Giá cả ‘nóng’ từng ngày
Giá xăng liên tiếp tăng, giá gas, giá thép xây dựng cũng tăng. Hàng loạt yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá cả. Người tiêu dùng lo lắng vì dịch Covid -19 đã khiến thu nhập giảm sút, doanh nghiệp cũng thêm đau đầu bởi chi phí đầu vào leo thang…
“Phát sốt” vì giá cả leo thang
Cả tuần nay, đi chợ như bị “móc túi”, chị Nguyễn Thị Ái Liên (Thuỵ Khuê – Hà Nội) cho biết, chỉ trong vòng một tuần, giá lương thực, rau củ quả đã tăng chóng mặt. Cầm 500.000 đồng đi chợ “vèo” cái đã hết. Tuần trước, tôi mua rau chỉ dưới 20.000 đồng/kg cải xanh, cà rốt chỉ 17.000 đồng/kg nay đã tăng vọt lên 25.000 đồng – 30.000 đồng/kg tuỳ từng loại. “Giá xăng tăng cùng với đó là dịch bệnh bùng phát khiến cho thị trường giá cả như “té nước theo mưa”, chị Liên than thở.
Trong ngày 1/3, khảo sát của PV tại các chợ truyền thống, chợ dân sinh cho thấy, giá hàng hoá bắt đầu tăng mạnh, đặc biệt là mặt hàng rau, củ , quả. Tại chợ Gia Lâm, giá dưa chuột ở mức 30.000 đồng/kg, cà chua 25.000 đồng/ kg, thì là 30.000 đồng/kg, giá cá trắm đen 150.000 đồng/kg, cá trắm trắng 90.000 đồng/kg tăng 10.000 đồng/kg -15.000 đồng/kg so với thời điểm 2 tuần trước.
Trong khi đó giá thóc, gạo cũng có xu hướng tăng nhẹ trước bối cảnh nguồn cung thấp. Giá thóc dao động từ 5.600 - 7.050 đồng/kg, giá gạo 5% tấm dao động từ 8.650 - 9.300 đồng/kg.
Theo khẳng định từ các tiểu thương, do thời tiết khắc nghiệt cùng với dịch bệnh khắp nơi cùng với giá xăng tăng “phi mã” khiến cho thị trường giá cả cũng nóng lên từng ngày.
Bộ Tài chính cho biết, yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá cả là giá nhiều mặt hàng nguyên liệu, vật tư chiến lược đang chịu áp lực lớn từ xu hướng tăng giá trên thế giới và nhu cầu đầu tư, tiêu dùng trong nước khi kinh tế phục hồi như xăng dầu, gas vật liệu xây dựng, phân bón, thức ăn chăn nuôi, dịch vụ du lịch…Giá thịt lợn có thể tăng nếu nguồn cung tái đàn không đảm bảo tương ứng với nhu cầu và dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp.
Mặt bằng giá cả thị trường trong 2 tháng đầu năm 2022 biến động ngoài những tác động theo quy luật hàng năm do trùng với thời điểm diễn ra Tết Nguyên đán, còn chịu áp lực bởi biến động tăng giá các mặt hàng năng lượng trên thị trường thế giới; trong đó có mặt hàng xăng dầu và gas. Giá bán lẻ mỗi bình gas 12 kg đến tay người tiêu dùng hiện giao động ở mức 470.000 – 500.000 đồng/bình
Đối với giá thép, tại thị trường trong nước, do giá phôi thép thế giới có biến động tăng nên từ giữa tháng 2/2022 tăng khoảng 200 - 300 đồng/kg so với cuối tháng 1/2022 tùy theo chủng loại và nhà sản xuất. Hiện tại giá bán tại một số nhà máy vào khoảng 17.300 - 19.600 đồng/kg tùy theo từng chủng loại và nhà sản xuất (giá bán chưa bao gồm thuế VAT và chiết khấu bán hàng). Theo dự báo thì giá thép trên thế giới sẽ tiếp tục tăng, nhất là khi sang quý II, nền kinh tế thế giới được phục hồi sẽ phát sinh nhu cầu rất lớn.
Doanh nghiệp gồng mình giữ giá
Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Việt Nam kỹ nghệ Súc sản (Vissan) cho hay, xăng dầu lên giá mọi chi phí, nguyên vật liệu đầu vào đều tăng theo. DN đang tiếp tục nghe ngóng tình hình thị trường trong thời gian tới xem như thế nào.
