Hà Nội ứng phó với Covid-19
Thành phố Hà Nội liên tục ghi nhận trên 10.000 ca mắc mới/ ngày liên tiếp trong 3 ngày qua. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia y tế, con số đó có thể chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm” bởi có nhiều trường hợp mắc Covid-19 nhưng không khai báo. Vậy, trong tình huống ấy, Hà Nội cần những biện pháp gì để kéo giảm ca mắc mới cũng như sớm dập dịch?
Số ca mắc mới cao, y tế cơ sở quá tải
Cụ thể, theo số liệu từ Sở Y tế Hà Nội trong 3 ngày qua, Hà Nội ghi nhận lần lượt là 10.783; 11.517 và 12.850 ca mắc mới Covid-19 vào các ngày 26, 27 và 28/2.
Không chỉ tăng cao về số F0 ghi nhận được hàng ngày, số ca bệnh tử vong vì Covid-19 tại Hà Nội cũng bắt đầu tăng. Nếu như trước ngày 23/2, số ca tử vong ghi nhận được tại Thủ đô hàng ngày ở mức dưới 20 ca mắc, thì từ ngày 24/2 tới nay, trung bình 1 ngày Hà Nội có khoảng 21 bệnh nhân tử vong - theo số liệu công bố từ Bộ Y tế.
Nhận định về tình hình dịch bệnh tại Hà Nội, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại địa bàn này với số ca mắc tăng nhanh, số ca tử vong cũng bắt đầu tăng và hiện tượng quá tải hệ thống y tế cơ sở đã xuất hiện.
Theo ông Phu, nguyên nhân của tình trạng dịch bệnh bùng phát ở đây là do lượng người đi lại, giao lưu lớn từ sau Tết, đồng thời còn do bộ phận người dân không chấp hành nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch, không thực hiện đúng các yêu cầu về cách ly tại nhà.
Phát hiện dấu hiệu bất thường, F0 cần thông báo với cơ quan y tế gần nhất để được tư vấn, điều trị và tiếp cận thông tin y tế một cách chính thống. Người dân cần giữ bình tĩnh vì hầu hết đã tiêm 2-3 mũi vaccine, triệu chứng khi mắc bệnh thường nhẹ, sẽ hết sau khoảng 7-10 ngày điều trị. Mọi người không nên hoang mang lo sợ, nhưng tránh tâm lý chủ quan, chờ đợi “rồi ai cũng là F0.
“Tình hình hiện nay cũng cho thấy có thể biến chủng Omicron đã hình thành và bắt đầu làn sóng mới. Cho dù Omicron được đánh giá với triệu chứng nhẹ hơn nhưng với tốc độ lây lan mạnh, nếu không kiểm soát tốt tốc độ dịch sẽ kéo theo hệ lụy về ca nặng tăng, số tử vong tăng, khủng hoảng về nguồn nhân lực của hệ thống y tế” - ông Phu dự đoán.
Đồng quan điểm, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội lý giải, số ca mắc tăng là hệ quả tất yếu khi thành phố mở cửa tất cả hoạt động kinh tế - xã hội cũng như khi học sinh trở lại trường sau Tết. Quá trình giao lưu, kết nối giữa Hà Nội với địa phương khác cũng khiến số ca mắc mới tăng cao.
Ca mắc mới tăng cao khiến hệ thống y tế cơ sở quá tải là thực tế đang diễn ra tại Hà Nội, nhiều người dân phản ánh, họ không thể liên lạc được với trạm y tế xã, phường để khai báo sau khi phát hiện dương tính. Trường hợp khác thì chia sẻ, từ lúc thông báo mắc Covid-19 tới khi khỏi bệnh không hề nhận được thông tin phản hồi hay hướng dẫn gì từ nhân viên trạm y tế trên địa bàn.
Anh Lại Thế Hà (35 tuổi, Bắc Từ Liêm) chia sẻ: “Cả gia đình tôi phát hiện mắc Covid-19 cách đây 14 ngày, chúng tôi đã báo với y tế cơ sở và tự cách ly tại nhà. Tuy nhiên, từ đó đến nay, gia đình tôi không nhận được liên hệ, hướng dẫn hay thông tin gì tiếp theo từ y tế phường, trừ tin nhắn vào ngày đầu tiên của nhân viên y tế là sẽ liên hệ lại sau 7 ngày. Đến nay, cả nhà tôi đều đã âm tính với Covid-19”.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng thừa nhận: Với số ca mắc nhiều như hiện tại, chỉ riêng lực lượng của ngành y tế là không đủ để đáp ứng nhu cầu tư vấn, theo dõi, điều trị cho F0 tại nhà. Ngành y tế rất cần sự hỗ trợ, san sẻ của chính quyền cơ sở, chính quyền địa phương và các lực lượng phi y tế khác.
Nâng cao ý thức phòng dịch
Một trong những động thái để ứng phó với số ca mắc mới tăng nhanh trong những ngày gần đây, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản khẩn gửi 22 trung tâm y tế quận, huyện và 5 bệnh viện (Tâm thần, Thanh Nhàn, Phổi, Đống Đa, Hà Đông) về việc phân bổ 401.000 viên thuốc Molnupiravir 200mg điều trị Covid-19.
Theo đó, Sở Y tế Hà Nội đề nghị giám đốc các đơn vị theo danh sách phân bổ thuốc Molnupiravir khẩn trương tiếp nhận thuốc, triển khai cấp phát cho F0 đủ điều kiện tham gia chương trình tại cơ sở thu dung, điều trị và tại nhà, tránh việc để bệnh nhân diễn biến nặng phải chuyển tầng làm tăng áp lực lên các cơ sở y tế và cán bộ y tế. Đồng thời, các đơn vị cập nhật ngay dữ liệu điều trị lên hệ thống đúng các quy định về quản lý, cấp phát, sử dụng thuốc Molnupiravir của Bộ Y tế.
