Nhiều dịch bệnh bủa vây trẻ nhỏ

Đức Trân 05/03/2022 07:31

Thời tiết giao mùa như hiện nay, không chỉ dịch Covid-19, một loạt dịch bệnh nguy hiểm đang bủa vây trẻ em. Sức đề kháng của trẻ còn kém, cộng với việc học sinh tiểu học chưa tiêm vaccine ngừa Covid-19 cũng là điều khiến nhiều phụ huynh lo lắng.

Trẻ nhỏ dễ mắc bệnh về hô hấp trong thời điểm chuyển mùa.

Phòng ngừa biến chứng thủy đậu

Thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận 1 trẻ sơ sinh 15 ngày tuổi, nhập viện trong tình trạng nguy kịch do mắc thủy đậu biến chứng suy hô hấp.

Đó là trường hợp bé T.T. (15 ngày tuổi, ở Bắc Giang), trẻ nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, phổi hai bên thông khí kém, tăng trương lực cơ, da toàn thân dày đặc mụn nước, rải rác các mụn mủ. Sau khi thăm khám, trẻ được chẩn đoán suy hô hấp, nhiễm khuẩn sơ sinh, thủy đậu sơ sinh. Được biết, mẹ bé mắc thủy đậu từ ngày thứ 2 sau khi sinh. Trong thời gian mẹ mắc bệnh, bé vẫn ở cùng với mẹ. Khi 9 ngày tuổi, trẻ xuất hiện mụn phỏng nước ở tay, chân sau lan ra toàn thân, kèm theo ho, thở nhanh và quấy khóc nhiều. 2 ngày sau, gia đình đưa trẻ vào bệnh viện ở địa phương để thăm khám và được chẩn đoán suy hô hấp - viêm phổi, thủy đậu.

TS. BS Nguyễn Thị Quỳnh Nga - Phụ trách khoa Điều trị và Chăm sóc đặc biệt 1, Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do virus thủy đậu có tên Varicella zoster (VZV) gây nên. Virus này có thể lây truyền từ mẹ sang con qua bánh rau khi mang thai hoặc trẻ mắc phải sau sinh do tiếp xúc với các giọt bắn trong môi trường chứa virus thủy đậu (lây truyền qua đường hô hấp) hoặc tiếp xúc trực tiếp với người chăm sóc bị nhiễm bệnh.

Thủy đậu ở trẻ sơ sinh là một bệnh nặng (nặng hơn so với thủy đậu trẻ em hoặc người lớn) với nguy cơ tử vong cao lên đến 30% do tổn thương đa cơ quan. Nếu không được điều trị bệnh kịp thời và đúng phác đồ thì trẻ có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, sốc nhiễm trùng nhiễm độc, bội nhiễm vi khuẩn, các biến chứng về thần kinh như: Viêm màng não, viêm tủy, viêm dây thần kinh thị giác, viêm đa dây thần kinh. Hoặc 1 số biến chứng khác như suy thượng thận, viêm cầu thận, tổn thương mắt, thậm chí là tử vong.

Nguy cơ tử vong ở trẻ tăng lên khi người mẹ xuất hiện các triệu chứng nhiễm thủy đậu từ 5 ngày trước sinh cho đến 2 ngày sau khi sinh do không có đủ thời gian để hình thành và truyền kháng thể của mẹ cho con.

Nhiều bệnh cùng lúc

Không chỉ thủy đậu và Covid-19, mùa Đông - Xuân với nền nhiệt trong ngày thay đổi thất thường và độ ẩm cao là điều kiện cho các loại virus, vi khuẩn phát triển, làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Trẻ nhỏ với hệ miễn dịch chưa hoàn thiện là đối tượng rất dễ mắc bệnh. Theo các chuyên gia y tế, những bệnh lý nguy hiểm trẻ thường dễ mắc ở thời điểm hiện tại là cúm mùa, thủy đậu, sởi, quai bị, rubella, sốt xuất huyết. Nguy hiểm hơn, những căn bệnh này có thể xuất hiện cùng lúc với di chứng hậu Covid-19 ở trẻ.

