Kiểm duyệt phim: Nới lỏng hay siết lại?
Trong những năm qua, việc kiểm duyệt phim luôn là vấn đề gây nhiều sự chú ý với các ý kiến khác nhau. Tới nay, sau 10 lần chỉnh sửa, Luật Điện ảnh (sửa đổi) vẫn đang tiếp tục trong quá trình xin ý kiến trước khi trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 vào tháng 5 tới.
Ám ảnh “cửa kiểm duyệt”
Có thể nói chưa bao giờ câu chuyện điện ảnh, đặc biệt là vấn để kiểm duyệt lại được quan tâm và phải đưa lên “bàn cân” như thời gian qua. Bởi thực tế cho thấy, sau 14 năm những quy định cũ của Luật Điện ảnh đang bộc lộ nhiều hạn chế, không còn đáp ứng yêu cầu phát triển của điện ảnh trong tình hình mới.
Chính những quy định này đã khiến nhiều bộ phim Việt phải “cười ra nước mắt” khi được tham gia và giành các giải thưởng quốc tế nhưng lại bị “tuýt còi” ngay tại Việt Nam. Thậm chí nhiều bộ phim phải chỉnh sửa, cắt bỏ hơn 50% nội dung gốc mới được cấp phép.
Cửa kiểm duyệt phim từ trước đến nay được xem là nỗi ám ảnh của nhiều nhà làm phim Việt ở các thể loại kinh dị, hành động.
Có thể kể đến như bộ phim “Mười” hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã gặp không ít trở ngại khi bị đánh giá là có nội dung không phù hợp. Bộ phim bị hoãn chiếu nhiều tháng liền và buộc phải cắt bỏ một số cảnh ghê rợn để có thể ra rạp. Hay các bộ phim “Bẫy cấp 3”, “Rừng xác sống”, “Thất sơn tâm linh”… cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Và gần đây nhất là bộ phim “Vị” đã bị cấm phổ biến trong nước vì có trường đoạn “cảnh nóng” bị cho là quá dài, không phù hợp với văn hóa Việt Nam. Điều này khiến ê kip sản xuất phía Việt Nam quyết định chấp nhận từ bỏ quyền tác giả, quyền sở hữu đối với bộ phim này, dẫn tới việc phim hiện giờ đang mang “quốc tịch” Singapore.
Tuy nhiên, trong khi việc kiểm duyệt các bộ phim Việt được cho là “khá rắn” thì với các bộ phim nước ngoài lại cho là “khá thoáng”. Chính sự phân biệt này mà nhiều bộ phim nước ngoài có nội dung ảnh hưởng đến chủ quyền lãnh thổ quốc gia thời gian qua “lọt lưới” ở khâu kiểm duyệt như bộ phim “Everest - Người tuyết bé nhỏ”, “Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta”, “Pine Gap”…
Về việc này, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, việc tuân thủ nghiêm phân loại phim theo lứa tuổi (hiện đang ở các mức P-phổ biến, C13, C16, C18 và C21) phù hợp với thông lệ quốc tế giúp các nhà làm phim biết được đối tượng khán giả mình đang nhắm đến.
Tuy nhiên, sự mơ hồ và những bất cập của quy trình kiểm duyệt, gán mác phim đang cản trở đa dạng biểu đạt văn hóa trong hoạt động điện ảnh Việt Nam. Những thành viên trong hội đồng kiểm duyệt với hệ tư duy theo lối mòn cũ có thể khiến quá trình kiểm duyệt trở nên cổ hủ hơn trước.
“Chính sự lỗi thời này khiến hội đồng kiểm duyệt thường né tránh những vấn đề cốt lõi của con người và cuộc sống, kìm hãm sự sáng tạo và góp phần tạo nên diện mạo thiếu chiều sâu, đột phá của phim Việt Nam trong những năm gần đây, dẫn đến sự thiếu vắng của tên tuổi điện ảnh nước ta trên thị trường quốc tế hoặc ở các kỳ liên hoan quốc tế có uy tín, tầm cỡ”, bà Phương nói.
