Tiếp sức cho ngành tôm

QUỐC ĐỊNH 01/03/2022 07:00

Xuất khẩu tôm được xem là một trong những ngành hàng chủ lực của nông nghiệp. Trong bối cảnh thị trường vẫn còn chịu nhiều tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19 cũng như sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các đối thủ thì các yếu tố đồng bộ như: hạ giá thành đầu vào, tăng chất lượng sản phẩm, tăng vốn cho doanh nghiệp… sẽ tiếp sức, giúp ngành tôm trụ vững

Để trụ vững ở các thị trường, ngành tôm cần đầu tư đồng bộ.

Nhiều dư địa tăng trưởng

Mới đây, một doanh nghiệp (DN) tại tỉnh Cà Mau đã xúc tiến dự án tôm sinh thái Camimex - Đất Mũi ở rừng phòng hộ Đất Mũi. Với việc phát triển dự án này, phía công ty sẽ mở rộng vùng nuôi tôm sinh thái trên 10.000 ha, với hơn 2.000 hộ dân tham gia và hưởng lợi. Khi được tham vấn để tham gia dự án, các hộ dân ở vùng Đất Mũi mong muốn DN phải tránh những “vết xe đổ” của các đối tác khác đã “bỏ lại sau lưng” nông hộ.

Tại Cà Mau, Tập đoàn thuỷ sản Minh Phú cũng vừa lập kỷ lục sở hữu vùng nuôi tôm sú sinh thái hữu cơ trong khu vực rừng ngập mặn lớn nhất Việt Nam, với tổng diện tích gần 10 ngàn, cùng với 2.010 hộ nông dân tham gia.

Theo giới phân tích, lợi thế cạnh tranh với những DN đang phát triển diện tích nuôi tôm sinh thái như trên là rất lớn trong bối cảnh xu thế tiêu thụ sản phẩm Bio (những thực phẩm được quy định sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ sinh học) đang tăng nhanh ở châu Âu và Mỹ.

Đặc biệt, các sản phẩm tôm sinh thái thường không bị vướng các hàng rào vệ sinh an toàn thực phẩm rất cao, dễ dàng thâm nhập các thị trường khó tính. Nếu tận dụng được các cơ hội, doanh thu của các DN phát triển tôm sinh thái sẽ gia tăng từ 50-60% mỗi năm.

Ngoài dư địa tăng trưởng xuất khẩu tôm sinh thái, những đánh giá gần đây cho thấy, năm 2022 sẽ có những tín hiệu vui cho việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu tôm. Như chia sẻ của TS Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT CTCP thực phẩm Sao Ta, mốc 4 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước là trong tầm tay. Tuy nhiên, điều ông Lực mong muốn là DN phải “biết người biết ta”.

Theo đó, DN phải nâng cao hơn trình độ chế biến để chiếm lĩnh mảng tiêu dùng cao cấp ở các thị trường tiêu thụ trọng điểm, ít đối thủ và có biên lợi nhuận tốt. Nhất là ở thị trường chủ lực Mỹ (năm 2021 đạt 969,2 triệu USD, tăng 39% về so với năm 2020) có hai đối thủ lớn nhất là Ecuador và Ấn Độ đang ráo riết tăng sản lượng lẫn hàm lượng trong chế biến hòng cạnh tranh với tôm Việt.

Đồng bộ các giải pháp

Trong cuộc đua xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ hồi năm 2021, Việt Nam xếp thứ 4, đứng sau Ấn Độ, Ecuador và Indonesia, đạt 969,2 triệu USD, tăng 33% về khối lượng và 39% về giá trị so với năm 2020. Xét về đối thủ cạnh tranh ở thị trường Mỹ, Ấn Ðộ có giá thành tôm nuôi thấp hơn Việt Nam từ 20-30%.

Trong khi Ecuador chỉ có 250.000 ha nuôi tôm nhưng sản lượng tương đương với Việt Nam 800.000 ha, với giá thành chỉ bằng 1/2 - 1/3. Vì vậy, để tăng sức cạnh tranh thì chuỗi giá trị ngành tôm Việt Nam cần phải lưu tâm nhiều hơn để giảm giá thành nuôi tôm. Trong khi đó, để giảm các chi phí đầu vào trong nuôi tôm (con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học, điện…) trong bối cảnh hiện nay là một thách thức lớn.

Muốn giảm giá thành tôm nuôi một cách căn cơ và bền vững, giới chuyên gia cho rằng, ngoài việc giảm chi phí con giống, thức ăn, điện…, điều cần quan tâm là làm sao nâng tỷ lệ thành công, cũng như năng suất của tôm nuôi lên cao hơn nữa.

Trong việc “biết người biết ta” để cạnh tranh tốt ở các thị trường chủ lực, việc nâng cao năng lực cho chuỗi giá trị ngành tôm là điều hết sức quan trọng, nhất là phải tạo được vùng nguyên liệu ổn định, cung ứng đủ cho các nhà máy chế biến xuất khẩu. Ngoài ra, cũng không thể thiếu các giải pháp mạnh về tín dụng để hỗ trợ DN và nông dân xây dựng chuỗi giá trị tôm.

Chẳng hạn như hôm 22/2, một ngân hàng thương mại cổ phần đã ký kết hợp tác chiến lược với CTCP Tập đoàn Nam Miền Trung Group với mục tiêu xây dựng chuỗi giá trị ngành tôm Việt Nam lên đến 30.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2022 - 2025.

Tại Hội nghị bàn về tín dụng trong nuôi trồng thủy sản diễn ra mới đây, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh cần có cơ chế chính sách phù hợp trong việc cho vay đến hộ nuôi tôm, và các tổ chức tín dụng cần có giải pháp cho người dân vay vốn hài hòa. Đặc biệt, các DN cần quan tâm hỗ trợ nông dân về con giống, thức ăn, kỹ thuật, và nông dân phải có trách nhiệm trả nợ vốn vay.

Diện tích nuôi tôm nước lợ của Sóc Trăng năm 2021 đạt 53.000ha với nhiều mô hình hiệu quả được nhân rộng như mô hình tôm - lúa, mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn... Từ đó tạo được vùng nguyên liệu ổn định, cung ứng cho các nhà máy chế biến. Trong tỉnh hiện có 11 tổ chức tín dụng đầu tư vốn cho 5 DN và 10.485 hộ nuôi tôm, dư nợ cho vay nuôi trồng thủy sản đến cuối năm 2021 là 6.854,5 tỷ đồng.

Có thể nói, nhìn vào cơ hội tăng trưởng xuất khẩu tôm trong năm 2022 thì việc thúc đẩy các giải pháp mang tính căn cơ, phù hợp, đồng bộ cho chuỗi giá trị ngành tôm nước nhà là rất cần thiết trong lúc này, nhất là khi thị trường xuất khẩu vẫn còn chịu nhiều tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Chính vì vậy, để gia tăng lợi thế cạnh trước các đối thủ, chuỗi giá trị ngành tôm cần vượt qua các thách thức nội tại và được đầu tư đồng bộ hơn nữa trong thời gian tới.

QUỐC ĐỊNH