Lạc vào ma trận thuốc chữa Covid-19
Trong lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lợi dụng tâm lý hoang mang, lo lắng của người dân, nhiều đối tượng đã rao bán tràn lan các loại thuốc, thực phẩm chức năng được “nổ” công dụng chữa bệnh và hỗ trợ điều trị Covid-19, nhưng tất cả đều không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Rơi vào “ma trận”
Những ngày gần đây, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên cả nước đang diễn biến rất phức tạp, số ca mắc từng ngày tăng chóng mặt. Tại Hà Nội, số ca mắc liên tục phá đỉnh trong nhiều tuần liên tiếp, số F0 ghi nhận mỗi ngày lên đến hơn 10.000 ca.
Số lượng F0 tăng đột biến khiến nhiều loại hàng hoá, trong đó có các loại thuốc điều trị, hỗ trợ điều trị Covid-19 bỗng dưng khan hiếm, nhiều nơi xảy ra hiện tượng cháy hàng, người dân chạy nhiều nơi mà không mua được thuốc.
Lợi dụng tâm lý lo lắng của người dân, nhiều đối tượng đã nhân cơ hội rao bán các sản phẩm thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội. Một tài khoản có tên P.N. thường xuyên đăng tải các bài viết liên quan đến kinh nghiệm chữa bệnh cho F0 trong các hội nhóm.
Ngoài những kinh nghiệm điều trị của bản thân, người này không bao giờ quên đính kèm giới thiệu về một loại thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 có tên Liên hoa thanh ôn được nhập từ Trung Quốc.
Theo lời tư vấn của P.N., loại thuốc này đã nằm trong phác đồ điều trị Covid-19, dùng để đặc trị cảm cúm với thành phần thảo dược, lành tính đối với cả trẻ em. Chỉ cần uống thuốc từ 3-5 ngày là có thể âm tính, uống thuốc vào là cảm nhận ngay thấy the mát cổ họng, giảm các triệu chứng ho, đờm…
Để tăng thêm tính thuyết phục, người này không ngớt lời “nổ”: “Chị có bác sĩ làm trong viện Nhi Trung ương cũng khuyên dùng loại này nên em yên tâm. Cả nhà chị mới bị F0 tuần trước cũng vì được bác sĩ khuyên dùng thấy hiệu quả nên mới đem bán chứ dịch dã này không ai dám nhập thuốc giả về đâu”, kèm theo cả loạt hướng dẫn cách sử dụng, lưu ý khi cách ly tại nhà.
Không những được rao bán lẻ với mức giá từ 120.000 đến 150.000 đồng/hộp 24 viên, loại thuốc này còn được công khai bán tràn lan trên các hội nhóm kín với giá bán lẻ. Các đối tượng cũng sẵn sàng giao hàng số lượng lớn cùng mức chiết khấu cao từ 100 hộp trở lên tại nhiều nơi như Hà Nội, TP HCM.
Ngoài những sản phẩm có xuất xứ Trung Quốc với giá rẻ, hàng loạt các loại thuốc kháng virus của Nga cũng được quảng cáo rầm rộ với mức giá từ 2-3 triệu đồng/hộp, chỉ cần uống vài ngày là có thể âm tính, tăng cường miễn dịch…Tuy nhiên khi được hỏi về giấy tờ hoá đơn thì câu trả lời nhận được đều là không có, do “đây là hàng xách tay”.
Chưa dừng lại tại đó, các đối tượng này cũng thường xuyên trực chờ tại các hội nhóm, sẵn sàng bình luận, tư vấn cho những bệnh nhân đang hoang mang vì dương tính, không biết điều trị ra sao. Nhiều người vì hoang mang, thiếu kiến thức mà đã “dính bẫy”, phải mua những hoá đơn tiền thuốc lên đến vài triệu bạc.
Được thời, các loại thuốc đông y, thuốc xịt mũi, họng, thuốc để xông hay kháng sinh, kháng virus, kháng histamine… cùng nhiều loại thuốc khác cũng đang được rao bán tràn lan.
Đáng nói, các “bác sĩ online” này hầu hết lại chỉ bán theo kinh nghiệm, truyền tai mà không hề có bất cứ chứng chỉ chuyên môn nào.