Loại bỏ quy định “nhiêu khê”
Theo thông tin từ đoàn làm phim “Bẫy ngọt ngào”, sau 3 tuần công chiếu, bộ phim đã thu về doanh thu 75 tỷ đồng và cán mốc 1 triệu vé. Với thành tích này giúp “Bẫy ngọt ngào” chính thức trở thành bộ phim có doanh thu và lượt người xem cao nhất tính từ đầu năm 2022 đến nay. Trước đó, khi tổng kết 2 tuần ra rạp, bộ phim này cũng dẫn đầu số suất chiếu và doanh thu phòng vé.
Tới nay khâu kiểm duyệt của phim Việt đã dần có những thay đổi có phần thông thoáng hơn. Việc xuất hiện các bộ phim kinh dị hay phim có cảnh nóng, cảnh bạo lực không coi bị “soi xét” quá chặt chẽ.
Điều đó thể hiện rõ nhất trong loạt phim điện ảnh vừa ra mắt như “Bẫy ngọt ngào”, “Chuyện ma gần nhà” hay gần nhất là “Người tình”.
Những cảnh nóng bỏng, táo bạo hay cảnh ma quỷ, tâm linh trong các bộ phim trên hầu như không bị cơ quan kiểm duyệt “tuýt còi” và yêu cầu cắt bỏ.
Theo đạo diễn của bộ phim “Chuyện ma gần nhà” Trần Hữu Tấn, quá trình kiểm duyệt phim suôn sẻ và thuận lợi. Phim ra rạp hoàn toàn đúng với bản gửi duyệt, không bị cắt bỏ chi tiết nào. Đạo diễn cũng cho biết thời gian duyệt phim kéo dài một tuần.
Để phim trải qua khâu kiểm duyệt, đoàn làm phim đã tập trung cao độ cho kịch bản, sau đó ghi hình rồi dựng. Ê-kíp chỉ biết làm tốt nhất ở vai trò của người làm phim. Các cảnh quay nhạy cảm hay bạo lực đều được tạo ra với lý do đằng sau là nhằm phục vụ cho câu chuyện
Có thể nói, sự “cởi trói” về kiểm duyệt phim tạo động lực, sự sáng tạo cho các nhà sản xuất, đạo diễn trong quá trình khai thác các chủ đề, thể loại phim mới mẻ. Thực tế trước đó, nhiều bộ phim kinh dị sau khi lọt qua vòng kiểm duyệt đã tạo ra những dấu ấn về doanh thu như Lật mặt 4 (117,5 tỷ đồng), Quả tim máu (85 tỷ đồng), Pháp sư mù (59 tỷ đồng), Bắc kim thang (43 tỷ đồng)…
Nhìn nhận về sự thay đổi này, đạo diễn Lương Đình Dũng cho rằng, việc các phim có cảnh nóng, ma quỷ, tâm linh được ra rạp mà không phải cắt bỏ, bị can thiệp vào nội dung thể hiện sự cởi mở từ hội đồng duyệt phim. Đạo diễn cũng nhìn nhận, điều này cho thấy sự tôn trọng đối với cá tính sáng tạo của cá nhân nhà làm phim và tạo điều kiện để phát triển điện ảnh đa dạng. Các nhà sản xuất, đạo diễn sẽ tự tin, táo bạo và dám thử sức mình ở những thể loại phim mới.
“Tôi nghĩ hội đồng duyệt phim dần hiểu tâm tư, cái khó của nhà làm phim để từ đó có cái nhìn cởi mở hơn. Đạo diễn, nhà sản xuất bây giờ thoải mái thể hiện tác phẩm của mình, không tự hạn chế ở nhiều góc độ khác nhau. Đó là tín hiệu vui mừng cho nền điện ảnh nước nhà” - ông Dũng bày tỏ.
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu khả quan đó nhiều nhà phê bình điện ảnh cũng cho rằng, các nhà rạp kiểm soát chặt chẽ hơn khi bán vé cho khách dưới 18 tuổi, đặc biệt là đối với mác C18 (cấm phổ biến cho khán giả dưới 18 tuổi). Khán giả ngày nay không dễ bị một bộ phim, chi tiết nào đó dẫn dắt, nhất là khi họ ngày càng tiếp cận nhiều tác phẩm ở các thể loại đa dạng. Song sự cởi mở trong cơ chế duyệt phim cũng cần đi kèm với truyền thông, định hướng, giáo dục giúp rèn luyện bản lĩnh, nhận thức phù hợp độ tuổi cho người xem.