Kinh tế toàn cầu ‘thoát đáy’ và ám ảnh lạm phát

THẾ TUẤN 06/03/2022 09:38

Giá dầu thô tăng cao, căng thẳng Nga - Ukraine, lạm phát đe dọa nhiều quốc gia, dịch Covid-19 vẫn đe dọa… đó là những thách thức đối với nền kinh tế thế giới, tuy rằng sau 2 tháng đầu của năm 2022 đã có những dấu hiệu sáng sủa hơn. Sau hơn gần 2 năm phục hồi chậm chạp, kinh tế toàn cầu đã “thoát đáy” tuy rằng vẫn còn đó những thăng trầm. 

Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) không những dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 4,9% trong năm 2022, mà còn nhấn mạnh tốc độ tăng trưởng của kinh tế thế giới năm 2022 sẽ cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng bình quân 3% trong 50 năm qua, đồng thời sẽ trở thành năm kinh tế toàn cầu tăng trưởng mạnh mẽ nhất kể từ đầu những năm 1970 đến nay.

Động lực thúc đẩy phát triển kinh tế toàn cầu

Tuy nhiên, phân tích nhận định của IMF cũng cho rằng mặc dù kinh tế năm 2022 tiếp tục phục hồi, nhưng vẫn chưa trở về mức bình thường như trước khi dịch bệnh bùng phát. Đồng thời, tăng trưởng kinh tế tổng thể không đồng nghĩa với việc tăng trưởng kinh tế của tất cả các nước đều chạm đỉnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nhiều nước trên toàn cầu vẫn có thể chậm lại trong năm 2022 và đặc trưng tăng tưởng kinh tế không đồng đều vẫn đang nới rộng.

Dịch Covid-19 vẫn là trở ngại lớn nhất trên con đường phục hồi kinh tế toàn cầu. Tới nay, nhiều quốc gia châu Âu và Mỹ đã nới lỏng hoặc dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp phòng dịch thì Covid-19 vẫn ám ảnh nhiều quốc gia. Giao thương hàng hóa và du lịch đã không đạt được tiến độ đề ra, nhất là khi biến thể Omicron tuy không gây quá nhiều ca tử vong như biến thể Delta nhưng lại có tốc độ lây lan rất khủng khiếp. Những điều đó gây tác động tiêu cực tới nền kinh tế toàn cầu nói chung.

Cho tới thời điểm này, chưa một Chính phủ nào hoặc tổ chức y tế nào có thể khẳng định rõ ràng thời điểm đại dịch Covid-19 chấm dứt khi mà quá trình nghiên cứu và phát triển vaccine luôn đi sau tốc độ biến thể của virus, nếu xuất hiện biến thể virus mới, thì số lượng biến thể cuối cùng, độc tính của virus và khả năng lây truyền… đều trực tiếp quyết định mức độ nặng nhẹ của tình hình dịch bệnh, ảnh hưởng đến nền kinh tế ở những mức độ khác nhau.

IMF cũng cho rằng, lạm phát kéo dài trong một năm qua cũng sẽ không biến mất trong năm 2022. Tuy nhiên, vấn đề là lạm phát sẽ kéo dài bao lâu, liệu có tiếp tục diễn biến tiêu cực và khi nào sẽ đạt đỉnh?

Trong khi đó trang mạng Bloomberg News đã thực hiện một cuộc khảo sát toàn cầu, hầu hết các chuyên gia kinh tế được phỏng vấn đều cho rằng lạm phát sẽ giảm trong năm 2022. Dự báo đến cuối năm giá tiêu dùng toàn cầu sẽ giảm xuống 2,6%, song vẫn cao hơn mức độ bình quân trong 10 năm trước khi xảy ra dịch bệnh là 1,8%. Nếu đúng như vậy, thì sẽ có lợi cho việc cải thiện hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và mở rộng chu kỳ thương mại.

Tuy nhiên, giới chuyên gia kinh tế vẫn khẳng định rằng động lực cho kinh tế thế giới phát triển trong năm 2022 là rất lớn. Đó chính là hầu hết các quốc gia sẽ đầu tư lớn để hồi phục kinh tế sau đại dịch.

