Hiện tượng Jouhatsu: Bản hợp đồng giúp con người 'bốc hơi' và góc khuất cay đắng tại Nhật Bản
Đối mặt với những áp lực của cuộc sống thường nhật như công việc, tình cảm, kinh tế..., "dịch vụ bốc hơi" tại Nhật Bản là "lối thoát tiềm năng" đối với những những Jouhatsu, để họ có thể biến mất mà không để lại bất kỳ dấu vết nào.
Khi gặp những vấn đề không lối thoát trong cuộc sống, nhiều người chọn cách biến mất không để lại bất kỳ dấu vết nào. Ở Nhật Bản, hiện tượng này đã trở thành một vấn nạn và được gọi tên là "Jouhatsu". Nếu so sánh với việc thoát khỏi thực tại bằng tự tử khiến cho người thân phải gánh các khoản phí dọn dẹp đắt đỏ, Jouhatsu có vẻ là giải pháp được nhiều người Nhật muốn biến mất lựa chọn hơn. Tuy nhiên, cả hai vấn nạn này đều phơi bày góc tối và những khía cạnh khắc nghiệt của xã hội Nhật Bản.
Nguồn gốc của Jouhatsu - hiện tượng gây nhức nhối xã hội Nhật Bản
Thuật ngữ Jouhatsu bắt đầu được sử dụng ở Nhật Bản vào thập niên 60 của thế kỷ 20, chỉ những người quyết định thoát khỏi cuộc hôn nhân không hạnh phúc bằng cách biến mất đột ngột thay vì phải chịu đựng các thủ tục ly hôn chính thức.
Đến thập niên 90, bong bóng kinh tế vỡ khiến nhiều người làm công ăn lương tại Nhật mất việc và nợ nần chồng chất, chính vì vậy Jouhatsu cùng với vấn nạn tự vẫn gia tăng đột biến. Tương tự như chủ đề tự tử, Jouhatsu cũng là điều cấm kỵ trong các cuộc trò chuyện của người Nhật.
“Bốc hơi" sau 1 đêm chỉ với 1 chữ ký
Norihiro đang yên ổn làm việc thì bất ngờ bị sa thải. Anh không dám nói thật với gia đình nên ngày ngày vẫn giả vờ đi làm. Buổi sáng, Norihiro thay đồ công sở, hôn tạm biệt vợ rồi lên xe. Anh lái đi vô định, đến tối mới về. Biết không thể nào đánh lừa được mãi, Norihiro lựa chọn biến mất. Điểm đến của anh là Sanya, góc phố xập xệ trong lòng thủ đô Tokyo. Nó cho phép những “kẻ thất bại” như anh xóa danh tính và tạm lưu trú. Tuy nhiên vào năm 1966, khu phố này đã bị chính quyền thủ đô xóa sổ.
Nhật Bản là quốc gia đáp ứng mọi yêu cầu. Với khách hàng là đối tượng chán người, muốn lánh đời như Sugimoto, họ giới thiệu "dịch vụ bốc hơi trong đêm". Đúng như tên gọi, dịch vụ này kín đáo giúp khách hàng biến mất lúc đêm tối, không để lại bất cứ dấu vết gì.
Từ kẻ trốn nợ cho đến người trốn cuộc sống hôn nhân, trốn bị theo dõi, trốn công việc, học hành... dịch vụ bốc hơi trong đêm của Nhật Bản đều tận tình phục vụ. Họ không bao giờ thắc mắc lý do muốn biến mất của khách hàng, mà chỉ nhanh chóng tìm nơi đến tiềm năng. Đó phải là địa điểm khách hàng của họ có thể mai danh ẩn tích, sống im hơi lặng tiếng đến chán thì thôi.
Sau khi đạt thỏa thuận về nơi đến, dịch vụ bốc hơi trong đêm tiến hành giúp khách hàng biến mất. Họ dùng xe vận chuyển, lợi dụng lúc đêm tối lặng lẽ đưa khách hàng rời đi, cùng với toàn bộ những gì người này muốn mang theo.
Khách hàng đa dạng ở mọi tầng lớp, lứa tuổi, giới tính
"Thông thường, lý do yêu cầu dịch vụ bốc hơi trong đêm là vì mục tiêu tích cực; ví dụ như trốn nhà để vào đại học, tìm kiếm công việc mới, kết hôn với người yêu thật lòng...", Sho Hatori, ông chủ của một công ty "hỗ trợ mất tích" được thành lập vào thập niên 1990 ở Nhật Bản cho biết.
"Tuy nhiên đôi khi, nó cũng vì những lý do đáng buồn như bỏ học đại học, thất nghiệp, trốn chồng con...".
Những năm 1990 là thời gian Nhật Bản rơi vào khủng hoảng suy thoái kinh tế sau Thời kỳ Bong bóng (1986-1991). Nhiều công ty, doanh nghiệp bị phá sản và nhiều người bị vỡ nợ. Hatori nghĩ rằng nếu mở dịch vụ bốc hơi trong đêm, ông sẽ chỉ nhận được yêu cầu từ các khách hàng muốn trốn nợ. Sau một thời gian hoạt động, Hatori nhận ra nguyên nhân khiến người Nhật chọn bốc hơi nhiều vô cùng.
