Tránh lạm dụng thuốc điều trị Covid-19 cho trẻ em
Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, số trẻ trở thành F0 trên phạm vi cả nước đang có xu hướng tăng cao, nhiều phụ huynh quá lo lắng cho con em mình khi mắc Covid-19 đã khiến trẻ uống quá nhiều các loại thuốc, vitamin hay thực phẩm chức năng không cần thiết.
Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung (quận Ba Đình, Hà Nội) tâm sự: “Hai vợ chồng chúng tôi mắc Covid-19 rồi 5 ngày sau 2 đứa trẻ bắt đầu sốt, ho. Thú thật là người lớn mắc thì không lo lắng gì cả, vì tiêm vaccine hết rồi nhưng đến khi thấy hai con sốt thì không thể giữ được bình tĩnh nữa. Không ra ngoài được nên tôi đành nhờ người quen mua giùm tại hiệu thuốc. Đồng thời cũng lên mạng hỏi thăm, tìm hiểu và đặt mua những loại thuốc bổ, vitamin được chia sẻ trên các hội nhóm”.
Trường hợp trên không phải là hãn hữu, tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, chưa nói tới các loại thuốc điều trị như kháng sinh hay thuốc kháng virus mà kể cả vitamin cũng có thể gây ngộ độc cho trẻ nếu sử dụng quá liều.
Dược sĩ Đào Hồng Hảo (Đại học Dược Hà Nội) cho biết, hấp thụ quá nhiều vitamin C dễ dẫn đến tiêu chảy và buồn nôn, hoặc thể dẫn đến trào ngược axit… Những tác dụng phụ này không xảy ra khi ăn thực phẩm có chứa vitamin C, mà là do uống vitamin ở dạng bổ sung. Ngoài ra, bổ sung vitamin C quá mức có thể dẫn đến tình trạng thừa sắt, có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến tim, gan, tuyến tụy, tuyến giáp và hệ thần kinh trung ương.
Còn đối với vitamin D, sử dụng quá liều sẽ gây tích tụ canxi trong máu (tăng canxi huyết), có thể gây buồn nôn và nôn, suy nhược và đi tiểu thường xuyên. Độc tính vitamin D có thể dẫn đến đau xương và các vấn đề về thận, chẳng hạn như hình thành sỏi canxi.
Không chỉ “nhồi nhét” quá nhiều các loại thuốc cho trẻ với mong muốn để con em mình nhanh khỏi bệnh, thời gian vừa qua, nhiều F0 điều trị tại nhà và cả những người khỏe mạnh đã lạm dụng biện pháp xông hơi bằng các loại thảo dược, vì tin rằng phương pháp này có thể phòng và điều trị Covid-19. Nhiều người xông hơi trên 3 lần/ngày. Thậm chí, không ít gia đình cho trẻ nhỏ cùng xông hơi, trong khi đây là đối tượng được các chuyên gia khuyến cáo chưa nên sử dụng phương pháp này. Thực tế cho thấy, nhiều hậu quả đáng tiếc đã xảy ra.
BS Quách Duy Cường (Khoa Virus - Kí sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương) lý giải, mục đích của phương pháp xông là làm loãng chất tiết dịch, làm mềm vảy mũi, cung cấp độ ẩm cho niêm mạc mũi bị khô, dẫn lưu các chất dịch ứ đọng vùng mũi được tốt hơn. Từ đó, xông hơi giúp bảo vệ lớp niêm mạc mũi họng, cải thiện các triệu chứng ngạt mũi, giảm xung huyết niêm mạc mũi, giúp người bệnh cảm giác thư giãn, thoải mái hơn.
Tuy nhiên, xông hơi không có tác dụng ngăn ngừa lây nhiễm hay chữa khỏi bệnh Covid-19. Các bậc phụ huynh không được lạm dụng xông hơi, không được xông trực tiếp vào người trẻ, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 30 tháng, trẻ có tiền sử động kinh, sốt co giật hay người dị ứng với tinh dầu. Trẻ có bệnh lý nền cần tuân thủ theo tư vấn và chỉ định của bác sĩ.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 1/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã ký Quyết định số 457/QĐ-BYT, trong đó quy định vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là loại do Pfizer sản xuất, liều lượng 0,2ml.
Theo đó, quyết định số 457 sửa đổi Điều 1 Quyết định số 2908 phê duyệt có điều kiện vaccine cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19; có hiệu lực ngay từ 1/3.
Cụ thể, vaccine được phê duyệt có tên Comirnaty (Tên khác: Pfizer BioNTech Covid-19 Vaccine). Về thành phần hoạt chất, nồng độ/hàm lượng, theo Quyết định này: Người từ 12 tuổi trở lên được tiêm mỗi liều 0,3 ml chứa 30 mcg vaccine mRNA Covid-19 (được bọc trong các hạt nano lipid). Còn vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, mỗi liều 0,2 ml chứa 10 mcg.
Về dạng bào chế: Đối với vaccine cho người từ 12 tuổi trở lên là hỗn dịch đậm đặc pha tiêm và Hỗn dịch tiêm; Trong khi với vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là Hỗn dịch đậm đặc pha tiêm.