Giá vàng tăng thẳng đứng; Kênh đầu tư nào hiệu quả?
Giữa thời điểm này, nhiều nhà đầu tư và cả người dân đang phân vân việc “chọn mặt gửi tiền” các kênh đầu tư, giữ vàng, gửi tiền tiết kiệm như kênh trú ẩn an toàn hay “đu” theo chứng khoán và bất động sản… Vậy đâu là phương án đầu tư vừa sinh lời tốt vừa đề cao tính an toàn của đồng vốn?
Bao giờ giá vàng lập đỉnh?
Các chuyên gia kinh tế nhận định, môi trường đầu tư của Việt Nam năm nay sẽ chứng kiến hàng loạt tác động: Chính sách tiền tệ thắt chặt của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), gói kích thích kinh tế quy mô tới 350.000 tỷ đồng đưa vào nền kinh tế, lãi suất tiết kiệm ngân hàng tăng trở lại, sự phục hồi của doanh nghiệp sau hai năm kiệt quệ vì đại dịch; giá dầu thô trên thị trường thế giới tăng cao; đe dọa lạm phát…
Theo đó, giá vàng trên thị trường thế giới vẫn trong chiều tăng, tăng thẳng đứng và trụ vững trên ngưỡng cao khi chiến sự tại Ukraine leo thang. Các nhà đầu tư lo ngại rủi ro nên đã thúc đẩy dòng tiền tìm đến các tài sản đảm bảo, trong đó có vàng vì thế cũng không biết bao giờ giá vàng lập đỉnh. Động lực tăng giá của kim loại quý còn đến từ sự lo ngại lạm phát toàn cầu sẽ bùng nổ khi các biện pháp trừng phạt của Mỹ và các nước đồng minh đối với Nga có thể đẩy giá năng lượng tăng cao hơn nữa.
Sáng ngày 4/3, giá vàng trên sàn Comex ở mức 1.929 USD/ounce, theo giới phân tích, giá vàng năm 2022 được dự đoán sẽ theo xu hướng tăng, có thể đạt ngưỡng 1.940 USD/ounce vào cuối năm.
Tại thị trường trong nước, giá vàng tiếp tục tăng “nóng”. Trong tuần qua, giá vàng đã liên tục biến động với biên độ gây sốc, phá vỡ mọi kỷ lục 66-67,5 triệu đồng/ lượng. Cụ thể, giá vàng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn tại thị trường Hà Nội niêm yết quanh mốc 65,1 - 66,02 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra); giá vàng tại TPHCM là 65,1 - 67 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Giá vàng trong nước không những ở mức cao mà còn nhiều rủi ro khi chênh lệch mua và bán lên tới hơn 1 triệu đồng/lượng. Theo các chuyên gia, mức chênh lệch cao sẽ đẩy rủi ro về phía người mua vàng. Hơn nữa, thị trường vàng trong nước khó liên thông được với giá vàng quốc tế, nên nhiều thời điểm tăng - giảm trái chiều. Cùng với đó, giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới, có khi đến 14 triệu đồng/lượng càng khiến rủi ro gia tăng nếu đầu tư.
Khuyến nghị về việc có nên mua vàng vào thời điểm này, nhiều chuyên gia cho rằng với việc giá vàng đang dâng cao, đặc biệt khoảng cách chênh lệch với giá thế giới hơn 14 triệu đồng/lượng như hiện tại, người mua cần cân nhắc khi xuống tiền.
Theo dự báo của ông Huỳnh Trung Khánh- Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, nếu chiến sự Nga - Ukraine chưa lắng dịu, thì giá vàng còn tăng lên mức cao trong thời gian tới. Cùng với đó là áp lực lạm phát thế giới tăng, nhất là lạm phát ở Mỹ. Vàng luôn được xem là “hầm trú ẩn” an toàn trước bối cảnh địa chính trị thế giới căng thẳng và áp lực lạm phát cao, nên dòng tiền của nhà đầu tư đang chuyển hướng vào vàng.