Theo thống kê của Yonigeya TS Corporation - tập đoàn dịch vụ hỗ trợ người bốc hơi với 22 chi nhánh trên khắp Nhật Bản, có đến 20% khách hàng là nạn nhân của bạo lực gia đình. Đa phần họ là những người vợ bị chồng ngược đãi. Ngay cả Chủ tịch của Yonigeya TS Corporation, Miho Saita (49 tuổi) cũng thế. Cô từng bị chồng đánh đập liên miên, không chịu nổi phải bỏ nhà ra đi, thành lập công ty trong cùng khoảng thời gian với Hatori.
80% Jouhatsu còn lại thì mang đủ các thể loại lý do, trong đó nhiều nhất là trốn nợ cờ bạc. Tiếp đến là trốn kẻ theo dõi, trốn thực tế bất mãn... "Chúng tôi không phán xét nguyên nhân muốn biến mất của khách hàng, cũng không từ chối ai cả, trừ trường hợp họ đang là tội phạm bị truy nã," - Miho nói.
Những con số biết nói
Số vụ Jouhatsu được báo cáo ít hơn con số thực tế. Theo số liệu thống kê vào năm 2015, Nhật Bản có tổng cộng 82.000 người mất tích. Trừ một số ít là nạn nhân của bắt cóc, giết người chưa phát hiện tung tích, tất cả đều là Jouhatsu. Trong số các vụ mất tích, khoảng 23.000 trường hợp mất tích với thời gian dài hơn một tuần và khoảng 4.100 người được tìm thấy đã tử vong.
Tuy nhiên, Hiệp hội hỗ trợ tìm kiếm người mất tích Nhật Bản (Missing Persons Search Support Association of Japan – MPS), một tổ chức phi lợi nhuận được lập ra để hỗ trợ cho các gia đình của Jouhatsu, lập luận rằng con số chính thức trên không phản ánh chính xác và nó quá thấp so với thực tế. MPS nhận định: “Số vụ mất tích thực tế chưa được đăng ký ước tính phải gấp vài lần con số 100.000”.
Loại hình dịch vụ “giá cả đi đôi với chất lượng
Trung bình mỗi ngày, bà chủ của Yonigeya TS Corporation nhận được từ 5-10 yêu cầu tư vấn bốc hơi. Mỗi năm, bà phục vụ từ 100-150 Jouhatsu. Giá thành dịch vụ bốc hơi trong đêm dao động từ 50.000-300.000 yên/người (tương đương 11-65 triệu đồng Việt Nam). Khách hàng bốc hơi được đảm bảo bí mật thông tin cá nhân và nơi đến trọn đời.
Tại Nhật, quyền riêng tư của mỗi người luôn rất được coi trọng và bảo vệ nghiêm ngặt, trở thành một đặc trưng của văn hóa Nhật Bản. Do vậy, những người Nhật quyết định chọn Jouhatsu có thể ẩn mình mà không lo lắng về việc bị phát hiện ra.
Họ cũng không cần lo việc bị ghi hình trên hệ thống camera giám sát CCTV hay bị phát hiện khi sử dụng thẻ tín dụng tại các trạm ATM, miễn là họ chuyển đi thật xa khỏi nơi từng sống. Bởi vì các thành viên trong gia đình không thể xem được các video bảo mật, cũng như các giao dịch tại ATM của họ.
"Tôi vô cùng bàng hoàng," - "Thằng bé đã bị cho nghỉ việc 2 lần. Chắc là nó phải đau khổ lắm, nên mới đưa ra quyết định tiêu cực như thế".
Một bà mẹ người Nhật Bản có con trai 22 tuổi là Jouhatsu bộc bạch: Tôi đã bị sốc nặng. Từ khi con trai của tôi biến mất đến giờ, nó chưa một lần liên lạc về nhà. Tôi biết nó bị mất việc 2 lần và hẳn là vô cùng suy sụp vì điều đó. Tôi hiểu luật bảo vệ thông tin riêng tư là cần thiết, nhưng chẳng lẽ ngay cả người làm mẹ như tôi cũng không được phép tìm kiếm con mình ư?
Vì muốn sớm tìm thấy con trai, bà đến sở cảnh sát xin trợ giúp nhưng đã bị từ chối vì quyền riêng tư. "Với quy định hiện hành, tôi chỉ có mỗi một quyền là xác nhận mặt, nếu chẳng may thằng bé qua đời mà thôi", bà chia sẻ.
"Với gia đình có người bốc hơi, họ chỉ có thể chọn 1 trong 2 giải pháp: Thuê thám tử tư tìm kiếm hoặc chờ đợi", Hiroki Nakamori, nhà xã hội học người Nhật Bản cho biết.
Sau một thời mất tích, các Jouhatsu có thể tự động quay về hoặc không. Bất kể lựa chọn của họ là gì, dịch vụ bốc hơi trong đêm vẫn bảo đảm bí mật thông tin vĩnh viễn.