Tìm cơ hội trong ‘cơn biến động’ tài chính

T.HẰNG (thực hiện) 06/03/2022 12:46

Năm 2022 môi trường đầu tư có thể sẽ thay đổi khi dịch bệnh được đẩy lùi, các căng thẳng chính trị leo thang, trong nước gói hỗ trợ phục hồi kinh tế lên tới gần 350.000 tỷ đồng sẽ được “bơm” ra thị trường. Theo các chuyên gia kinh tế, nếu đầu tư theo kiểu đám đông và thiếu kiến thức tài chính thì không khác nào ném tiền qua cửa sổ.  Chúng tôi đã lược ghi ý kiến từ một số chuyên gia tài chính khi bàn về các kênh đầu tư trong bối cảnh hiện nay.

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu: Cần cân nhắc kỹ thuận lợi, khó khăn

Đầu tư vào đâu là câu hỏi nhiều người quan tâm, mỗi người sẽ phải tìm những đáp án khác nhau, bởi tiềm lực nguồn vốn, trình độ chuyên môn, kiến thức và khả năng tiếp cận thông tin của mỗi người khác nhau, chưa kể nhu cầu của mỗi người cũng khác.

Bởi vậy, cần tham khảo, cân nhắc kỹ những mặt thuận lợi cũng như khó khăn của những kênh đầu tư để tìm cho mình giải pháp hợp lý.

Các chuyên gia dự báo năm nay, môi trường đầu tư sẽ tiếp tục có nhiều yếu tố bất định khi dịch Covid-19 vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt, lạm phát có thể tăng cao, tình hình địa chính trị diễn biến khá phức tạp…

Diễn biến của giá vàng năm 2022 rất khó dự đoán, song ngay cả khi giá vàng tăng mạnh, nhà đầu tư chưa chắc đã có lời. Nguyên nhân là thị trường vàng trong nước đang bị các nhà vàng làm giá, chênh lệch giá mua - giá bán và chênh lệch giữa giá trong nước với giá thế giới quá rộng.

Diễn biến giá vàng trong nước hoàn toàn phụ thuộc vào người bán khiến người mua đu “sóng” vàng có thể bị nhấn chìm bất cứ lúc nào. Thị trường vàng Việt Nam không phù hợp để đầu tư lướt sóng, bởi diễn biến rất khó lường, không theo giá thế giới.

Chính vì vậy, với những người thiếu kiến thức tài chính, mù tịt về tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thì tốt nhất cứ bỏ tiền vào tiết kiệm. Cho dù lãi suất tiền gửi thấp vẫn tốt hơn là để tiền ngủ đông hoặc đổ tiền vào chứng khoán mà mua phải cổ phiếu đầu cơ dẫn đến chuyện âm tài khoản bất cứ khi nào.

Bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc Cấp cao Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu Savills Hà Nội: Xu hướng chuyển dịch đầu tư bất động sản ngoài trung tâm

Một số đô thị lớn như Hà Nội và TP HCM, Đà Nẵng…, chúng tôi đang nhận thấy có một xu hướng dịch chuyển đầu tư sang các khu vực lân cận. Một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này đến từ việc giá bất động sản của khu vực nội thành đã được thiết lập ở mức cao.

Bởi vậy, kỳ vọng về khả năng sinh lời từ địa điểm này thấp hơn và nhà đầu tư thường tìm cơ hội ở những quận/huyện ngoài trung tâm và vùng xung quanh như Hưng Yên, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng. Nhờ vậy, áp lực tăng giá tại những khu vực nội thành được giảm tải, tránh hiện tượng đẩy giá quá cao.

Bên cạnh đó, chuyên gia Savills cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng trong việc thu hút nhà đầu tư và người mua. Bởi theo kế hoạch, Hà Nội dự kiến dành hơn 51.000 tỷ đồng cho đầu tư công năm 2022, trong đó 30% đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng.

Trong những năm sắp tới, các dự án được ưu tiên bao gồm: đường vành đai 2,5, 3, 3,5, 4, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 và Thượng Cát. Kèm theo đó là cải thiện và nâng cao tuyến đường quốc lộ cùng việc hoàn thiện các dự án tàu điện. Hệ thống giao thông thuận tiện sẽ rút ngắn thời gian di chuyển, hỗ trợ kết nối giữa các dự án ven đô và trong trung tâm.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển: Bất động sản là kênh có ưu thế

Theo tôi, đầu tư bất động sản trong năm nay vẫn tốt, nhưng có thể cũng xảy ra trường hợp thanh khoản giảm khá mạnh, xuất hiện giảm giá một số nơi đang ở vùng “đỉnh” thời gian qua.

Trong bối cảnh này, thị trường có thể sẽ đi vào giai đoạn khó khăn thật sự, tuy nhiên cũng sẽ là cơ hội cho người có tiền chọn lựa, người càng có tiền nhiều càng có cơ hội chọn lựa.

Riêng về tâm lý giới kinh doanh bất động sản, có một thực tế là trong khi bên ngoài hào hứng về thị trường đang tăng mạnh, thì bên trong mơ hồ về thị trường đóng băng?

Bởi thực tế những thông tin bất lợi đến thị trường bất động sản như lãi suất huy động tăng, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo siết tín dụng bất động sản, nợ xấu ngân hàng tăng… cũng sẽ tác động đáng kể tới thị trường trong năm nay.

Bà Đỗ Hồng Vân - Trưởng nhóm phân tích dữ liệu khối dịch vụ Thông tin tài chính Fin Gruop: Thị trường chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn

Năm 2021, thị trường chứng khoán chứng kiến những phiên giao dịch có giá trị lên tới trên 50 nghìn tỷ đồng. Mặc dù, vài tuần gần đây giao dịch trên thị trường có vẻ kém tích cực hơn so với giai đoạn trước.

Tuy nhiên, để nói về thanh khoản của thị trường năm 2022 thì hiện nay tôi đang nhìn theo 4 yếu tố.

Thứ nhất, với tăng trưởng lợi nhuận dự báo là khoảng 20%. Đây là mức khá tích cực trên nền tăng trưởng cao của năm 2021.

Tôi cho rằng là thị trường chứng khoán vẫn là một kênh đầu tư khá hấp dẫn trong năm 2022.

Thứ hai, các công ty chứng khoán kỳ vọng rằng thanh khoản của thị trường sẽ tiếp tục được cải thiện. Do đó họ đang đẩy mạnh đi vay và có kế hoạch phát hành tăng vốn để chuẩn bị sẵn nguồn đáp ứng cho nhu cầu vay margin hay là giao dịch ký quỹ của nhà đầu tư.

Thứ ba, khả năng HOSE đưa vào vận hành hệ thống giao dịch mới.

Thứ tư, khi chúng tôi thực hiện một khảo sát nhỏ đối với một số công ty chứng khoán lớn ở Việt Nam hiện nay thấy rằng, họ đang xây dựng kế hoạch kinh doanh của mình trên một dự báo về thanh khoản thị trường ở mức khoảng 30 nghìn tỷ trong năm nay.

Tức là tăng đâu đó khoảng 23% so với năm 2021. Dựa trên những yếu tố này thì tôi cho rằng thanh khoản thị trường năm nay vẫn sẽ tăng.

T.HẰNG (thực hiện)