Vụ Ca nô bị lật: Nhiều người tử vong vì không có lối thoát?
Liên quan đến vụ lật ca nô ở biển Cửa Đại (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) khiến cho 17 người chết và mất tích, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công an đã chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả và điều tra làm rõ nguyên nhân. Đã có nhiều ý kiến cho rằng, vụ lật ca nô chết nhiều người là do không có lối thoát.
Đủ điều kiện hành nghề!
Ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn thương tâm, đoàn công tác của Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang làm trưởng đoàn đã có mặt tại TP Hội An, tỉnh Quảng Nam, cùng lãnh đạo tỉnh và TP Hội An chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn và giúp đỡ các gia đình có người bị nạn. Cùng với đó Cục Cảnh sát hình sự, Viện Khoa học hình sự, Cục Cảnh sát giao thông Bộ Công an đã có mặt tại hiện trường, phối hợp với Công an Quảng Nam tổ chức điều tra vụ tai nạn nói trên.
Đại tá Nguyễn Hà Lai, Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam, cho biết đơn vị đã phối hợp với lực lượng chức năng, người dân tìm kiếm cứu nạn và cùng Công an TP Hội An lấy lời khai những người liên quan để làm rõ nguyên nhân tai nạn.
Qua điều tra, ban đầu chiều 26/2, ca nô du lịch số hiệu Qna 1152 của Công ty du lịch Phương Đông do ông Lê Sen (52 tuổi, ở phường Cửa Đại, TP Hội An) điều khiển chở 39 người trong đó có 36 hành khách, 1 thuyền trưởng, 2 thuyền viên, lúc 14h xuất bến từ đảo Cù Lao Chàm để vào đất liền. Khi đến vị trí cách Trạm Biên phòng Cửa đại một hải lý thì bị sóng lớn đánh chìm.
Cảnh sát điều tra, xác định hành khách trên ca nô được trang bị và mặt áo phao trước khi xuất phát, bố trí ghế ngồi đầy đủ. Trong khi đó, ca nô Qna 1152 được cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật có hiệu lực đến ngày 19/1/2023, trọng tải toàn phần, số lượng người được phép chở sức kéo đẩy là 4,1 tấn, tương ứng 35 hành khách. Thuyền trưởng Lê Sen có chứng chỉ chuyên môn phương tiện thủy nội địa hạng 3, đủ điều kiện điều khiển phương tiện.
Đại tá Nguyễn Hà Lai cho biết, ngoài việc lấy lời khai những người liên quan, đơn vị cũng làm việc với Công ty Phương Đông về các nội dung liên quan, trục vớt ca nô bị chìm, khám nghiệm xác định tình trạng kỹ thuật,... “Công tác điều tra được tiến hành khẩn trương, khách quan, chi tiết theo đúng quy định của pháp luật để làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của những tổ chức, cá nhân liên quan”, đại tá Lai nói.
Lật ca nô do sóng lớn
Ông Nguyễn Tấn Hiệp (50 tuổi), trú TP Hồ Chí Minh là hành khách may mắn thoát chết nhưng có vợ tử nạn lần này cho rằng, lúc ca nô xuất bến biển động, trời nhiều mây và có sóng lớn. Càng gần bờ thì sóng càng lớn.
Không chỉ ông Hiệp mà nhiều người sống sốt cũng xác nhận, khi ca nô xuất bến thời tiết không tốt, có sóng lớn, nhưng họ tin tưởng ở thuyền trưởng và chất lượng của ca nô nên an tâm rời bến. Em Nguyễn Xuân Huy, trú quận Đông Anh, TP Hà Nội kể lại: “Đúng là lúc ca nô rời Cù Lao Chàm vào Cửa Đại có sóng lớn đánh mạnh vào ca nô nhưng không ai nghĩ tai nạn lại xảy ra”.
Còn thuyền trưởng ca nô QNa 1152, ông Lê Sen cho biết, ông làm nghề lái ca nô chở khách du lịch ra đảo Cù Lao Chàm đã được 5 năm, ông hiểu rõ về luồng lạch ra vào bến Cửa Đại. Chiều 26/2, ông đón khách đưa về bờ. Tất cả mang áo phao vì đây là điều kiện bắt buộc, lực lượng biên phòng giám sát nghiêm. Khi rời đảo, ca nô chạy 40-45 km/h, về gần đến bờ ông giảm xuống khoảng 30 km/h.
“Ca nô chạy từ đảo Cù Lao Chàm vào không có vấn đề gì, nhưng vào gần bờ tôi phát hiện đợt sóng lớn ập đến, tôi hạ ga chờ sóng êm để đi qua. Nhưng sóng lớn bất ngờ đánh mạnh vào mạn ca nô khiến nó lật úp. Mọi thứ diễn ra quá nhanh, chỉ chừng vài giây không ai trở tay kịp. Tôi khẳng định lật ca nô là do sóng lớn”, ông Sen nói.
Đó là khẳng định của thuyền trưởng Lê Sen nhưng hiện tại cơ quan chức năng vẫn đang điều tra làm sáng tỏ những nguyên nhân nào dẫn đến vụ lật ca nô. Nhưng một câu hỏi lớn đã đặt ra, vì sao vụ lật ca nô có quá nhiều người chết?
