Ra mắt trường ca về đề tài Covid
NXB Hội Nhà văn vừa cho cho ra mắt độc giả tác phẩm trường ca với tên gọi “Hồi sinh” của nhà thơ Lữ Mai có đề tài về đại dịch Covid-19.
Sau “Ngang qua bình minh (NXB Văn học, 2020) với chủ đề về chủ quyền biển, đảo và “Chư Tan Kra mây trắng” (NXB Hội Nhà văn, 2021) - chủ đề tìm kiếm hài cốt liệt sĩ thì “Hồi sinh” là tập trường ca thứ ba của nhà thơ Lữ Mai.
Trường ca có dung lượng 156 trang, chia thành 8 chương: Chương 1 - Những đứa trẻ; chương 2 - Khoảng trống; chương 3 - Giai điệu đêm tháng bảy; chương 4 - Ký ức phố; chương 5 - Hồi hương; chương 6 - Bàn thờ vọng; chương 7 - Đi hay ở; chương 8 - Gọi.
Nguồn cảm hứng để tác giả sáng tác trường ca này chính là hiện thực đời sống bộn bề với đầy những khó khăn, thách thức khi dịch bệnh Covid bùng phát. Tác giả đã tích lũy sự quan sát, suy ngẫm và sáng tạo trong khoảng hơn một năm để hoàn thành bản thảo và in ấn tập sách đúng mùa xuân năm 2022.
Điều đặc biệt là một số trích đoạn trong bản thảo trường ca “Hồi sinh” khi tác giả gửi tham dự các cuộc thi thơ đã đoạt nhiều giải thưởng.
Cụ thể, chùm tác phẩm “Trong chuỗi ngày Sài Gòn”, “Tiếng Saxophone đêm tháng bảy” đoạt giải Ba cuộc thi thơ “Nhân nghĩa đất phương Nam” do Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức năm 2021; chùm tác phẩm “Hồi hương”, “Thư gửi mẹ từ chốt trực” và “Hồi sinh” đoạt giải Nhì (không có giải Nhất) cuộc thi thơ “Sống và hy vọng” do Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên phối hợp Kênh VOV6-Đài Tiếng nói Việt Nam và Quán Chiêu Văn tổ chức.
Bằng ngôn ngữ thơ ca giàu cảm xúc, trường ca “Hồi sinh” tái hiện nhiều câu chuyện xúc động, ám ảnh người đọc mãnh liệt trong bối cảnh, thời điểm toàn xã hội gồng mình chống dịch.
Đó là hình ảnh những em nhỏ không được đến trường, việc học hành, vui chơi diễn ra giữa bốn bức tường trống trải.
Đó là hình ảnh đầy xúc động đội ngũ tuyến đầu chống dịch phải hy sinh hạnh phúc cá nhân cùng người bệnh giành giật từng hơi thở, sự sống. Giai điệu đêm tháng bảy cất lên từ khoảng sân bệnh viện mà các nghệ sĩ mang đến đã xoa dịu nhiều đau đớn, mất mát…
Đó còn là nỗi ám ảnh của những cuộc hồi hương với đoàn người nối nhau rời phố thị, hương khói tỏa quanh những bàn thờ vọng mà tất cả những người con đang ở tuyến đầu chống dịch không thể về chịu tang cha mẹ. Cuối cùng là tiếng gọi thiết tha của tình người, sự sống, niềm tin cho những ban mai yên bình trở lại.
Mỗi chương được kết nối bằng những khổ thơ viết dạng đồng dao có tên chung là “Đồng dao của giấc mơ” mang đến hình dung về hình ảnh, thanh âm của trẻ con đang vui đùa, nhảy nhót, hồn nhiên bước qua những biến động của cuộc sống.