Theo ông An, hiện nay DN cũng phải xem xét lợi nhuận, hiệu quả sản xuất, đồng thời chấp nhận không tăng giá sản phẩm, giảm lợi nhuận trong tình hình này. Không dễ tăng giá hàng hóa trong thời điểm này vì sức mua sau Tết Nguyên đán vẫn ở mức thấp. Hơn nữa, thu nhập của ngươi tiêu dùng giảm cho nên DN muốn chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú: Giảm áp lực lạm phát
Cần bám sát diễn biến giá thực tế và tăng cường truyền thông, yêu cầu cơ quan quản lý vào cuộc quản lý giá, kiềm chế lạm phát ngay từ đầu năm. Mục tiêu giữ ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá cả trong bối cảnh giá đầu vào sản xuất tăng là mục tiêu khá cao đòi hỏi các hành động quyết liệt bằng nhiều giải pháp phù hợp. Cùng với đó, chúng ta cần chủ động dự trữ năng lượng, đa dạng hóa nguồn nhập khẩu kết hợp nguồn nhiên liệu trong nước để tránh phụ thuộc. Khẩn trương kết nối lại chuỗi cung ứng và tiêu thụ nội địa, giảm chi phí vận chuyển xăng, dầu nhằm hạ giá thành sản phẩm, từ đó giảm áp lực lạm phát.
“DN hoạt động theo lợi nhuận nhưng cũng phải có trách nhiệm với xã hội đó là lý do tại sao phía Vissan chưa tăng giá sản phẩm. Thế nhưng, nếu trong thời gian tới, xăng dầu và mọi chi phí tiếp tục tăng DN không biết phải làm sao”, ông An nhấn mạnh.
Đau đầu với chi phí sản xuất gia tăng, bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội Lương thực – Thực phẩm TPHCM cho rằng, giá xăng dầu liên tiếp tăng cao trong thời gian gần đây đã, đang gây ra áp lực rất lớn lên chi phí vận hành và kinh doanh của cộng đồng DN nói chung. Vừa vượt khó từ ảnh hưởng bởi Covid -19, rồi hàng hóa ứ đọng tại các cửa khẩu xuất sang Trung Quốc, giờ DN thêm kiệt quệ vì giá xăng tăng chưa có dấu hiệu dừng.
Bà Chi lý giải, mỗi container trọng lượng từ 12-15 tấn vận chuyển từ các tỉnh phía Nam ra cửa khẩu biên giới phía Bắc, chi phí khoảng 100 triệu đồng/xe. Chỉ từ đầu năm đến nay, xăng dầu đã tăng 4 lần liên tiếp khiến giá cước vận chuyển hàng hóa, nông sản từ các tỉnh phía Nam lại rục rịch tăng. Dự báo giá cước sẽ đội lên 120 - 130 triệu đồng/container và sẽ còn cao hơn nữa nếu giá xăng chưa ngừng đà tăng. ở chiều xuất khẩu, mọi chi phí cũng không mấy khả quan khi giá sản phẩm xuất khẩu qua đường hàng không xuất sang các thị trường như Mỹ, Úc, EU,… trung bình đạt 11,5 USD/kg. Chi phí vận chuyển tăng, giá trái cây xuất khẩu cũng tăng theo, cơ hội chinh phục thị trường xuất khẩu càng khó hơn vì giảm tính cạnh tranh.
Gồng mình trong “bão giá” không chỉ có DN sản xuất, các nhà phân phối cũng đang chia sẻ với thị trường tiêu dùng. Nhiều hệ thống phân phối cố gắng giữ giá bằng một số chương trình khuyến mãi. Bà Ngô Thị Hồng Yến, đại diện MM Mega Market khẳng định, giá xăng dầu tăng gấp 3 lần nên tác động trực tiếp đến giá thành sản phẩm, kéo theo tất cả các ngành hàng đều bị ảnh hưởng về giá.
“Tại MM Mega Market chúng tôi đã cố gắng trì hoãn việc tăng giá nhằm chia sẻ bớt gánh nặng với người tiêu dùng. Trước việc các nhà cung cấp đề nghị tăng giá, chúng tôi đang làm việc thật chặt chẽ với họ. Đồng thời áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn như giảm giá đến 45% các mặt hàng thiết yếu, thực phẩm, các mặt hàng mang thương hiệu riêng, mua 1 tặng 1, mua nhiều lợi nhiều”, bà Yến nói.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc giá xăng dầu tăng sẽ có những ảnh hưởng rõ rệt đến nền kinh tế, nhãn tiền là nguy cơ lạm phát và mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Song, đó là câu chuyện của kinh tế vĩ mô, còn thời điểm này, mặt bằng giá cả đang chịu sự tác động trực diện của giá xăng dầu, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng triệu người dân… Bởi vậy, đây là vấn đề cần xem xét, vì giá cả tăng sẽ khiến cầu giảm, kéo theo sản xuất ảm đạm hơn.
