Nam Mỹ trước cơn thịnh nộ của biến đổi khí hậu
Đối với Nam Mỹ, nơi chỉ trong tháng trước đã xảy ra trận sạt lở chết người ở Brazil, đám cháy rừng dữ dội ở vùng đầm lầy Argentina cùng trận lũ lụt kinh hoàng ở rừng Amazon, tương lai đã trở nên 'tăm tối' hơn bao giờ hết.
Tương lai đang ‘dữ dội hơn’
Chỉ trong vòng ba giờ đồng hồ ngày 15/2, thành phố cổ Petropolis, nép mình trong những ngọn núi rừng phía trên bang Rio de Janeiro đã hứng chịu một lượng mưa hơn 25 cm - nhiều hơn mức thường thấy trong một ngày, kể từ khi các hồ sơ về thời tiết bắt đầu được lưu giữ vào năm 1932 tại Brazil.
Trận sạt lở đất kinh hoàng kéo theo sau đó đã nuốt chửng sinh mạng của hơn 200 người và khiến gần 1.000 người dân sinh sống quanh khu sườn đồi Morro da Oficina mất nhà cửa.
Một báo cáo do Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) công bố ngày 1/3 đã chứng thực những gì mà nhiều người đang tận mắt chứng kiến. Hiện tượng nóng lên toàn cầu đang làm thay đổi cường độ và tần suất của các hình thái thời tiết cực đoan, chẳng hạn như El Nino và La Nina.
Hiểu một cách đơn giản, El Nino là hiện tượng vùng biển ở khu vực nhiệt đới Thái Bình Dương ấm lên một cách bất thường. Trái lại, La Nina là hiện tượng nghịch đảo của hiện tượng El Nino, nơi các vùng biển lạnh đi một cách bất thường.
Theo báo cáo, những sự kiện như vậy cũng sẽ trở nên khó dự đoán và gây ra những thiệt hại nặng nề hơn: “Biến đổi khí hậu được dự báo sẽ chuyển các rủi ro hiện có trong khu vực trở thành những rủi ro chính với mức độ nghiêm trọng”.
Argentina
Tính đến năm 2020, đã có rất nhiều vùng nước, đầm lầy, hồ nước tù đọng và đầm phá ở Vùng đầm lầy Ibera, một trong những hệ sinh thái lớn nhất thế giới thuộc Argentina. Nhưng một trận hạn hán lịch sử của sông Parana đã làm khô cạn phần lớn diện tích khu vực, đồng thời vùng biển của quốc gia này đang ở mức thấp nhất kể từ năm 1944. Đến tháng 1/2022, cục diện đã chuyển sang giai đoạn của những đám cháy hoành hành.
Argentina đang ở trong đợt La Nina thứ hai liên tiếp, một hiện tượng thời tiết thường mang lại lượng mưa ít hơn cho các vùng nông nghiệp trung tâm, vốn là ngành xuất khẩu và thu ngoại tệ chủ đạo của quốc gia Nam Mỹ này.
Bà Alejandra Boloqui, 54 tuổi, hiện quản lý một khu bảo tồn thiên nhiên tư nhân ở Vùng đầm lầy Ibera thuộc Argentina, đã giúp các nhân viên cứu hỏa thực hiện cuộc chiến chống lại ngọn lửa. Giữa ngọn lửa dữ dội, bà đã chứng kiến một cảnh tượng đáng buồn: hàng chục con cá sấu chạy trốn khỏi khu rừng rực lửa và bò xuống một con đường đất để tìm kiếm nguồn nước.
“Tôi đã rất bất ngờ khi thấy rất nhiều cá sấu di chuyển cùng đàn trong ngày. Cá sấu là loài bò sát rất chậm chạp và thường di chuyển vào ban đêm để tránh nóng”, bà Boloqui nhớ lại.
Cá sấu cùng với nhiều loài động vật khác đã tìm thấy nơi ẩn náu tạm thời trong một đầm phá khô cạn vì thiếu mưa gần khu rừng phía Bắc Argentina.
Chính quyền địa phương tin rằng trận cháy rừng là hệ quả từ việc đốt đồng cỏ để chăn thả gia súc. Các chuyên gia của IPCC nhấn mạnh trong báo cáo rằng, chính tình trạng hạn hán kéo dài đã đặt nền móng cho các trận hỏa hoạn lây lan nhanh chóng và dữ dội hơn.