Theo ông Khánh, nhà đầu tư trong nước nên hạn chế giao dịch thời điểm này để tránh rủi ro.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty Vàng Đối tác mới (NPJ), nhà đầu tư có thể chốt lời một phần trạng thái vàng đang nắm giữ, bởi đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay. Quan sát biến động thị trường vàng quốc tế cho thấy, vàng bị tác động tăng giá trước chiến sự tại Nga - Ukraine, nhưng giới đầu tư đã bình tĩnh lại và thực hiện bán chốt lời khiến giá vàng giảm sau đó.
Còn theo TS Cấn Văn Lực, giá vàng trong nước liên tục lập đỉnh, tuy nhiên lợi nhuận không cao, cho thấy vàng không phải là kênh đầu tư hấp dẫn mà chỉ là kênh đầu tư an toàn, theo thói quen.
Nhóm cổ phiếu nào được kỳ vọng?
Thực tế diễn biến thị trường chứng khoán trong tuần vừa qua cho thấy VN-Index biến động khá mạnh. Theo Công ty Chứng khoán Agribank trong giai đoạn thị trường biến động mạnh như hiện nay, nhà đầu tư nên thận trọng trước các thông tin tác động tiêu cực tới thị trường.
Còn đứng ở góc độ chuyên gia đầu tư tài chính, chuyên gia Phan Dũng Khánh cho rằng, tâm lý của nhà đầu tư rất quan trọng, nhà đầu tư cần có một “bộ lọc” bằng những đánh giá dựa trên kiến thức của mình, kiến thức đó có thể là các phương pháp như phân tích cơ bản, kĩ thuật, dòng tiền, đầu tư giá trị hay kỹ năng lướt sóng…
Vị chuyên gia này lưu ý, để có một tâm lý tốt thì nhà đầu tư có thể không cần quá chuyên nghiệp nhưng cần có một nền tảng đầu tư cơ bản, cộng với việc tham gia những diễn đàn uy tín, những người tư vấn có tâm để có những người bạn đầu tư tốt và kiểm soát sự nóng vội thì dù thị trường có biến động dữ dội như những ngày qua thì nhà đầu tư vẫn có thể kiếm tiền tốt được.
Ông Khánh cũng nhấn mạnh, không thể kỳ vọng thị trường bình ổn nhưng nhà đầu tư có thể tự đào tạo bản thân và xây dựng chiến lược đầu tư linh hoạt cho các thời kỳ khác nhau của thị trường. Nhưng nếu ai ham thích đầu tư chứng khoán sẽ rất quan tâm, năm 2022 nên đầu tư nhóm ngành nào để an toàn.
Thị trường chứng khoán 2022 liệu có bứt phá mạnh để thêm tiền đầu tư? Nhận định về triển vọng thị trường trong năm 2022, theo bà Đào Hồng Vân, Trưởng nhóm Phân tích Dữ liệu, Dịch vụ thông tin Tài chính Fin Group, trong năm nay, khả năng tăng trưởng khối tài chính sẽ tích cực hơn so với khối phi tài chính. Những nhóm ngành suy giảm do Covid-19 sẽ có cơ hội hồi phục mạnh trong năm 2022.
“Tóm lại, triển vọng kinh doanh năm nay khá là tích cực. Tôi tin đây là những động lực cơ bản, trọng yếu để hỗ trợ thị trường trong năm nay” - bà Vân nói.
Cụ thể hơn, bà Vân gợi ý 3 chủ đề đầu tư cho năm nay. Thứ nhất là đầu tư vào nhóm ngành tránh rủi ro lạm phát. Bà Vân phân tích: Theo nhiều dự báo, lạm phát năm nay sẽ tăng do độ trễ hấp thụ giá nguyên liệu đầu vào. Do đó, điện và dược phẩm là nhóm ngành bà đặc biệt quan tâm do tính phòng thủ của nhóm ngành này và triển vọng hồi phục sau Covid-19.
