Giải 'cơn khát' lao động

LÊ ANH 01/03/2022 09:03

Thiếu hụt nhiều lao động do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đầu tháng 3 năm nay nhiều doanh nghiệp và cơ sở sản xuất tại các khu chế xuất - khu công nghiệp và cụm công nghiệp (KCX, KCN, CCN) tại TP Hồ Chí Minh tìm kiếm các nguồn cung lao động từ các trung tâm giới thiệu, sàn giao dịch việc làm trên địa bàn thành phố.

Doanh nghiệp kết nối với các trường ĐH,CĐ để tìm kiếm nguồn nhân lực.

Tại chương trình “Tiếp sức người lao động và sàn giao dịch việc làm” năm 2022 do Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên TPHCM vừa tổ chức, nhiều doanh nghiệp (DN) cho biết đã nỗ lực để tuyển dụng thêm các bộ phận và vị trí công việc còn thiếu hụt từ sau Tết cho đến nay.

Theo ông Nguyễn Quang Cường - Giám đốc Trung tâm, ngay trong ngày đầu tham gia, đã có hơn 40 DN tuyển dụng trực tiếp và hơn 20 đơn vị khác tham gia tuyển dụng theo hình thức trực tuyến. Ngay tại chương trình, có hơn 5.000 chỉ tiêu đã được tuyển dụng với đa dạng ngành nghề.

Ông Trương Anh Quân- một DN trong lĩnh vực xây dựng tại TP Thủ Đức cho biết, ngoài phỏng vấn trực tuyến để tiếp cận nhiều hơn với các ứng viên, công ty của ông cũng đã kết nối với các trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh, thành, các DN trong cùng lĩnh vực để tăng cường hỗ trợ nguồn cung lao động đã qua đào tạo, có tay nghề kỹ thuật.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Biểu- Giám đốc Công ty Bhome cho biết, việc thiếu hụt các lao động có tay nghề là một trong những bài toán rất đau đầu của DN. Tuy nhiên, với bối cảnh các đơn hàng còn chưa dồi dào thì đơn vị vẫn còn thời gian để tìm kiếm thêm các nguồn cung lao động, nhất là tại các trường ĐH, CĐ trên địa bàn trong lĩnh vực kiến trúc, xây dựng, thiết kế nội ngoại thất.

Đại diện Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM cũng cho biết, trường đã nhận được nhiều công văn của các DN đề nghị cung cấp nhân lực là sinh viên đã tốt nghiệp đại học ngay sau tết. Ước tính, có khoảng gần 3.500 vị trí công việc, việc làm tập trung ở các ngành nghề như kế toán, marketing, tài chính ngân hàng, nhóm ngành thủy sản, công nghệ vật liệu, môi trường, cơ khí, điện tử… Đại học Công nghiệp TPHCM cũng được đề nghị “nguồn cung” lên đến hàng nghìn sinh viên vừa tốt nghiệp trong các ngành CNTT, điện, điện cơ khí, quản trị kinh doanh và marketing. Không chỉ tuyển các thực tập sinh có trả lương, nhiều DN hứa hẹn sẽ tuyển dụng trực tiếp các bạn đáp ứng được yêu cầu công việc sau thời gian thử việc ban đầu.

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (FALMI), dù đã qua thời điểm cam go nhất của đại dịch thế nhưng thị trường lao động đã chịu nhiều ảnh hưởng với tỷ lệ lao động ngừng việc, mất việc có xu hướng tăng, người lao động thiếu việc làm, bị cắt giảm giờ làm, buộc thôi việc dẫn đến giảm, mất thu nhập. Với sự dịch chuyển lao động từ TPHCM về các tỉnh, thành trước tác động của dịch bệnh và người lao động chưa hoàn toàn trở lại thành phố làm việc đã gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tuyển dụng nhân sự. Đại diện FALMI cho biết, những lao động này phần lớn là lao động phổ thông, lao động phi chính thức, việc làm ngắn hạn, do đó để thay thế cho lực lượng này, nhiều DN đã phải tuyển dụng nguồn lao động bán thời gian, lao động mùa vụ phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong dịp Tết vừa qua.

Hiện nay, UBND TPHCM đã nỗ lực triển khai thực hiện chỉ đạo các Sở, ngành và địa phương thực hiện mục tiêu kép, vừa kiểm soát tốt dịch bệnh vừa triển khai phục hồi kinh tế; điều chỉnh định hướng, chiến lược phòng, chống dịch gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội theo hướng kinh tế số, xã hội số, thương mại điện tử,...để tháo gỡ khó khăn, đảm bảo đủ nguồn cung lao động cho các KCX, KCN và CCN trên địa bàn.

FALMI dự báo có 2 kịch bản về nhu cầu lao động tùy theo diễn biến tiếp theo của đại dịch Covid-19. Trong tình hình dịch bệnh được kiểm soát, diễn biến theo chiều hướng tích cực, dự kiến nhu cầu nhân lực từ quý II TPHCM cần khoảng 65.500 – 72.500 chỗ làm việc; quý III cần khoảng 66.500 – 73.500 chỗ làm việc và quý IV cần khoảng từ 69.500 – 77.100 chỗ làm việc. Đáng chú ý, nhu cầu tuyển dụng trong DN nhà nước được dự báo chiếm khoảng 1,17% tổng nhu cầu nhân lực, trong khi DN ngoài nhà nước chiếm tới 89,66% và DN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 9,17%.

KHU CÔNG NGHIỆP - KHU CHẾ XUẤT CẦN LAO ĐỘNG

Theo lãnh đạo Ban Quản lý các Khu chế xuất - Khu công nghiệp TPHCM, các DN đăng ký nhu cầu tuyển dụng đầu năm 2022 là 51.000 lao động. Trong đó, DN vốn đầu tư nước ngoài khoảng 41.000 người, DN trong nước khoảng 10.000 người. Nhu cầu lao động phổ thông khoảng 35.000 người, lao động có tay nghề - trung cấp nghề khoảng 12.300 người và lao động có trình độ từ đại học trở lên khoảng 3.400 người. Phân chia theo ngành nghề, DN có nhu cầu tuyển dụng cao như may mặc (khoảng 18.500 lao động), giày da (8.500 lao động), cơ khí (4.000 lao động), điện - điện tử (2.600 lao động), chế biến (3.000 lao động) và những ngành còn lại khoảng 8.000 lao động.

S.Tuyến

LÊ ANH