Du lịch mở cửa trở lại: Cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Những tín hiệu tích cực của du lịch Việt Nam, đặc biệt là quyết định mở cửa hoạt động du lịch trong điều kiện "bình thường mới" từ ngày 15/3 đang mở ra nhiều cơ hội phục hồi cho ngành “công nghiệp không khói”.
Để quá trình phục hồi và từng bước phát triển trở lại sau nhiều thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid-19, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng một trong những yếu tố then chốt là chất lượng nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực được trang bị kiến thức, kỹ năng là một trong những yếu tố then chốt làm tăng khả năng cạnh tranh và sự sống còn trên thị trường du lịch cho từng doanh nghiệp, địa phương, rộng hơn là ngành du lịch của cả quốc gia
Du lịch phục hồi, dần phát triển trở lại, trước những thay đổi về xu hướng, thị trường du lịch, công nghệ số phát triển mạnh mẽ cùng những yêu cầu đảm bảo an toàn phòng chống dịch, bên cạnh những thuận lợi, đội ngũ nhân lực ngành du lịch cũng đứng trước những nhiều thách thức, yêu cầu mới.
Việc mở cửa toàn diện du lịch đem lại nhiều cơ hội song thực tế có tình trạng nhiều nhân lực du lịch đã rời bỏ công việc quen thuộc, còn một số nhân lực mới lại chưa được đào tạo bài bản, nhất là những kỹ năng mới cần bổ sung như kỹ năng hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch cho du khách, sử dụng các công nghệ mới phục vụ khách hàng, ứng dụng chuyển đổi số...
Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam cho rằng: Trong giai đoạn "bình thường mới", xu hướng lựa chọn sản phẩm, điểm đến của du khách có những thay đổi, cân nhắc mới, đòi hỏi ngành du lịch mà trước hết là đội ngũ nhân lực của ngành cần có những thích ứng cần thiết.
Đơn cử, một hướng dẫn viên du lịch giờ đây không chỉ đơn thuần thực hiện nhiệm vụ tham gia hành trình tour, giới thiệu, hướng dẫn những trải nghiệm cho du khách mà còn cần có kỹ năng tạo cho du khách cảm giác an toàn bằng chính những hoạt động, thao tác đảm bảo phòng chống dịch an toàn, xử lý tình huống kịp thời tạo sự yên tâm, tin tưởng cho du khách.
Từ thực tế hoạt động nghề nghiệp, ông Nguyễn Minh Khoa, Thư ký Chi hội Hướng dẫn viên du lịch TP HCM chia sẻ: Thực tế nhu cầu của du khách, thị trường du lịch đã có những thay đổi, công tác tổ chức tour vì vậy được các doanh nghiệp quan tâm để có sự linh hoạt, thay đổi để thích nghi trong giai đoạn hiện nay. Người hướng dẫn viên cần có những kỹ năng phù hợp. Ngoài nghiệp vụ chuyên môn, hướng dẫn viên du lịch còn phải có kiến thức về phòng, chống dịch Covid-19 trong tâm thế mới hay những kiến thức, kỹ năng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thích ứng với du lịch thông minh...
Khẳng định tầm quan trọng của nguồn nhân lực góp phần sáng tạo các sản phẩm phẩm du lịch hấp dẫn, đáp ứng yêu cầu du khách trong bối cảnh phục hồi du lịch gắn với đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19, đại diện nhiều doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà quản lý đều cho rằng cần tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch bằng nhiều giải pháp. Trong đó, tăng cường đào tạo và đào tạo lại, bổ sung các kỹ năng cho đội ngũ nhân lực hiện có, đổi mới trong chương trình đào tạo học sinh, sinh viên ngành du lịch là hết sức cần thiết.
Liên quan đến giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, theo ông Nguyễn Văn Đính, Hội đồng Khoa học và Đào tạo du lịch (Hiệp hội Du lịch Việt Nam), đối với lực lượng lao động mới tuyển dụng, doanh nghiệp du lịch cần phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các cơ sở đào tạo để đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ cũng như kỹ năng nghề nghiệp, nâng cao chất lượng phục vụ trực tiếp cho du khách.
Mặt khác, cần bổ sung những kiến thức, kỹ năng về phòng, chống dịch Covid-19, bảo vệ môi trường, kiến thức, kỹ năng tin học cần thiết. Mỗi doanh nghiệp lĩnh vực du lịch, dịch vụ chú ý trang bị bổ sung kiến thức, kỹ năng cho người lao động khi đón khách nhằm đảm bảo an toàn cho du khách, nhân viên du lịch và cho cộng đồng dân cư tại điểm đến.
Ngoài ra, đối với lực lượng lao động quản lý ở các cơ sở lưu trú, doanh nghiệp lữ hành, các khu du lịch và cả cán bộ quản lý nhà nước về du lịch, ngoài những kiến thức về quản lý, về du lịch cần được bồi dưỡng thêm các kiến thức về phòng, chống dịch Covid-19, công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Việc đào tạo những kiến thức về công nghệ số, chuyển đổi số trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và đại dịch Covid-19 toàn cầu là rất quan trọng.