Hãm đà tăng giá xăng
Xăng tăng giá liên tiếp khiến người dân cũng như doanh nghiệp gặp khó khăn. Làm gì để sớm chặn đà tăng giá xăng dầu, ổn định giá, không để các mặt hàng “té nước theo mưa” đang được đặt ra một cách cấp thiết.
Kể từ trước Tết Nguyên đán tới nay, nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao trong khi nguồn cung trong nước giảm. Còn trên thế giới, giá dầu thô đã vượt ngưỡng 100 USD/thùng, cao nhất trong vòng 8 năm qua.
Trong khi đó Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, trong đó có Nga (còn gọi là OPEC+) vẫn quyết định giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng dầu ở mức 400.000 thùng/ngày càng khiến cho tình hình thêm căng thẳng. Mức tăng này được OPEC+ duy trì từ tháng 7/2021, khi bắt đầu thu hẹp dần các mức cắt giảm sản lượng để hỗ trợ đà phục hồi kinh tế toàn cầu sau những cú sốc do làn sóng lây nhiễm của đại dịch Covid-19. Trước đó, Cơ quan năng lượng quốc tế đã yêu cầu OPEC+ tăng sản lượng nhiều hơn nữa, do nguồn cung dầu toàn cầu bị thắt chặt. Nhưng yêu cầu này vẫn không được đáp ứng.
Theo giới chuyên gia kinh tế, với nhiều nguyên nhân, trong ngắn hạn, giá dầu thô thế giới chưa thể kéo giảm. Điều đó tác động mạnh tới các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, giải pháp gì để hạn chế đà tăng, ổn định giá phải được tính đến, vừa là giải pháp tình thế mà cũng còn phải tính đến sự ổn định lâu dài, để hạn chế ở những tác động đến kinh tế - xã hội.
Điều 27, Nghị định 95/2021/NĐ-CP quy định về thời gian điều chỉnh giá xăng dầu là ngày mùng 1, ngày 11 và ngày 21 hằng tháng. Trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thời gian điều hành giá xăng dầu cho phù hợp.
Theo giới chuyên gia, nếu các kỳ điều hành vẫn diễn ra bình thường, linh hoạt khi thị trường bất thường thì biên độ tăng giá xăng sẽ có thể “sốc” và cũng sẽ xuất hiện tình trạng găm hàng, chờ tăng giá. Ở đây, vai trò của Bộ Công thương mang tính quyết định. Trên thực tế thì Việt Nam áp dụng cơ chế điều hành giá theo quy trình 10 ngày một lần, trong khi đó, tất cả các doanh nghiệp đều đã biết tình hình giá cả thế giới. Vì vậy, nếu giá thế giới tăng và cơ quan quản lý nhà nước chậm điều hành giá, họ sẽ tìm cách găm hàng lại. Vì vậy, việc Bộ Công thương thành lập nhiều đoàn kiểm tra, xử lý các cây xăng găm hàng, chờ tăng giá để trục lợi cũng là điều phải làm để làm lành mạnh thị trường nhưng nhiều ý kiến cho rằng đó cũng là việc “vuốt đuôi”, không triệt để.
Trong lúc căng thẳng về xăng dầu trên phạm vi toàn thế giới thì rất cần có sự linh hoạt trong điều hành giá xăng dầu, không nhất thiết phải chờ đúng 10 ngày như quy định, mà có thể 3 hoặc 5 ngày điều chỉnh, để giá mặt hàng này tiệm cận thế giới.
Việc giá xăng dầu trong nước đã “phá đỉnh” 8 năm càng cho thấy phải gấp rút đưa ra những giải pháp bình ổn thị trường. Đã có ý kiến cho rằng, cần giảm thuế, phí để hãm đà tăng của giá xăng; gấp rút mở kho dự trữ để “bơm” xăng dầu ra thị trường trong thời gian sớm nhất. Theo các chuyên gia, tỷ trọng thuế, phí trong mỗi lít xăng dầu đang ở mức 40 - 43% là quá cao, vì thế cần giảm tỷ lệ này xuống.
Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, mặt hàng chiến lược, vì thế nếu giá vẫn tiếp tục tăng sẽ gây áp lực trực tiếp vào việc kiểm soát lạm phát. Việc giá xăng dầu tăng cao cũng sẽ làm giảm hiệu quả chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng vừa được triển khai nhằm kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng. Người dân có thể tiết kiệm hơn bằng cách ít sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, nhưng điều đó liệu có thể lâu dài? Còn các chủ tàu cá, chẳng lẽ giá dầu lên cao thì họ lại “nằm bờ”?