Tuy nhiên, về lâu dài, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, chúng ta nên có chủ trương siết lại các quy định phòng, chống dịch sau khi Covid-19 tái bùng phát: “Chúng ta chỉ có thể thả lỏng hoàn toàn khi có được một hệ thống y tế tốt, có khả năng chống đỡ, còn ở điều kiện hiện tại, nếu để dịch bùng phát mạnh sẽ dẫn tới việc y tế bị quá tải. Bên cạnh đó, nếu không thực hiện quy định cách ly nghiêm túc, các F0 sẽ trở thành nguồn lây cho nhiều người khác, nguy hiểm hơn là lây cho người già, người có bệnh nền và trẻ em, khiến dịch lây lan theo cấp số nhân”.
Ông Phu cho biết thêm: “Ngay bây giờ Hà Nội không chủ quan được nữa và dù không cấm nhưng cần có biện pháp mạnh mẽ hơn, không tụ tập đông người, các hoạt động nếu số người tập trung quá đông cần phải dừng lại; người dân cần thực hiện 5K thật tốt; tại các công sở tăng cường họp, làm việc online…
Đồng thời, cần đẩy mạnh hơn nữa ý thức phòng chống dịch an toàn, những hoạt động không thiết yếu mà có nguy cơ cao cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ hơn, và chưa thể coi Covid-19 như bệnh lý thông thường”.
Về phía người dân, theo Sở Y tế Hà Nội, khi phát hiện dương tính, người dân cần tuân thủ triệt để chỉ dẫn của bác sĩ, nhân viên y tế; sử dụng thuốc theo chỉ định, đặc biệt là các thuốc chống viêm, chống đông máu, kháng sinh, kháng virus...; vệ sinh đường hô hấp đúng cách, vận động, thể dục đúng mức, chế độ ăn uống nghỉ ngơi, bổ sung dinh dưỡng hợp lý. Phát hiện dấu hiệu bất thường, F0 cần thông báo với cơ quan y tế gần nhất để được tư vấn, điều trị và tiếp cận thông tin y tế một cách chính thống.
Người dân cần giữ bình tĩnh vì hầu hết đã tiêm 2-3 mũi vaccine, triệu chứng khi mắc bệnh thường nhẹ, sẽ hết sau khoảng 7-10 ngày điều trị. Mọi người không nên hoang mang lo sợ, nhưng tránh tâm lý chủ quan, chờ đợi “rồi ai cũng là F0”; thực hiện nghiêm túc 5K, tránh tụ tập, hội họp, giao lưu không cần thiết là biện pháp tốt nhất để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.
Cảnh báo từ Bộ Y tế, hiện nay một bộ phận người dân có tâm lý buông xuôi, cho rằng ai cũng sẽ là F0, ai rồi cũng sẽ mắc. Do vậy, các tỉnh, thành phố cần tăng cường công tác truyền thông nâng cao cảnh giác, chủ động phòng, chống dịch của người dân, tự theo dõi sức khỏe và thực hiện nghiêm 5K, đeo khẩu trang ở nơi công cộng, tiếp xúc với người xung quanh; không tụ tập, không đến nơi đông người khi không cần thiết;
Tham gia tiêm vaccine phòng Covid-19 đầy đủ, không vì đã tiêm vaccine mà lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch; tuyên truyền người dân, các cơ quan, đơn vị, trường học, xí nghiệp... thực hiện thông thoáng nhà cửa, nơi làm việc để giảm nguy cơ lây nhiễm.
PGS. TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế): Thực hiện 5K bảo vệ bản thân trước biến chủng Omicron
Thật là sai lầm khi coi nhẹ nguy cơ bị nhiễm hay thậm chí là “chủ động trở thành F0 cho xong chuyện”. Bởi vì được chữa khỏi Covid-19 không có nghĩa là hoàn toàn vô sự. Nhiều ca F0 sau khi có các kết quả xét nghiệm âm tính vẫn gặp các triệu chứng tồn tại dai dẳng, thậm chí phải quay trở lại bệnh viện để điều trị.
Các công trình nghiên cứu cho thấy, có 33% - 76% người bệnh có thể gặp triệu chứng hậu Covid-19 kéo dài ít nhất 6 tháng, 20% người bệnh phải tái nhập viện; 80% người bệnh phải theo dõi tại cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu trong vòng 2 tháng sau xuất viện.
Bởi vậy, dù số ca bệnh hiện nay tăng nhiều, nhưng người dân vẫn cần tuân thủ 5K. Những ai không thực hiện tốt 5K thì nguy cơ lây nhiễm rất cao bởi sự xuất hiện của biến chủng Omicron. Các nghiên cứu đến nay đang cho thấy biến chủng này có khả năng lẩn tránh được vaccine và tốc độ lây lan nhanh hơn Delta.
Do đó, chúng sẽ còn tiếp tục lây lan rộng trong thời gian tới, đặc biệt tại những nơi đông dân cư hay một số tỉnh, thành phố phía Bắc. Người dân nếu không may bị nhiễm bệnh cần bình tĩnh, không quá lo lắng. Không riêng gì F0 hay F1, mà tất cả mọi người cần tuân thủ tốt 5K, hạn chế đi lại, tiếp xúc nhiều. Khi thấy dấu hiệu bất thường nào về sức khỏe cần xét nghiệm Covid-19 tại nhà. Nếu dương tính, nên báo cho lực lượng y tế nơi mình cư trú để được tư vấn điều trị.
N.Toàn (ghi)