Quy định ra sao?
Trao đổi về vấn đề trên, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, chế tài xử lý vi phạm hành chính áp dụng theo quy định tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP. Cụ thể, với hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu là thuốc phòng bệnh và thuốc, thì tuỳ giá trị hàng hoá để xác định mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm, song mức phạt tiền cao nhất có thể lên đến 100.000.000 đồng, theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định này.
Về trách nhiệm hình sự, nếu cơ quan chức năng xác định được hàng hoá được vận chuyển trái phép qua biên giới có giá trị dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này, hoặc đã bị kết án về một trong các tội danh quy định tại Bộ luật hình sự, thì sẽ bị xử lý hình sự về tội Buôn lậu theo quy định tại Điều 188 Bộ luật hình sự hiện hành với chế tài là phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Với tình tiết tăng nặng là lợi dụng dịch bệnh để thực hiện hành vi phạm tội, mức chế tài cao nhất áp dụng đối với hành vi này là phạt tù 20 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Bên cạnh đó, nếu cơ quan chức năng xác định được loại hàng hoá là thuốc chữa bệnh Covid-19 được vận chuyển qua biên giới trái pháp luật là hàng giả, thì tuỳ theo mức độ, tính chất mà sẽ bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.
Với tính chất đơn giản, quy mô nhỏ, chưa gây hậu quả lớn không đến mức phải xử lý hình sự, các đối tượng vi phạm sẽ phải chịu chế tài hành chính quy định tại Điều 9, Nghị định 98/2020/NĐ-CP. Mức phạt quy định tại Điều này đối với hành vi nêu trên là từ 2 triệu đồng cho đến 140 triệu đồng đối với cá nhân buôn bán hàng giả là thuốc.
Với tổ chức vi phạm quy định tương tự thì mức phạt sẽ gấp hai lần mức tiền theo các quy định trên. Nghiêm trọng hơn, người vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.
Theo quy định tại Điều 194 Bộ luật Hình sự hiện hành, người buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh có thể bị xử phạt tù với mức thấp nhất là 2 năm tù, cao nhất có thể là tù chung thân hoặc tử hình. Pháp nhân phạm tội có thể bị phạt tiền từ 1 tỷ đồng cho đến 20 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc đình chỉ vĩnh viễn,...
Mới đây, Bộ Y tế cũng đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường các biện pháp quản lý đối với việc mua, bán, sử dụng thuốc điều trị Covid-19 để tránh việc mua, bán thuốc điều trị Covid-19 không có nguồn gốc xuất xứ, không đúng quy định về bán thuốc theo đơn.
Để tránh việc mua, bán thuốc điều trị Covid-19 không có nguồn gốc xuất xứ, không đúng quy định về bán thuốc theo đơn, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bất hợp lý nhằm trục lợi, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị những biện pháp quản lý đối với việc mua, bán, sử dụng thuốc điều trị Covid-19.
Bộ Y tế cũng đề nghị các tỉnh/thành chỉ đạo các cơ quan chức năng, quản lý thị trường tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện và ngăn chặn các hoạt động mua, bán thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thuốc giả, thuốc nhập lậu; mua bán thuốc không đúng quy định về bán thuốc.
Cần sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng
Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, luật sư Trần Xuân Tiền nhấn mạnh, việc mua bán thuốc lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ là hành vi bất hợp pháp, vi phạm quy định của Luật dược, không chỉ tiềm ẩn nguy cơ rủi ro đối với sức khỏe người dân mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực trong công tác phòng, chống dịch.
