Điều tiết thị trường xăng dầu cách nào?
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính cho biết, việc giá xăng dầu tăng sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng, mặt hàng xăng dầu thành phẩm chiếm quyền số khoảng 3,6%, giả định giá xăng dầu tăng 5% sẽ làm cho chỉ số CPI tăng khoảng 0,18%, tăng 10% làm CPI tăng 0,36% tùy thuộc vào mức tăng của giá xăng dầu.
Ngoài ra, xăng dầu còn tác động đến nhóm giao thông vận tải như vận tải hành khách bằng đường sắt, hàng không, đường bộ, đường thủy, xe buýt, taxi... và vận chuyển hàng hóa; làm tăng chi phí sản xuất các mặt hàng sử dụng xăng dầu làm đầu vào cho sản xuất, từ đó kéo theo các mặt hàng khác trong nhóm hàng hóa, dịch vụ tính CPI tăng theo.
Về tác động đến chỉ số giá sản xuất (PPI), ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, giá xăng dầu tăng làm tăng chỉ số giá nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu, tăng chỉ số giá sản xuất các mặt hàng sử dụng xăng dầu chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí sản xuất như điện khí, dầu mỏ tinh chế...
Thời gian qua, giá xăng dầu thành phẩm thế giới tiếp tục xu hướng tăng là nguyên nhân chính tác động làm tăng chi phí đầu vào, qua đó tác động tăng giá xăng dầu trong nước và gây áp lực lên việc điều hành giá xăng dầu nói riêng, việc điều hành giá nói chung.
Cũng theo ông Tuấn, trên thực tế, việc tăng giá xăng dầu có thể điều tiết bằng một số giải pháp. Nghị định số 95/2021/NĐ-CP quy định, giá bán xăng dầu trong nước được thực hiện theo cơ chế thị trường và phù hợp với giá xăng dầu thế giới.
Hiện nay, Bộ Công thương đang triển khai một số giải pháp cần thiết, như đảm bảo nguồn cung; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường kinh doanh xăng dầu; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng hoặc tăng giá bán bất hợp lý.
Riêng về công tác điều hành giá, Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết, sẽ theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới và làm tốt dự báo; đồng thời tiếp tục cân đối sử dụng công cụ tài chính là Quỹ Bình ổn giá một cách linh hoạt, hiệu quả để hạn chế trường hợp tăng đột biến về giá.
Theo ông Tuấn, thời gian tới, để kiểm soát lạm phát từ sớm, từ xa, góp phần hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống của người dân khi đã chịu nhiều khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, việc quản lý, điều hành giá năm 2022 cần tiếp tục thực hiện một cách chủ động, linh hoạt ngay từ những tháng đầu năm 2022, bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm ở mức khoảng 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra.
Đi đôi với việc đánh giá đảm bảo nguồn cung, kiểm soát thị trường và tăng cường dự báo, thì việc điều hành giá xăng dầu đã cố gắng bám sát diễn biến thị trường; đồng thời linh hoạt sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, để giảm tác động tăng giá mặt hàng xăng dầu trong nước.