Học sinh, giáo viên kiệt sức, dạy trực tiếp kết hợp trực tuyến liệu có ổn?
Liên tục chuyển trạng thái dạy và học, nhiều ý kiến cho rằng việc mở cửa trường học hiện nay của Hà Nội đang phát sinh bất cập.
Sở GDĐT Hà Nội tiếp tục có sự điều chỉnh hình thức dạy học trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Từ ngày hôm nay, 28/2, học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 của 18 huyện thị chuyển trạng thái học từ trực tiếp sang trực tuyến. Dù ủng hộ nỗ lực đưa học sinh trở lại trường nhưng cách tổ chức dạy và học hiện nay đang nhận nhiều ý kiến trái chiều từ phía phụ huynh, giáo viên và chuyên gia.
Con chuyển học online, phụ huynh thở phào
Học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 thuộc 18 huyện, thị xã đã trở lại trường học trực tiếp từ ngày 10/2. Tuy nhiên, theo Sở GDĐT Hà Nội, lý do của việc điều chỉnh hình thức dạy học từ trực tiếp sang trực tuyến từ hôm nay cho đến khi có thông báo mới là do tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội diễn biến phức tạp, số ca lây nhiễm trong cộng đồng cũng như trong các cơ sở giáo dục có xu hướng tăng nhanh. Trong khi đó, học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 chưa được tiêm vaccine phòng dịch Covid-19; tâm lý cha mẹ học sinh còn băn khoăn, lo lắng…
Trên cơ sở đề xuất của các huyện, thị xã, đồng thời đáp ứng nguyện vọng của cha mẹ học sinh, Sở GDĐT Hà Nội đề nghị UBND thành phố cho phép học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 ở 18 huyện, thị xã tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến để phòng, chống dịch Covid-19.
Dù ủng hộ nỗ lực đưa học sinh trở lại trường nhưng việc liên tục chuyển trạng thái dạy học khiến nhiều phụ huynh, học sinh lo lắng, rơi vào cảm giác bất an.
Trở lại trường học sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán, đến nay lớp con chị Nguyễn Thu Ngọc (phụ huynh có con học Trường THCS Chu Văn An, quận Tây Hồ) chuyển trạng thái học trực tuyến hoàn toàn do có nhiều học sinh bị trở thành F0. Trước đó, để duy trì lớp học, các thầy cô duy trì cả dạy trực tuyến lẫn trực tiếp. Các lớp khác cũng tương tự. Chị Ngọc cho biết, việc tổ chức dạy học như hiện nay chưa ổn dẫn tới mệt mỏi cho cả học sinh, phụ huynh và đặc biệt là giáo viên.
“Một lớp vừa dạy online, vừa dạy offline rồi lại offline chuyển sang online sau 1 tuần, cứ loạn hết cả lên. Cách tổ chức dạy học như thế này thực sự không hiệu quả”, chị Ngọc nêu quan điểm.
Chị Nguyễn Nhật Lệ (huyện Chương Mỹ) thở phào nhẹ nhõm khi nghe tin Sở GDĐT cho phép học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 ở 18 huyện, thị xã tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến để phòng, chống dịch Covid-19.
Chị Lệ cho biết, con chị 6 tuổi, đi học được một tuần thì phải nghỉ vì ngồi cạnh bạn F0 và hiện tại cũng đang bị F0. Với cương vị phụ huynh chị Lệ bày tỏ: “Thời điểm này, cho các con học trực tuyến vẫn là an toàn nhất. Không ai biết được hậu Covid-19 sẽ nghiêm trọng như thế nào vì phụ thuộc vào thể trạng từng người. Thực sự, tôi rất lo lắng vì con còn nhỏ”.
Giáo viên rất vất vả
F0 ở trường ngày càng tăng, lớp học ít dần học sinh. Không chỉ có học sinh, phụ huynh lo lắng, bản thân các giáo viên cũng cảm thấy quay cuồng khi phải dạy kết hợp cả hai hình thức.
“Cô thấy rất mệt các con ạ!”, tiếng cô giáo chia sẻ với học sinh lớp con gái anh Trịnh Xuân Bách (quận Ba Đình) vang lên qua màn hình máy tính. Tâm sự của cô cũng là tâm trạng thực tế của nhiều giáo viên hiện nay. Đa phần các thầy cô chia sẻ rằng, họ rất vất vả và không còn đủ sức để vừa dạy trực tiếp và trực tuyến cho học sinh.
Sau thời gian trở lại trường học, cô giáo Bùi Diệu Linh, giáo viên Trường THCS Mạc Đĩnh Chi, quận Ba Đình cho hay, sĩ số lớp liên tục thay đổi từ online sang offline rồi ngược lại khiến học sinh không tiếp thu được nhiều.
Theo cô Linh, học online tuy không hiệu quả bằng học trực tiếp nhưng nếu 100% lớp học online thì còn tốt hơn rất nhiều nếu như học online-offline kết hợp.
Cô Linh tâm sự: “Tôi nhìn Ban giám hiệu xếp giáo viên dạy thay, dạy thêm lớp mà thấy khổ quá. Giáo viên bị F0 hơn một nửa quân số. Giáo viên khỏe mạnh dạy căng mình ra cũng không phủ đủ được. Nhiều lớp, học sinh học trực tiếp nhưng giáo viên bị F0 nên dù đến trường nhưng các em vẫn phải học online qua màn hình. Thực sự, cách tổ chức dạy như thế này rất không ổn, cả học sinh, giáo viên đều quay cuồng. Vì vậy, quyết định học trực tuyến lúc này là hợp lý với tình hình hiện nay”.
“Vất vả, rất vất vả. Chúng tôi chỉ biết động viên nhau cố gắng”, bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm) nói với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết Online.
Theo bà Quỳnh, hiện học sinh thuộc diện F0, F1 được nhà trường sắp xếp học lớp G theo khối bằng hình thức trực tuyến. Thời khóa biếu được sắp xếp như học trực tiếp, không ảnh hướng tới chất lượng học tập.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là số giáo viên của trường bị F0 ngày một nhiều, việc bố trí giáo viên dạy thay rất vất vả, phải cập nhật theo ngày, theo tuần. Giáo viên F0 bố trí dạy trực tuyến để bảo đảm chương trình. Bên cạnh đó, bà Quỳnh cũng chia sẻ, tâm lý giáo viên rất lo lắng cho sức khỏe bản thân, cho gia đinh và đặc biệt cho học sinh lớp 12 vì chỉ còn thời gian ngắn nữa các em bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.
“Dù mong muốn được đưa học sinh đến trường, dù biết dạy trực tiếp vẫn tốt hơn dạy online nhưng thời điểm này, nhiều áp lực đè nặng nên vai Ban giám hiệu nhà trường và giáo viên”, bà Quỳnh cho hay.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho rằng, học trực tiếp mang lại chất lượng cao, dễ quản lý học sinh nhưng là trong điều kiện bình thường. Với 9.000 đến hơn 10.000 ca nhiễm Covid-19 được ghi nhận mỗi ngày như ở Hà Nội hiện nay, việc học trực tiếp khó thực hiện và không đem lại hiệu quả như mong đợi.
Vì vậy, theo TS Lâm, dạy trực tiếp mà không hiệu quả thì nên linh hoạt theo điều kiện thực tế; trao quyền cho các trường để họ quyết định hình thức học phù hợp, dựa trên tình hình dịch bệnh, số lượng giáo viên, học sinh, nguyện vọng phụ huynh.