Đối với những loại thuốc có nguồn gốc không rõ ràng, không có hoá đơn, chứng từ, cơ quan chức năng sẽ tiến hành thu giữ, niêm phong để tiến hành xử lý, làm rõ nguồn gốc, chất lượng hàng. Tuỳ vào từng trường hợp vi phạm cũng như tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi mà người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trước tình trạng buôn bán, nhập lậu thuốc chữa Covid-19 ngày càng tràn lan và khó kiểm soát, luật sư Tiền khuyến cáo, để giảm thiểu và ngăn chặn vấn đề này, các cơ quan chức năng cần thực hiện quyết liệt, linh hoạt các giải pháp đồng bộ, tổng thể, căn cơ. Trong đó, cần đẩy mạnh vấn đề quản lý nhà nước về hàng hoá, thuốc chữa bệnh, bởi đây là vấn đề sống còn, ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng xã hội và người dân. Xuất phát từ nguyên nhân chính là nhu cầu về thuốc của người dân tăng cao, mà việc sản xuất, kinh doanh trong nước chưa đủ điều kiện đáp ứng. Vì vậy, trước mắt cần đẩy mạnh công tác cung ứng thuốc và nhập khẩu thuốc cho thị trường, đồng thời, tăng cường quản lý nhà nước về giá thuốc, đưa vào diện bình ổn giá, nâng cao chuyên môn và trách nhiệm, đạo đức của các y bác sĩ tại các cơ sở y tế, khám chữa bệnh.
Mặt khác, các cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong việc kinh doanh các loại thuốc chữa Covid-19 nhập lậu, chưa được phép lưu hành trên địa bàn. Lên án những hành vi thiếu đạo đức trong kinh doanh, lợi dụng tình hình khó khăn của dịch bệnh để làm giàu bất chính, tiến hành xử phạt thật nặng để tạo sự răn đe và nghiêm minh của pháp luật.
Tuyệt đối không mua thuốc kiểu “truyền tai”
Trả lời PV Đại Đoàn Kết, bác sĩ Lê Văn Thiệu - Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, người dân cần hết sức tỉnh táo trước những loại thuốc, thực phẩm chức năng được quảng cáo chữa Covid-19 đang được rao bán tràn lan trên mạng như hiện nay. Theo bác sĩ, thuốc dùng đúng thì là thuốc tốt, dùng sai thì thành ngay thuốc độc. Ngay cả đối với các loại thuốc chính hãng, có nguồn gốc xuất xứ, được kiểm định rõ ràng còn phải dùng theo đơn và chỉ định của bác sĩ, chỉ cần dùng sai liều lượng đã ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ. Chưa nói đến những loại thuốc được rao bán tràn lan, trôi nổi trên mạng xã hội như hiện nay.
Các loại thuốc này còn không rõ nguồn gốc, xuất xứ đã đành, lại lờ mờ về công dụng, liều dùng nhưng luôn được quảng cáo rầm rộ là có hiệu quả. Nguy hiểm hơn, mọi người thường dùng theo kinh nghiệm cá nhân và truyền tai nhau nên rất dễ xảy ra rủi ro, tiền mất tật mang.
Đối với mỗi bệnh nhân mắc Covid-19 lại có thể trạng và tình trạng bệnh khác nhau nên cách điều trị cũng hoàn toàn khác nhau. Do vậy, thuốc điều trị sẽ thay đổi theo tình trạng bệnh của mỗi người.
Bác sĩ nhấn mạnh, việc mua thuốc được rao bán trên mạng theo kiểu “truyền tai” rất nguy hiểm. Người dân cần tránh tuyệt đối việc mua bán các loại thuốc này và tự ý điều trị mà không có sự tham khảo của bác sĩ hay nhân viên y tế.
Dù chưa có những nguyên tắc cụ thể trong điều trị bệnh nhân Covid-19, tuy nhiên Bộ Y tế cũng đã ban hành Hướng dẫn điều trị F0 tại nhà. Đối với những bệnh nhân già yếu, có bệnh lý nền thì cần được theo dõi y tế tốt hơn. Còn những bệnh nhân trẻ, khỏe, nhất là đối với trẻ em thì chỉ cần điều trị triệu chứng đơn thuần như giảm ho, giảm tiết đờm, bổ sung vitamin, theo dõi Sp02 tại nhà…Ngoài ra, người dân cũng có thể chủ động liên hệ với y tế cơ sở hoặc các nhóm bác sĩ hỗ trợ F0 tại nhà. Tuyệt đối không tự ý sử dụng các loại thuốc kháng sinh, chống viêm…khi không có sự hướng dẫn.
Hoàng Chiến (ghi)