Ám ảnh nguồn lây lan dịch bệnh
Mặc dù đã có nhiều quy định cụ thể trong việc thu gom, phân loại rác thải lây nhiễm phát sinh của F0 điều trị tại nhà, tuy nhiên vấn đề này vẫn tồn tại nhiều bất cập, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh, đặc biệt trong hoàn cảnh số ca mắc mỗi ngày vẫn liên tục tăng cao.
Khó khăn trong quá trình áp dụng
Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành phương án về phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải lây nhiễm phát sinh tại điểm cách ly, quản lý, theo dõi, khám và điều trị tại nhà đối với người mắc Covid-19 trên địa bàn thành phố.
Theo đó, chất thải sinh hoạt phát sinh từ phòng cách ly của F0 quản lý tại nhà (bao gồm cả đồ vải, quần áo thải bỏ) và khẩu trang, trang phục phòng hộ cá nhân của người chăm sóc khi tiếp xúc với F0 thải bỏ được coi là chất thải lây nhiễm.
Tất cả các loại chất thải phát sinh này sẽ được thu gom vào túi đựng chất thải lây nhiễm màu vàng, buộc chặt miệng túi và tiếp tục bỏ vào túi màu vàng thứ hai, buộc kín miệng và dán chữ “chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2” theo quy định.
Quy định rõ ràng là vậy, tuy nhiên việc triển khai thực hiện lại đang tồn tại nhiều bất cập. Trong khi nhiều nơi thực hiện nghiêm túc thì cũng có chỗ người dân vẫn chủ quan, lơ là, nhất là khi số F0 tăng mạnh thời gian gần đây.
Có kết quả dương tính với SARS CoV-2 vài ngày nay, thế nhưng chị Nguyễn Thị Hà (phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy) không thể liên lạc được với y tế phường để khai báo. Do thực hiện test nhanh tại nhà và ý thức được sự lây lan của dịch bệnh, chị tự chủ động phân loại rác thải y tế, khẩu trang đã dùng vào túi rác riêng rồi xịt cồn trước khi đem đổ để tránh lây lan.
Tương tự, gia đình chị Lưu Ngọc Anh (phường Mai Dịch, Bắc Từ Liêm) cũng có 2 người mắc Covid-19. Tuy nhiên khi khai báo với y tế phường, chị hoàn toàn không được nhắc nhở về việc phân loại và xử lý rác thải ra sao. Hàng ngày chị vẫn để chung khẩu trang đã qua sử dụng, que test nhanh vào cùng rác thải sinh hoạt đem đổ chung. Chỉ khi lên nhóm Zalo F0 điều trị tại nhà và bị nhắc nhở, chị mới tá hoả phát hiện mình đã làm sai quy định.
Nhiều lần nhìn thấy những túi rác đầy ắp có chứa cả que lấy mẫu và kit test 2 vạch tại khu dân cư, anh Hoàng Văn Cương (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) không khỏi rùng mình: “Nhiều người mắc bệnh mà không có ý thức giữ gìn cho người khác. Đáng lẽ phải biết để riêng những đồ của mình bỏ đi không để chung với rác thải sinh hoạt hàng ngày của gia đình, chứ để chung thế này thì nguy hiểm quá”.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Quang Ngọc, Chủ tịch UBND phường Thụy Khuê (quận Tây Hồ) cho biết, việc xử lí rác thải của F0 đã được UBND phường thông báo đến toàn bộ các tổ dân phố trên địa bàn để thực hiện quy trình thu gom rác theo đúng quy định. Tuy nhiên, việc triển khai phần nhiều thuộc về ý thức tự giác của người dân. Khi số lượng F0 mỗi ngày một tăng nhanh, khó lòng có thể kiểm soát được đến từng hộ gia đình.