Riêng với ngành dược, một số doanh nghiệp có các nhà máy sắp đi vào hoạt động sẽ là yếu tố tích cực, hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận không chỉ trong năm 2022 mà có thể kéo dài sang cả năm 2023.
Thứ hai là đầu tư vào những nhóm ngành hưởng lợi từ đầu tư công, trong đó có nhóm ngân hàng, bất động sản, vật liệu xây dựng.
Thứ ba là đầu tư vào nhóm ngành hưởng lợi từ hồi phục sau Covid, trong đó đặc biệt chú ý đến nhóm ngành bán lẻ, ngành hàng tiêu dùng cá nhân và nhóm thủy sản.
Với bán lẻ, triển vọng năm 2022 khá phân hóa, cơ hội sẽ có thể đến các nhóm tăng trưởng lợi nhuận năm 2021 thấp hơn trung bình ngành. Còn ngành hàng cá nhân thì tăng trưởng năm 2022 sẽ xuất phát từ câu chuyện tăng trưởng thấp, thậm chí suy giảm trong 2021…
Phần lớn các chuyên gia chứng khoán cho rằng, năm 2022, dòng vốn sẽ được “nắn” để chảy vào sản xuất, kinh doanh, lãi suất tăng đồng nghĩa với tiền không còn rẻ, song với đà tăng trưởng của thị trường, đặc biệt số nhà đầu tư mới (FO) vừa mở 1,5 triệu tài khoản chứng khoán trong năm 2021, "bữa tiệc" cổ phiếu sẽ kéo dài.
Bất động sản vẫn được săn lùng
Bất động sản từ vài năm nay, ở một số địa bàn, một số phân khúc đã tăng với mức cao, nhờ thu hút một tỷ trọng không nhỏ gần 1/5 dư nợ tín dụng. Năm 2022, có thể có một phần không nhỏ từ kiều hối, từ gói kích cầu 350.000 tỷ được lái vào thị trường này, sẽ làm cho một số địa bàn, một số phân khúc tiếp tục tăng.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, cầu thực tế sử dụng có thể giảm do kinh tế suy giảm, nhưng nhu cầu đầu tư ngắn hạn của các nhà đầu tư lại tăng. Khi việc đầu tư vào các ngành kinh tế khác không hiệu quả, nguồn đầu tư quay sang kênh đầu tư bất động sản, làm tăng lực cầu.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, so với các kênh đầu tư khác thì kênh đầu tư bất động sản là tương đối ổn định ngay cả thời gian dịch bệnh, trừ một số phân khúc nhà ở nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch ở một số địa phương gặp khó khăn, còn lại nhiều phân khúc bất động sản tình hình khả quan, nhiều nơi còn tăng. Về lâu dài thì bất động sản luôn là thị trường tiềm năng.
“Giữa các kênh đầu tư đem lại lợi nhuận tốt và ổn định thì bất động sản vẫn là kênh hấp dẫn nhất trong năm 2022, đơn giản nó đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư và người dân. Đối với những khoản đầu tư ngắn hạn thì chứng khoán là kênh đầu tư hiệu quả. Nhưng ở phân khúc trung và dài hạn, bất động sản là kênh có vị trí cao nhất” - ông Hiếu nêu.
Chốt lời ở một kênh đầu tư ngắn hạn như chứng khoán, nhà đầu tư thường có xu hướng tìm đến bất động sản để trú ẩn cũng như dự trữ tài sản lâu dài. Đây là một trong những đặc tính hấp dẫn nhất của bất động sản, khiến kênh đầu tư này luôn có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, dù ở thời kỳ nào.
Hiện tại, giới chuyên gia nhận định đây vẫn là kênh đầu tư sinh lời an toàn và bền vững. Tuy nhiên, theo ông Hiếu, nhà đầu tư cần cẩn trọng, lựa chọn phân khúc thị trường phát triển bền vững, tránh đầu cơ nóng.