CPI năm 2022 dự kiến tăng từ 3,42 - 4,3%
Tổng cục Thống kê cho hay, do ảnh hưởng xăng dầu tăng bình quân 2 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 1,68% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 0,67%.
Dự báo về tình hình giá cả trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2022 so với năm 2021 tăng khoảng 3,42%. CPI tháng 12/2022 được dự báo sẽ tăng khoảng 4,9% so với tháng 12/2021 do một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá như: Tổng cầu hồi phục từ sự hỗ trợ của các gói kích thích kinh tế làm tăng áp lực lên mặt bằng giá. Chi phí vận tải, logistics tăng do chuỗi cung ứng đứt gãy chưa hoàn toàn hồi phục. Rủi ro về thiên tai, dịch bệnh và thời tiết bất lợi trong năm có thể gây khó khăn cho hoạt động sản xuất và làm tăng giá hàng hóa, dịch vụ.
Trên cơ sở cập nhật dự báo xu hướng giá các mặt hàng quan trọng thiết yếu, Nhóm giúp việc Ban chỉ đạo điều hành giá đã đưa ra 3 kịch bản điều hành giá dựa trên điều chỉnh dự báo giá xăng dầu thành phẩm bình quân của năm 2022 và từ đó đưa giá dự báo CPI bình quân năm 2022 tăng trong khoảng từ 3,42 - 4,3%.
Bộ Tài chính cho rằng vẫn có nhiều rủi ro cho việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm 2022. Do vậy, tháng 3 và quý II/2022 là thời điểm cần tập trung kiểm soát lạm phát để tạo dư địa điều hành cho quý III và quý IV là thời điểm tính toán, xem xét điều chỉnh các mặt hàng theo lộ trình nếu còn dư địa.
Theo đó, Bộ Tài chính nhấn mạnh cần theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu và giá các mặt hàng nguyên vật liệu chính cho sản xuất trong nước để có biện pháp quản lý, điều hành kịp thời nhằm bình ổn thị trường nhất là đối với mặt hàng xăng dầu. Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công thương nắm bắt diễn biến để có dự báo thị trường cả về ngắn hạn, trung hạn và dài hạn làm cơ sở xây dựng phương án điều hành giá phù hợp; trong đó sử dụng linh hoạt, hợp lý công cụ Quỹ bình ổn giá tại các kỳ điều hành.
Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ các giải pháp về thuế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, không điều chỉnh tăng giá các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, việc điều chỉnh các mặt hàng theo lộ trình phải được đánh giá kỹ những tác động đến CPI của quý II để bảo đảm dư địa cho việc kiểm soát lạm phát cả năm.
TS Lê Quốc Phương - nguyên Phó giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương): Sức ép lên mặt bằng giá cả
Giá xăng dầu đã điều chỉnh tăng do ảnh hưởng của biến động rất lớn từ giá thế giới. Từ đó, gây sức ép đến mặt bằng giá nói chung và giá các mặt hàng sử dụng xăng dầu là đầu vào cho sản xuất.
Giá xăng dầu tăng cao chắc chắn ảnh hưởng tới đà phục hồi và phát triển của nền kinh tế.
Khi giá xăng dầu tăng cao thì cả DN sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng cùng chịu những tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến lạm phát rất lớn.
Thu nhập của người dân đã bị giảm liên tục kể từ năm 2020, nếu không kiểm soát được lạm phát thì đời sống của người dân bị giảm xuống, tiêu dùng giảm tác động ngay đến hoạt động cả sản xuất lẫn kinh doanh.
Còn đối với sản xuất, ngành bị tác động tiêu cực nhất khi xăng dầu tăng giá là vận tải và đánh bắt, khai thác, chế biến hải sản. Chưa kể, giá xăng dầu tăng còn tác động gián tiếp lên nhiều ngành hàng khác, đẩy chi phí lưu thông tăng, đẩy giá bán lẻ hàng hoá tăng.
H.Hương - M.Sang (Ghi)