Trong đó, các kế hoạch cứu trợ nền kinh tế của chính quyền ông Joe Biden, đặc biệt là việc triển khai kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng, bên cạnh việc đầu tư 1.200 tỷ USD để cải tạo và nâng cấp hệ thống cầu, sân bay, đường thủy, giao thông công cộng, Mỹ còn khởi động kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng toàn cầu có tên gọi “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn”.

Kế hoạch này sẽ phối hợp với Liên minh châu Âu (EU), các nước thành viên G7 bao gồm Nhật Bản để cùng tài trợ vốn, đầu tư trên 10 dự án cơ sở hạ tầng lớn ở nhiều nơi trên thế giới.

EU cũng đã cam kết huy động 300 tỷ euro để đầu tư cơ sở hạ tầng trên toàn cầu, tập trung vào các lĩnh vực như số hóa, sức khỏe, năng lượng, khí hậu… Nước Anh cũng đưa ra “Sáng kiến sạch và xanh” trị giá 3 tỷ bảng Anh, dự định giúp các nước đang phát triển thực hiện rộng rãi công nghệ xanh, tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng bằng phương thức bảo vệ môi trường.

Tổng dự toán ngân sách của EU năm tài khóa 2022 lên đến 170,6 tỷ euro, Nhật Bản cũng tăng ngân sách bổ sung lớn nhất từ trước đến nay cho năm tài khóa 2022, hơn nữa đa số những khoản ngân sách bổ sung này đều sẽ dùng cho việc phục hồi kinh tế. Bên cạnh đó Chính phủ Trung Quốc cam kết sẽ triển khai trước một số dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, rất có thể năm 2022 sẽ trở thành “năm xây dựng cơ sở hạ tầng” của Trung Quốc.

“Khi các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, EU, Nhật Bản và Trung Quốc tăng tốc đầu tư, thì kinh tế thế giới sẽ không mất động lực tăng trưởng cơ bản và các nền kinh tế khác cũng buộc phải vào vòng đua nếu không muốn bị tụt lại phía sau” - TS Alfonse McLande nhận xét.

Omicron vẫn là biến thể khó lường

Vậy, còn những gì đe dọa kéo lùi tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay?

Vẫn theo TS Alfonse McLande, chúng ta vẫn phải tính toán lại cá kịch bản khi mà giá dầu thô tiếp tục tăng lên và sự “tàng hình” khó lường của biến thể Omicron. Biến thể Omicron trên thực tế đã và đang thay đổi những hy vọng lạc quan rằng kinh tế thế giới sẽ bước đi vững chắc trong năm 2022. Thị trường đang nhanh chóng tìm cách lượng hóa mức độ ảnh hưởng của Omicron tới kinh tế toàn cầu và trường hợp xấu nhất có thể là các nước lại đóng cửa với nhau.

Điều này sẽ đe dọa chuỗi cung ứng vốn đã căng thẳng và làm tổn hại đến nhu cầu đang phục hồi. Khả năng này cũng làm dấy lên lo ngại về sự kết hợp của một biến số kép giữa lạm phát cao hơn và tăng trưởng chậm lại.

Các chuyên gia của Goldman Sachs Group đã đưa ra 4 kịch bản về mức độ tác động của biến thể Covid-19 mới. Kịch bản tiêu cực là thế giới sẽ xảy ra một làn sóng lây nhiễm lớn trong quý đầu tiên của năm nay. Điều này, nếu là thật, sẽ khiến tăng trưởng toàn cầu chậm lại, với tốc độ tăng quý I năm 2022 chỉ khoảng 2%, thấp hơn 2,5% so với dự báo trước đó. Tăng trưởng cả năm 2022 có thể giảm 0,4% xuống còn 4,2%.

Một kịch bản tích cực hơn là biến chủng mới không gây nguy hiểm như những lo ngại ban đầu. Nhưng sự xuất hiện của nó sẽ là một lời nhắc nhở rằng đại dịch vẫn là mối đe dọa đối với kinh tế toàn cầu, có khả năng lặp lại trong nhiều năm tới.

“Chúng ta vẫn chưa rơi vào tình trạng lạm phát. Nhưng nếu thêm một năm nữa đóng cửa biên giới và sự gián đoạn chuỗi cung ứng có thể đẩy chúng ta đến đó”- Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Natixis nói.