Trả lời PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Trịnh Văn Hà - Phó Chủ tịch phường Cát Linh (quận Đống Đa) cũng thông tin, hiện tại F0 trên địa bàn phường được yêu cầu chủ động hoặc nhờ Tổ Covid cộng đồng lấy túi rác màu vàng để đựng rác lây nhiễm phát sinh trong quá trình điều trị tại nhà. Tuy nhiên, số lượng F0 tăng nhanh thời gian gần đây cũng khiến quá trình này gặp không ít khó khăn, nhất là khi nhiều trường hợp không thực hiện khai báo theo yêu cầu. Dù biết rằng nguy cơ lây nhiễm rất cao, nhưng việc kiểm soát của chính quyền cũng còn nhiều hạn chế do địa bàn rộng, cán bộ cơ sở lại mỏng trong khi F0 quá đông, người dân không thực hiện nghiêm việc phân loại rác thải như quy định.
Ngoài ra, lực lượng công nhân vệ sinh môi trường thu gom rác thải cũng gặp nhiều áp lực và quá tải trong thời gian vừa qua. Ngoài việc thu gom rác thải sinh hoạt vốn đã rất vất vả, nay còn phải xử lý các rác thải lây nhiễm của F0 nên càng nhiều nguy cơ lây nhiễm.
Nâng cao ý thức người dân
Theo ông Trịnh Văn Hà, để thực hiện có hiệu quả quy định này, cần nâng cao vai trò của cán bộ cơ sở, các Tổ Covid cộng đồng, đoàn thể như Hội Phụ nữ, MTTQ, Đoàn Thanh niên…trong việc quản lý, giám sát và giúp đỡ các gia đình có F0. Bởi đây là những đội ngũ nắm bắt rõ nhất từng đối tượng nhiễm bệnh, tham gia trực tiếp vào quá trình hướng dẫn, giải đáp thắc mắc cho người dân.
PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng đánh giá, số lượng rác thải của F0 điều trị tại nhà ở Hà Nội thời gian vừa qua là mối nguy hiểm rất lớn không chỉ bởi khả năng lây lan dịch bệnh mà còn là nguy cơ đối với môi trường.
Đây cũng là vấn đề bất cập chưa từng có tiền lệ, người dân cũng chưa ý thức được sự nguy hại của loại rác thải này, do đó chưa có sự chủ động về việc phân loại, xử lý. Ngoài ra, số lượng F0 tăng quá nhanh thời gian gần đây cũng khiến nhiều người có tâm lí chủ quan, lơ là, các cơ quan chức năng cũng quá tải nên không có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ vấn đề này.
“Trước đây, loại rác thải này chỉ tập trung ở các bệnh viện, cơ sở y tế với các quy trình được hướng dẫn chi tiết và xử lý bởi lực lượng có chuyên môn, có địa điểm, phân loại rõ ràng. Còn giờ đây, chủ yếu người dân cách ly và điều trị tại nhà, các loại rác thải phát sinh liên quan đến F0 đều được tự phân loại, xử lý nên đây là vấn đề mới, cần tập trung giải quyết, nhất là khi số ca nhiễm đang tăng cao từng ngày”, bà An nhấn mạnh.
Theo bà An, điều quan trọng nhất hiện nay là tập trung tuyên truyền, hướng dẫn và làm cho người dân hiểu biết về các loại rác thải. Từ đó, giúp họ có cái nhìn đúng đắn về sự nguy hiểm để biết cách phân loại, xử lý theo đúng quy định, tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Bà An cũng đề xuất cần tăng cường lực lượng vệ sinh môi trường trong thời điểm hiện tại để có thể dễ dàng thu gom, xử lý rác thải của F0. “Lực lượng này sẽ tiến hành thực hiện phân luồng, chia tuyến riêng, thậm chí có thể thành lập một đội ngũ mới chuyên đi thu gom, xử lý loại rác thải lây nhiễm này”, bà An nói.
Mỗi ngày, Hà Nội ghi nhận trên 10.000 ca F0, con số này cũng tăng lên nhanh chóng từng ngày. Với số ca mắc ngày càng gia tăng, rác thải của các F0 điều trị tại nhà nếu không được xử lý đúng quy định sẽ là nguồn lây nhiễm dịch bệnh.