICIS cho biết, nếu các nhà giao dịch tiếp tục xa lánh dầu của Nga, điều đó có thể làm tăng giá trên toàn thế giới khi cạnh tranh nóng lên để đảm bảo nguồn cung dầu thô khác. Nga xuất khẩu khoảng 5 triệu thùng dầu thô mỗi ngày. Khoảng một nửa trong số đó đến châu Âu.
Chuyên gia Richard Price của ICIS cho biết: “Chúng ta đã ở trong một tình huống mà cung và cầu tương đối chặt chẽ. Hệ thống không có nhiều chỗ cho sự gián đoạn”.
Các nhà lãnh đạo phương Tây biết rằng, các lệnh trừng phạt đối với Nga có nguy cơ làm tăng giá năng lượng. Nhưng họ lại cho rằng, họ muốn trừng phạt Tổng thống Putin mà không làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga, điều mà họ coi là cần thiết để duy trì sự phục hồi kinh tế toàn cầu khỏi đại dịch.
Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Daleep Singh cho biết: “Cần phải nói rõ, các biện pháp trừng phạt của chúng tôi không được thiết kế để gây ra bất kỳ sự gián đoạn nào đối với dòng năng lượng hiện tại từ Nga đến thế giới”.
Tuy nhiên, các nhà cung cấp tàu ngày càng do dự trong việc điều động tàu chở dầu tới Biển Đen khi xung đột leo thang. Chi phí bảo hiểm rủi ro chiến tranh đã tăng lên và thông tin rằng một tàu chở hàng thuộc sở hữu của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị trúng bom ngoài khơi bờ biển Odessa của Ukraine hôm 24/2 đã khiến các nhà khai thác e ngại.
“Nếu các thương nhân tránh dầu Nga trong một thời gian dài, các nhà sản xuất khác sẽ cần phải tăng cường. Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ, hay OPEC, nắm giữ “rất nhiều lá bài”, ông Price nói. Các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran và Mỹ có thể đưa thêm nhiều thùng dầu của Iran ra thị trường, nhưng điều đó sẽ không làm dịu tình hình trong thời gian tới.
Công ty tư vấn Rystad Energy cho biết, nếu xung đột kéo dài và gây gián đoạn nguồn cung trong thời gian dài, giá dầu có thể tăng lên khoảng 130 USD / thùng. Ông Jarand Rystad, Giám đốc điều hành của công ty cho biết: “Thực tế là giá cao đáng kể đang xuất hiện ở châu Âu”.
Chiến lược gia Natasha Kaneva của JPMorgan Chase cho rằng, nếu xuất khẩu dầu của Nga giảm một nửa, giá dầu Brent có thể lên 150 USD/thùng. Kỷ lục mọi thời đại của giá dầu được thiết lập vào tháng 7/2008, khi giá dầu Brent đạt 147,5 USD/thùng.