Giá xăng dầu đe dọa dẫn tới lạm phát

Tuy nhiên, lo ngại hơn cả chính là giá dầu thô tăng lên quá dữ dội, nhất là trong tháng 2/2022. Dầu thô đã trở thành “biến số” đối với triển vọng kinh tế toàn cầu. Giá dầu tăng ngày một cao đẩy lạm phát phi mã, làm dấy lên lo ngại về triển vọng phục hồi còn mong manh của kinh tế toàn cầu.

Do đại dịch Covid-19, nhu cầu sụt giảm vào năm 2020, đã đẩy giá dầu giảm xuống dưới ngưỡng âm lần đầu tiên trong lịch sử (dưới 40 USD/thùng). Sau thời điểm đó, giá loại hàng hóa này đã tăng trở lại và tới thời điểm này đã vọt lên ngưỡng 100 USD/thùng. Trong phiên giao dịch ngày cuối tháng 2, giá dầu Brent biển Bắc đã có lúc lên tới mức cao nhất kể từ tháng 9/2014 là 99,5 USD/thùng.

Khi các nền kinh tế dần trở lại bình thường, nhu cầu về dầu mỏ cũng phục hồi. Nhưng vấn đề là nguồn cung vẫn chưa thể đáp ứng đầy đủ khi nhu cầu gia tăng. Trong khi đó, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (nhóm OPEC+) lại chần chừ trước việc mở rộng quy mô sản xuất.

Theo ông Patrick DeHaan- người đứng đầu bộ phận phân tích xăng dầu tại công ty chuyên về thông tin trạm xăng dầu Mỹ GasBuddy, rất có thể giá dầu sẽ tăng lên tới 125 USD/thùng ngay trong tuần đầu tháng 3/2022.

Còn theo các chuyên gia của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), tác động của giá dầu tăng sẽ không chỉ được người tiêu dùng cảm nhận ở các trạm xăng khi mua xăng mà còn ở hầu như tất cả các hàng hóa và dịch vụ mà con người sử dụng, từ đó góp phần đẩy lạm phát leo thang. Lạm phát tại Anh ở mức 5,5% trong tháng 1/2022, mức cao nhất kể từ năm 1992. Một số nhà phân tích còn dự báo lạm phát tại Anh sẽ đạt đỉnh 7% vào tháng 4.

Tại Nhật Bản, đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền vừa soạn thảo gói đề xuất nhằm bình ổn thị trường xăng dầu, trong đó kiến nghị chính quyền của Thủ tướng Fumio Kishida nâng mức trần trợ giá cho các nhà nhập khẩu và phân phối xăng dầu từ mức 5 yen (0,04 USD)/lít hiện nay lên 25 yen. Giá bán lẻ xăng ở nước này chạm ngưỡng 170 yen/lít lần đầu tiên sau hơn 13 năm.

Với Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đang xem xét sự đan xen phức tạp giữa các yếu tố lạm phát toàn cầu và trong nước khi cơ quan này đang phải cân nhắc đối phó với tỷ lệ lạm phát 7%, mức cao nhất trong số các nền kinh tế lớn trên thế giới. Giá xăng ở Mỹ đã cao nhất kể từ năm 2014. Khi giá xăng tăng các gia đình có thu nhập thấp hơn hứng chịu thiệt hại hơn cả bởi họ phải chi thêm ngân sách của gia đình vào hóa đơn xăng dầu.

Ông Maciej Kolaczkowski, người đứng đầu bộ phận Dầu khí thuộc Nền tảng Cơ sở hạ tầng, Vật liệu và Năng lượng của WEF nhận định rằng giá dầu sẽ tiếp tục biến động trong dài hạn. Hiện rất khó dự đoán mức giá hoặc thậm chí hướng thay đổi của mặt hàng này. Giá dầu có thể ở mức 100 USD/thùng hoặc hơn, song sẽ không lâu và chắc chắn sẽ không giữ ở mức này mãi. Vì trong trung hạn, nguồn cung sẽ bắt kịp đà tăng của nhu cầu trong khi hy vọng căng thẳng địa chính trị giảm bớt. Về dài hạn, chuyên gia của WEF cho rằng nhu cầu sẽ ổn định và có thể bắt đầu giảm tại một thời điểm nhất định. Sau đó, sẽ rất khó để giá dầu tăng cao hơn.

Tuy nhiên, yếu tố không chắc chắn ở đây là khi nào điều đó sẽ xảy ra.

THẾ TUẤN