Chết vì không có lối thoát?
Ông Nguyễn Tấn Hiệp chia sẻ, khi ca nô bị chìm xuống biển, chỉ trong vài giây nước biển tràn vào bên trong, mọi người la hét, hoảng sợ. Lúc đó, ông nghĩ đằng nào mình cũng chết vì xung quanh quá bịt bùng. Nhưng ông biết bơi nên lặn xuống tìm đường ra và may mắn tìm thấy đường chui ra ngoài từ cửa sổ đầu ca nô.
“Tôi cho rằng nhiều người chết trong vụ này là do ca nô đóng kín bịt bùng nên khi nước biển tràn vào không có lối thoát. Nếu ca nô mở cửa thoáng thì số người sống trong vụ tai nạn này rất cao, vì tất cả mọi người đều mặc áo phao”.
Hơn 10 năm lái ca nô ở TP Hội An, anh Lương Thành Mỹ (35 tuổi), thuyền trưởng ca nô 1115 chia sẻ: “Theo tôi, vụ lật ca nô khiến 16 người tử vong, 1 người mất tích là do ca nô nhỏ, mui kín phía trên. Hành khách mặc áo phao, khi nước tràn vào sẽ nổi lên, vô tình ngăn cản đường thoát nạn của họ. Chỉ cần vài giây người chưa tìm được đường ra thì dẫn đến ngạt thở tử vong”.
Anh Mỹ nói thêm, hiện nay các phương tiện chở hành khách ra đảo Cù Lao Chàm, TP Hội An là ca nô SB chỉ có 2 lối ra – vào đầu và đuôi ca nô nên khi gặp nạn sẽ đe dọa đến tính mạng của hành khách. Cơ quan chức năng cần xem lại các mẫu thiết kế ca nô để phục vụ an toàn vận chuyển hành khách đường thủy.
Sau sự cố lật ca nô trên biển Cửa Đại, ông Nguyễn Văn sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, sẽ vận động doanh nghiệp hỗ trợ một số hệ thống cảnh báo về thiên tai, thời tiết cho Trạm biên phòng để phát hiện sự cố về gió lốc diễn biến phức tạp trong ngày nhằm hướng dẫn tàu thuyền, ca nô ra vào an toàn. Sẽ tăng tần suất khảo sát lên, trước đây 6 tháng/lần thì giờ 3 tháng/lần hoặc thẩm chỉ 1 tháng/lần để định vị bồi lắng cửa biển, luồng lạch, để hướng dẫn tàu thuyền ra vào an toàn.
Theo ông Sơn, TP Hội An đang đề xuất với UBND tỉnh, Trung ương xem xét lại thiết kế của tàu thuyền theo SB. Thực tế mười mấy năm qua TP Hội An tổ chức du lịch ra đảo Cù Lao Chàm bằng ca nô SI trống toàn bộ thân tàu, cũng từng xảy ra vụ lật tàu, tuy nhiên chưa bao giờ xảy ra tình trạng chết người. Còn đối với loại thuyền ca nô SB thì nó kín từ trước ra sau chỉ có một cửa phía trước và cửa phía sau mà khi tàu bị lật thì rất là nguy hiểm cho hành khách.
“Thực tế những người gặp nạn hôm 26/2 khi được đem ra thì họ đã ngạt thở, cái này cũng là kinh nghiệm cho chúng ta điều chỉnh thiết kế các tàu thuyền đi biển chở khách du lịch sắp tới”, ông Sơn nói.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, phương tiện chở khách ra Cù Lao Chàm đa phần được hoán cải từ ca nô chuẩn SI, loại có mái che, chở 12 đến 22 khách, hoạt động ở vùng biển 12 hải lý trở vào bờ. Sau hoán cải thành chuẩn SB, ca nô sẽ có mái che, được chở hơn 30 hành khách, hoạt động ở vùng biển trên 12 hải lý.
Tuy nhiên nhiên, theo thuyền trưởng ca nô Đào Đặng Công Trung , ở TP Hội An, thân ca nô quá nhỏ nên việc bố trí số ghế theo quy định đã chiếm hết diện tích dành cho lối thoát hiểm và thiết bị cứu hộ. Cụ thể, khi nâng SI lên SB họ đã làm thêm phần mui đã làm ca nô nặng hơn, không phù hợp với thiết kế cũng như trọng lượng an toàn. Đây cũng là lỗ hổng trong việc cho đăng ký, đăng kiểm”.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An, cho rằng cần nghiên cứu thêm về mặt chuyên môn. Nhưng quan sát hiện trường ca nô quá kín là đúng thực tế.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Bộ Giao thông Vận tải sáng 27/2, ông Sơn đã đề nghị thẳng thắng: “Chúng tôi đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét lại quy định hiện nay về chuẩn SB, trong đó nghiên cứu giải pháp và thiết kế ca nô như thế nào để khi gặp sự cố thì thoát hiểm tốt hơn”
Vẫn phải chờ đợi kết luận cuối cùng về nguyên nhân vụ lật ca nô và cái chết nhiều người, nhưng thiết nghĩ những ý kiến của người bị nạn, của các thuyền trưởng và của cả chính quyền địa phương cần phải được xem xét thấu đáo, kỹ càng.