Siết chặt an toàn giao thông đường thủy
Vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng khiến 17 người chết tại biển Cửa Đại, TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) tiếp tục báo động “đỏ” về tình trạng mất an toàn giao thông đường thủy, nhất là hoạt động vận chuyển khách du lịch bằng đường thủy.
Xảy ra tai nạn là hậu quả thảm khốc
Thời gian vừa qua, xảy ra không ít vụ tai nạn đường thủy nghiêm trọng gây thiệt hại rất lớn về tài sản, tính mạng của người dân khiến dư luận không khỏi hoang mang.
Dù sự việc chìm ca nô trên biển Cửa Đại (Quảng Nam) đã trôi qua 4 ngày, nhưng dư luận cả nước vẫn chưa hết bàng hoàng và đau xót. Chuyến tàu du lịch “định mệnh” ấy đã bất ngờ gặp nạn trên biển Cửa Đại, cướp đi sinh mạng của 17 hành khách khiến bao gia đình bỗng chốc tan nát, tang thương.
Theo đó, ngày 26/2, tàu du lịch số hiệu QNa-1152 của Công ty TNHH MTV Du lịch Phương Đông (địa chỉ: phường Cửa Đại, TP Hội An) do thuyền trưởng là ông Lê Sen vận chuyển 39 người (36 hành khách và 3 thuyền viên) trên đường từ đảo Cù Lao Chàm vào đất liền, đến địa điểm cách Đồn Biên phòng Cửa Đại khoảng 1 hải lý về hướng Đông thì bị lật chìm khiến 17 người tử vong.
Lý giải về nguyên nhân, đại diện Công ty TNHH MTV Du lịch Phương Đông giải thích, nguyên nhân gặp nạn là do sóng lớn. Tại khu vực gặp nạn có đường giao thoa giữa luồng nước nông và sâu nên thường xuất hiện 2 luồng sóng mạnh. Đúng vào thời điểm chiếc ca nô đi vào khu vực đó lại có cơn sóng ngang lớn ập đến đẩy lật ca nô.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP Hội An cho rằng, một phần nguyên nhân gây ra số lượng du khách tử vong quá nhiều là bởi ca nô trên thuộc loại tàu SB. Nếu là tàu SI thì vì tàu trống, nếu lật sẽ văng người ra hết. Còn tàu SB là loại tàu bịt bùng nên khi lật úp sẽ rất khó để thoát ra ngoài.
Trước đó vào năm 2021, tại Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) cũng xảy ra 1 vụ chìm tàu du lịch gây hậu quả nghiêm trọng không kém.
Theo đó, khoảng 5h sáng 17/2/2021, tàu du lịch mang BKS - QN 5198 của Công ty TNHH Trường Hải, do ông Nguyễn Văn Minh làm thuyền trưởng, chở 21 khách du lịch nghỉ đêm tại khu vực Đảo Ti-Tốp, đã bị đắm. 9 hành khách và nhân viên tàu được cứu sống, 12 người khác tử vong. Sau đó, Công an Quảng Ninh đã bắt giam thuyền trưởng và máy trưởng tàu Trường Hải để điều tra hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo số liệu của Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), chỉ tính riêng năm 2021 toàn quốc xảy ra 53 vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường thủy, làm chết 35 người và 1 người bị thương. Tháng 1/2022 xảy ra 3 vụ làm 2 người chết, tháng 2/2022 xảy ra 4 vụ 2 người chết (chưa tính vụ chìm ca nô ở Quảng Nam).
Tăng cường kiểm tra
Trao đổi với Báo Đại Đoàn Kết, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông- Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, trên đường thủy vẫn tồn tại ý thức của người tham gia giao thông vẫn còn kém.
Đó là việc người dân vẫn tham gia giao thông theo kiểu truyền thống, ví dụ như điều khiển phương tiện giao thông đường thủy không có bằng, không có chứng chỉ chuyên môn, phương tiện không được đăng ký, đăng kiểm, trang thiết bị đảm bảo an toàn phương tiện còn hạn chế.
Bàn về giải pháp hạn chế tai nạn giao thông đường thủy trong thời gian tới, đại diện Cục CSGT cho hay, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công an về triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả vụ TNGT đường thủy nội địa xảy ra tại vùng biển Cửa Đại, Cục CSGT đã có điện chỉ đạo Công an các tỉnh, thành phố tập trung phối hợp với các lực lượng chức năng khẩn trương rà soát, kiểm tra, thống kê, đánh giá thực trạng tất cả hoạt động vận tải hành khách liên quan đến phương tiện thủy nội địa gồm, hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định, ngang sông, dọc sông, du lịch, lễ hội, lưu trú nghỉ đêm.
Riêng đối với các tuyến vận tải đường thủy từ bờ ra đảo phải xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan có liên quan, đặc biệt là ở những nơi có nhiều lực lượng cùng có chức năng xử lý vi phạm, nhưng không xác định cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động vận tải hành khách.
Theo Cục CSGT, thông qua công tác rà soát để làm rõ những tồn tại, bất cập trong hoạt động vận tải hành khách trên đường thủy nội địa, nhất là việc thiết kế phương tiện gây khó khăn cho việc thoát nạn khi xảy ra sự cố, tai nạn. Phân tích, đánh giá nguyên nhân xảy ra các vụ TNGT đường thủy và đề xuất giải pháp khắc phục.
Đồng thời, lực lượng Cảnh sát đường thủy tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường thủy. Trong đó tập trung kiểm tra ngay tại các đầu bến, các địa bàn phức tạp về hoạt động vận tải hành khách, kiên quyết đình chỉ hoạt động và không cho xuất bến đối với các phương tiện không đảm bảo điều kiện an toàn như chở quá số người quy định, thiếu thiết bị an toàn, cứu sinh, cứu đắm, không có danh sách hành khách theo quy định… hoặc khi điều kiện thời tiết không bảo đảm.