Mới nhất, ngày 4/3, Bệnh viện Hoàn Mỹ Thủ Đức (TPHCM) đã thông báo về một trường hợp bé gái mắc hội chứng hiếm gặp hậu Covid-19 trong khi đang mắc sốt xuất huyết. Cụ thể, trước khi nhập viện, bé P.N.Q. (10 tuổi, ngụ tại TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) xuất hiện sốt cao, lạnh run, đừ người, ăn uống ít và nôn ói, được gia đình chăm sóc tại nhà nhưng tình hình không thuyên giảm.

Qua khai thác bệnh sử từ gia đình ghi nhận, cuối tháng 11/2021 bé từng mắc Covid-19. Ngay lập tức các bác sĩ đã thực hiện thêm xét nghiệm về hậu Covid-19, về chỉ số viêm và đông máu cho bệnh nhi.

Các bác sĩ đã hội chẩn và kết luận với chẩn đoán bé Q. mắc hội chứng MIS-C (viêm đa cơ quan sau mắc Covid-19) do phản ứng của cơ thể, gây tổn thương toàn bộ hệ thống cơ quan của cơ thể (gan, thận, phổi, não, huyết học). Cùng lúc gặp cả hội chứng hậu Covid-19 và mắc sốt xuất huyết khiến bệnh nhi ở mức nặng, tiên lượng xấu vì nguy cơ tăng đông máu cao, có thể dẫn đến tình trạng tắc mạch não, tắc mạch phổi, mạch vành hoặc tắc mạch máu trong cơ thể ở bất kỳ cơ quan nào.

BS Nguyễn Thị Hải Thanh - Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Hoàn Mỹ Thủ Đức cho biết: Nghiêm trọng hơn, bệnh cảnh của bé Q. có 2 tình trạng đối nghịch nhau. Trong khi sốt xuất huyết khiến tiểu cầu giảm với những triệu chứng chảy máu, xuất huyết ngoài da thì MIS-C lại gây tăng đông máu. Nếu dùng thuốc kháng đông máu thì nguy cơ chảy máu sẽ nhiều hơn, làm nặng hơn tình trạng sốt xuất huyết. Còn nếu chậm trễ chữa trị, MIS-C có thể sẽ diễn tiến nặng hơn. Vậy nên, không thể máy móc mà phải cân nhắc, theo dõi sát tình trạng bệnh mỗi ngày và chọn thời điểm phù hợp để chỉ định điều trị hợp lý.

Sau 4 ngày nằm viện và điều trị bệnh sốt xuất huyết, tiểu cầu của bệnh nhi bắt đầu tăng trở lại, các triệu chứng chảy máu giảm. Lúc này, các bác sĩ đã thực hiện các phương án điều trị Hội chứng MIS-C. Bệnh nhi đã đáp ứng tốt với phác đồ điều trị, chỉ 2 ngày sau chỉ số đông máu đã giảm nhanh, sức khỏe bình phục tốt.

Theo khuyến cáo từ các chuyên gia, trước thời tiết chuyển mùa như hiện nay, khi mà đợt không khí lạnh mới chuẩn bị tăng cường, các phụ huynh cần giữ ấm cho trẻ, nhất là các vị trí quan trọng như bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu. Tuy nhiên cũng cần chú ý không nên mặc quá nhiều áo cho trẻ, có thể làm trẻ bị toát mồ hôi và ngấm ngược lại vào cơ thể gây cảm lạnh, sốt cao. Tạo môi trường sinh hoạt thông thoáng, hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người. Trường hợp đưa trẻ ra ngoài phải đeo khẩu trang cho trẻ.

Giữ vệ sinh sạch sẽ thân thể và môi trường sống của trẻ, hướng dẫn trẻ rửa tay với xà phòng đúng cách, vệ sinh mũi, họng hàng ngày cho trẻ. Cần cho trẻ ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng.

Khi thấy trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cha mẹ không nên tự ý điều trị tại nhà mà phải đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

Đức Trân