Dữ liệu tổng hợp từ thực tế cho thấy, hiện nay lãi suất tiền gửi tiết kiệm đã tăng nhưng không mạnh. Đối với sản phẩm tiết kiệm thường tại quầy, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6-9 tháng dao động từ 4,8-5,8%/năm thay vì từ 4,5-5,1%/năm như trước; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, lãi áp dụng từ 5,6-6,1%/năm. Theo các chuyên gia, lãi suất gửi tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư truyền thống. Mức sinh lời không cao như các kênh khác nhưng an toàn.
Tuy nhiên các chuyên gia kinh tế cho rằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm duy trì mức thấp sẽ khiến cho nhà đầu tư nhận thấy kênh tiết kiệm không đem lại lợi suất như mong muốn nên dòng tiền dịch chuyển kênh đầu tư.
Phần lớn quan điểm của các chuyên gia cho rằng việc dự báo đầu tư vào đâu để có lợi nhất vào thời điểm này là rất khó. Chỉ có thể đánh giá rằng tình hình thế giới biến động rất lớn, rất nhanh, nhà đầu tư cần linh hoạt và phù hợp với diễn biến thị trường. Chọn vàng, hay chứng khoán, hay bất động sản, hay gửi tiền tiết kiệm lấy lãi còn tuỳ thuộc vào nhận định và điều kiện của từng người.
Riêng với kênh đầu tư bất động sản, hiện có nhiều ngân hàng đang triển khai các gói cho vay tiêu dùng; trong đó có vay mua bất động sản với lãi suất khá hấp dẫn, dao động từ khoảng từ 4,99 - 10%/năm. Tuy nhiên, trừ các bất động sản phục vụ nhu cầu ở thực của người dân, thì quan điểm của cơ quan quản lý là Ngân hàng Nhà nước luôn nhấn mạnh, siết chặt tín dụng vào bất động sản có tính đầu cơ, các dự án lớn.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đầu năm 2022 còn ra văn bản chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Đặc biệt, không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp.
Thời gian qua, tín dụng bất động sản luôn được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chẽ, tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản tiếp tục xu hướng giảm. Theo đó, năm 2018 là 26,76%; năm 2019 là 21,53% và giảm mạnh trong năm 2020 là 9,97%. Năm 2021 vừa qua Ngân hàng Nhà nước cũng kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản.
Đặc biệt là đầu tư, kinh doanh bất động sản, các dự án có quy mô lớn, phân khúc cao cấp, biệt thự, nghỉ dưỡng, tập trung nguồn vốn tín dụng đầu tư vào các dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở thương mại có hiệu quả cao, tiêu thụ tốt, đáp ứng nhu cầu thực của người dân.
Nhiều chuyên gia cho rằng thời điểm này giá vàng tăng, giảm bất thường, dòng tiền vào các lĩnh vực khác cũng không hề dễ dàng kiếm lời, các kênh đầu tư chứng khoán, bất động sản, trái phiếu đều ẩn chứa rủi ro lớn, cũng như việc khó dự báo của thị trường, nên dù lãi suất thấp, tiền gửi ngân hàng vẫn là kênh được lưu tâm vì tính an toàn.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), mức lãi suất hiện nay vẫn dương so với tỷ lệ lạm phát. Nên gửi tiết kiệm vẫn là kênh an toàn, phổ biến cho mọi đối tượng khách hàng, nhất là những khách hàng cá nhân không có nhiều hiểu biết về các kênh đầu tư khác.
Có thể thấy trong năm 2022 khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp thì thị trường vẫn còn nhiều bất ổn. Các chuyên gia kinh tế cho rằng các nhà đầu tư cần thận trọng khi lựa chọn kênh đầu tư phù hợp và nên áp dụng nguyên tắc “không bỏ trứng vào một giỏ” để phân tán rủi ro.