Chữa bệnh nể nang ‘ngồi chờ ngày về’ của cán bộ luân chuyển
Sau gần 5 năm thực hiện Quy định 98-QĐ/TW ngày 7/10/2017 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ đến nay đã thực hiện luân chuyển 13.503 lượt cán bộ. Tuy nhiên vẫn có biểu hiện, nể nang, ngại va chạm.
Không ít cán bộ còn nhận thức luân chuyển để được đề bạt
Báo cáo của Ban Tổ chức Trung ương cho thấy, qua gần 5 năm thực hiện Quy định 98-QĐ/TW, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị đã thực hiện luân chuyển 13.503 lượt cán bộ. Trong đó, Ban Tổ chức Trung ương tham mưu trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, phân công bố trí công tác và thực hiện chế độ chính sách đối với 55 cán bộ Trung ương luân chuyển.
Theo đánh giá của Ban Tổ chức Trung ương, việc luân chuyển cán bộ đã được các cấp lãnh đạo, chỉ đạo bài bản, dân chủ, chặt chẽ, đồng bộ, khách quan, công khai, công tâm, minh bạch; góp phần khắc phục hiệu quả những tồn tại, yếu kém, khuyết điểm trong công tác luân chuyển cán bộ trước đây.
Việc lựa chọn địa bàn, chức danh và chuẩn bị nhân sự luân chuyển đã gắn kết chặt chẽ với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị, tình hình đội ngũ cán bộ của Trung ương, địa phương có sự đổi mới, phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan theo phương châm làm đến đâu chắc đến đó, không đưa cán bộ đi luân chuyển theo đợt, chủ yếu sử dụng số lượng chức danh theo quy định để luân chuyển cán bộ, trường hợp thực sự cần thiết mới xem xét tăng thêm số lượng chức danh ngoài quy định.
Tuy nhiên bên cạnh đó, Ban Tổ chức Trung ương cũng thẳng thắn chỉ ra trong thực hiện Quy định 98-QĐ/TW còn một số bất cập như chưa tạo được sự chủ động trong việc đưa cán bộ đi luân chuyển do phải chờ các địa phương khuyết chức danh; việc xử lý hài hòa giữa luân chuyển cán bộ với đào tạo, sử dụng nguồn cán bộ tại chỗ và gắn với chức danh quy hoạch còn bất cập, hiệu quả chưa cao.
Đáng chú ý, có không ít cán bộ còn nhận thức đi luân chuyển để được đề bạt lên chức vụ cao hơn. Vì vậy có biểu hiện nể nang, ngại va chạm, thiếu quyết liệt, giữ mình “chờ ngày về”.
Chặn tâm thế “không đụng chạm” ở người luân chuyển
Vấn đề được đặt ra đang nằm ở việc luân chuyển cán bộ phải kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách cán bộ ở thực tiễn với tăng cường cán bộ có chất lượng cho những nơi có khó khăn về nguồn nhân sự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và gắn với quy hoạch, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ.
Nhưng điều quan trọng việc luân chuyển phải khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ. Nhất là sự kết hợp có hiệu quả việc thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND, cấp trưởng một số ngành lĩnh vực không là người địa phương.
Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, phải thống nhất quan điểm từ trên Trung ương cũng như các văn bản chỉ đạo quán triệt việc không phải đi luân chuyển để về giữ vị trí cao hơn. Bởi điều đó làm cho người được luân chuyển có tâm thế “cầm chừng”, không đụng chạm, chờ hết thời gian về để an tâm lên vị trí cao hơn. Như thế không có sự nỗ lực phấn đấu và cống hiến.
Chủ trương luân chuyển để đào tạo bồi dưỡng cán bộ, hoàn thiện tiêu chuẩn của cán bộ giữa lý luận và thực tiễn, là “cuộc diễn tập” để bộc lộ ra những “người xuất sắc nhất” qua đó giúp cho các cơ quan chức năng xem xét, cất nhắc trong sử dụng cán bộ chứ không phải sau khi luân chuyển tại địa phương, về sẽ an tâm ở vị trí cao hơn.
Như thế luân chuyển cán bộ không có ý nghĩa, làm thui chột tính năng động và trách nhiệm của người được luân chuyển. Như “bó đũa chọn cột cờ”, nên chỉ chọn những người tiêu biểu, xuất sắc nhất, có khả năng phát triển cao hơn thì Trung ương xem xét rút về bố trí ở vị trí phù hợp.
Việc bố trí đối với cán bộ hết thời gian luân chuyển nhưng thành tích mờ nhạt, vậy có nên đưa trở lại vị trí công tác cũ hay không? Ông Cuông bày tỏ quan điểm không đồng tình. “Không thể sau luân chuyển, thành tích không đạt mà lại về “giữ ghế cũ”. Điều đó làm tâm tư đối với các cán bộ công chức khác. Do đó nên tiếp tục luân chuyển sang vị trí khác, hoặc địa phương khác.
Bởi sau quá trình luân chuyển, chúng ta cũng đánh giá được năng lực sở trường của cán bộ đó nên có thể bố trí ở vị trí phù hợp. Nếu sau một thời gian, họ phát huy được năng lực sở trường ở thì có thể xem xét cất nhắc ở vị trí cao hơn, phù hợp với khả năng đúng như quan điểm “có lên, có xuống” trong công tác cán bộ. Như thế mới phát huy được khả năng của cán bộ để làm sao có lợi cho dân, cho đơn vị, địa phương”- ông Cuông bày tỏ.
GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, thực tế tại nhiều nơi không chỉ có cán bộ luân chuyển mà lãnh đạo của cán bộ đó cũng quan niệm đi luân chuyển để “tiếp xúc với thực tế”. Do đó theo ông Thi, trong luân chuyển cán bộ, quan trọng là đánh giá kết quả hoạt động của cán bộ đó với “tiêu chí đặc biệt” thiên về đánh giá năng lực trong thực hiện các nhiệm vụ. Để từ đó có bước sử dụng cán bộ sau luân chuyển trong giai đoạn tiếp theo.
Ông Thi cũng cho rằng, những cán bộ được luân chuyển đều là “đối tượng đặc biệt” nằm trong quy hoạch chứ không phải “cán bộ bình thường” nên tiêu chí đánh giá đối với cán bộ đó cũng phải là đặc biệt, không thể thông thường như cán bộ thực hiện nhiệm vụ bình thường. “Trong quá trình luân chuyển có thể hiện được năng lực và nâng cao được năng lực hay không?
Từ đó sau luân chuyển bố trí vị trí cao hơn nếu thấy xứng đáng, nếu không phải bố trí ở vị trí công tác khác. Chúng ta đừng quan niệm cứ luân chuyển lại được cộng vào “bảng thành tích”. Như thế mới tránh được việc cứ “yên ắng” không động tĩnh gì, cốt để cho qua thời kỳ luân chuyển”, ông Thi nói.