“Chúng tôi tiếp tục duy trì kết quả đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy dịp Tết Nguyên đán bằng việc tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về trật tự an toàn giao thông đường thủy. Trong đó, Cục CSGT tập trung kiểm tra xử lý các bến bãi, điều kiện hoạt động của bến bãi, điều kiện hoạt động của phương tiện, của thuyền viên về điều khiển phương tiện. Chúng tôi cũng có những khuyến cáo riêng đối với các Công ty du lịch phải thường xuyên kiểm tra bảo đảm an toàn chất lượng, nhất là những phương tiện chở khách du lịch, dịch vụ bị nghỉ thời gian dài do Covid-19” - ông Nhật nhấn mạnh.
Còn theo thông tin từ Bộ GTVT cho biết, Bộ này cũng vừa có công điện yêu cầu các Cục nghiệp vụ và Sở GTVT các địa phương tăng cường kiểm tra chất lượng phương tiện, đặc biệt chú trọng tới các phương tiện thủy chở khách từ bờ ra đảo, phương tiện thủy phục vụ các lễ hội, tàu cao tốc. Kiểm tra toàn diện việc chấp hành các quy định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải trên đường thủy nội địa, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật nếu phát hiện vi phạm. Đặc biệt xem xét trách nhiệm của chủ doanh nghiệp (chủ phương tiện) gây tai nạn nêu trên.
Ông Trần Đỗ Liêm - Chủ tịch Hội Vận tải thủy Nội địa Việt Nam: Kinh nghiệm và ý thức chấp hành pháp luật của người lái tàu rất quan trọng
Số lượng vụ tai nạn giao thông đường thủy thường xảy ra ít hơn giao thông đường bộ, tuy nhiên tai nạn giao thông đường thủy nguy hiểm hơn đường bộ. Khi xảy ra tai nạn đường thủy thường gây hậu quả nặng nề, rất khó khắc phục, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn.
Thời gian qua các phương tiện vận tải đường thủy chuyên nghiệp hầu hết đều đăng ký, đăng kiểm đầy đủ về phương tiện và nhân sự mới được cấp phép hoạt động. Các loại phương tiện đường thủy không chấp hành nghiêm túc chủ yếu là các tàu, bè dân dụng của người dân.
Vai trò của người thuyền trưởng lái tàu rất quan trọng, do vậy thuyền trưởng phải lành nghề và thuộc đường, nắm được nguyên tắc biến đổi của thời tiết trên luồng hoạt động thường xuyên của mình. Tất cả điều đó là sự lành nghề chứ không ai dạy nhau được. Lành nghề và thuộc đường đấy là yêu cầu bắt buộc người thuyền trưởng, người lái tàu phải có và phải biết. Việc sử dụng người lái tàu quan trọng nhất là thâm niên và kinh nghiệm công tác của họ.
Cồn cát là một trong những nguy hiểm nhất của vận tải đường thủy nhất là vùng ven biển. Cồn cát cố định còn có phao tiêu, báo hiệu để cảnh báo. Cồn cát di động thì xuất hiện đột ngột, rất khó phát hiện. Việc phát hiện cồn cát di động đòi hỏi người thuyền trưởng có lành nghề, có kinh nghiệm hay không.
Mặt khác, ý thức chấp hành pháp luật của các chủ tàu, người lái tàu cũng có vai trò rất quan trọng. Nếu họ chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật thì sẽ hạn chế tối đa các vụ tai nạn giao thông đường thủy và hạn chế số lượng thiệt hại, thương vong.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT: Muốn hạn chế tai nạn, phải chặn nguyên nhân từ “gốc”
Trong thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra những vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng do tàu biển, phương tiện thủy nội địa, ca nô cao tốc gây ra. Nguyên nhân chủ yếu là do người điều khiển phương tiện vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường thủy, chở quá số người quy định. Công tác quản lý nhà nước, xử lý các vi phạm nhiều lúc, nhiều nơi không đảm bảo.
Trong trường hợp có sóng to, gió lớn thì những người giám sát, cơ quan chức năng giám sát, quản lý phải giám sát chặt chẽ và cảnh báo. Nếu các cơ quan chức năng không làm tròn chức năng, nhiệm vụ của mình cũng góp phần là nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn.
Để hạn chế tai nạn, chúng ta phải chấp hành nghiêm túc Luật Giao thông về đường thủy và cần phải chặn nguyên nhân gây tai nạn từ “gốc” thì sẽ hạn chế được các vụ tai nạn giao thông đường thủy.
Những lúc thời tiết biển động không nên tham gia giao thông đường thủy, chủ doanh nghiệp, người lái tàu, thuyền phải nghiêm tục thực hiện các quy định về vận tải hành khách trên tàu, thuyền.
Cảnh sát giao thông đường thủy cũng cần tăng cường trách nhiệm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý các trường phương tiện đường thủy vi phạm.
Lực lượng thanh tra, cảng vụ đường thủy có trách nhiệm tăng cường kiểm tra điều kiện hoạt động của cảng, bến, an toàn kỹ thuật phương tiện và thuyền viên phương tiện vận tải khách.
Trường hợp phát hiện vi phạm cảng, bến, phương tiện hoạt động không phép, trái phép hoặc không đủ điều kiện kỹ thuật, tàu chở quá số người quy định, không đảm bảo các thiết bị an toàn thì phải kiên quyết đình chỉ hoạt động và xử phạt thật nghiêm minh để ngăn chặn hậu họa ngay từ đầu.
Đức Sơn(Ghi)