Brazil
Bên cạnh đó, 70% diện tích của thành phố Jordao hẻo lánh, nằm trong rừng nhiệt đới Amazon của Brazil đã bị nhấn chìm gần đây bởi dòng nước lũ từ hai con sông. Trận lụt đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng nghìn cư dân trong khu vực, bao gồm cả 32 cộng đồng bản địa.
Trung và Nam Mỹ là khu vực đô thị hóa thứ hai trên thế giới sau Bắc Mỹ với 81% dân số cư trú trong các thành phố. Trong bối cảnh đó, rừng đang đóng một vai trò quan trọng để ổn định khí hậu địa phương và giúp thế giới đạt được các mục tiêu khí hậu ‘đầy tham vọng’ mà Hiệp định Paris năm 2015 đã đề ra, các chuyên gia cho biết.
Theo Carlos Nobre, một nhà khoa học khí hậu nổi tiếng người Brazil, người đã nghiên cứu quần xã sinh vật trong vài thập kỷ, toàn bộ khu vực rừng nhiệt đới Amazon đang lưu trữ từ 150 đến 200 tỷ tấn carbon trong thảm thực vật và đất.
Ông Nobre nói: “Amazon là một hồ chứa rất lớn. Nếu mất đi khu rừng, lượng carbon dioxide lưu trữ tại đây, một loại khí nhà kính nguy hiểm, sẽ bay thẳng vào bầu khí quyển. Chính vì vậy, điều quan trọng nhất lúc này là phải bảo vệ rừng”.
Nhưng hầu hết các chính phủ trong khu vực đã không chú ý đến những cảnh báo của IPCC và ngăn chặn việc tàn phá rừng. Nhiều nhà lãnh đạo tại Nam Mỹ vẫn giữ thái độ im lặng trước nhiều hoạt động khai thác gỗ trái phép ở các “khu vực nhạy cảm”. Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro thậm chí đã đi xa hơn khi hoàn toàn khuyến khích hoạt động khai thác bằng lời nói của ông và làm suy yếu các cơ quan và quy định về môi trường.
Các khu vực phía Nam và Đông Nam của Brazil năm ngoái đã phải đối mặt với đợt hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 9 thập kỷ, làm dấy lên ‘bóng ma nghi ngờ’ về khả năng phân chia nguồn điện do sự phụ thuộc của mạng lưới điện vào các nhà máy thủy điện.
Đồng thời, tại Manaus, thành phố lớn nhất ở khu vực Amazon, mực nước tại các con sông đã dâng cao đến mức chưa từng thấy trong hơn một thế kỷ, khiến đường phố và nhà cửa chìm trong nước, ảnh hưởng đến khoảng 450.000 cư dân trong khu vực.
Hai dòng sông Jordao và Tarauaca thường sẽ hợp lưu trong mùa mưa, vốn đã khiến mực nước dâng cao nhanh chóng. Nhưng lần này, những trận mưa rào đã đến không chỉ quá sớm mà còn rất hung bạo, khiến các khu vực bất đắc dĩ trở thành ‘thủy cung’.
“Chúng tôi lo lắng về tương lai”
“Chúng ta đang sống trong những thời khắc tồi tệ nhất. Lũ lụt, mưa, gió lớn. Biến đổi khí hậu đang tạo ra nhiều vấn đề hơn con người có thể nghĩ tới. Chúng ta đã mất rất nhiều thứ, tàu thuyền, thiết bị gia dụng và các vụ mùa”, ông Kaxinawá, một nhà lãnh đạo bản địa và người bảo vệ rừng tại Jordao nói.
Trước những hiện tượng thời tiết cực đoan, sản xuất nông nghiệp của nhiều thành phố nhỏ hầu như bị phá hủy hoàn toàn. Theo báo cáo của IPCC, những thay đổi về thời gian và cường độ của lượng mưa cùng với mức nhiệt độ khắc nghiệt đang tác động mạnh mẽ đến sản xuất nông nghiệp trên khắp vùng Trung và Nam Mỹ.
Báo cáo viết: “Các tác động đối với sinh kế nông thôn và an ninh lương thực, đặc biệt là đối với nông dân vừa và nhỏ cũng như những cư dân bản địa ở miền núi, được dự báo sẽ còn tồi tệ hơn trong tương lai”.