Vẫn không ‘gác bến nằm bờ’
Ngư dân miền Trung, nhất là các ngư dân chuyên đánh bắt xa bờ đang đối diện với việc xăng dầu tăng giá, những chuyến ra khơi không tính toán kỹ lưỡng sẽ thua lỗ, chính vì thế mà có những tàu cá đã và đang nằm bờ. Nhưng cũng chính lúc này vẫn có không ít ngư dân vươn khơi bám biển.
Nỗi lo xăng dầu tăng giá
Những ngày qua, chúng tôi đã đi về các làng chài, bãi biển, cảng cá như cảng Kỳ Hà (xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), cảng Sa Kỳ (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) chứng kiến cảnh tàu thuyền vào ra cảng không còn tấp nập như trước đấy. Thay vào đó, nhiều tàu cá đã gác bến nằm bờ. Nguyên nhân chính là xăng dầu liên tục tăng giá.
Ngư dân Lê Văn Nam (37 tuổi), trú huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, chủ tàu cá QNa 90787TS cho biết: “Tàu cá nằm bờ, ngoài việc thời tiết gần đây không thuận lợi thì nguyên nhân chính là do tăng giá xăng dầu. Mới đây đã tăng 4 đợt rồi, tăng liên tục như thế này khiến ngư dân chúng tôi lo lắng vì thu không đủ chi cho những chuyến ra khơi. Tàu tôi gần 1 tháng nay phải nằm bờ”.
Ngư dân Nguyễn Lộc, trú huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Nhiên liệu đã chiếm gần một nửa chi phí cho những chuyến đi xa bờ khai thác hải sản. Vì vậy mỗi lần xăng dầu tăng giá tôi rất lo lắng nên phải tính toán lại các khoản chi phí sao cho hợp lý mới có thể ra khơi được”.
Nhiều ngư dân khác cũng cho rằng, mấy năm trước đến thời điểm này đã có ít nhất 2 chuyến vươn khơi đánh bắt hải sản ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Thế nhưng sau Tết Nguyên đán, tàu cá của họ chỉ 1 lần ra khơi.
Ngư dân Huỳnh Văn Chí, ở xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, Quảng Nam cho biết: “Tàu tôi công suất hơn 800 CV, trung bình mỗi chuyến biển gần 1 tháng, tiêu tốn khoảng từ 4.000 đến 6.000 lít dầu, nếu lượng hải sản thu về thấp thì dẫn đến thua lỗ nặng. Ở nhà thì nhớ biển và biết mưu sinh như thế nào, còn vươn khơi xăng dầu tăng thì đối diện với lỗ nặng”.
Theo nhiều ngư dân ở huyện Núi Thành, từ sau Tết Nguyên đán đến nay xăng dầu tăng giá liên tục khiến nhiều tàu cá thua lỗ, các thuyền viên bị giảm tiền công lao động. Đó là chưa nói giá hải sản xuống thấp, như cá nục hoa trước đây có giá từ 50.000 đến 70.000 đồng/kg giờ đây chỉ còn 30.000 đến 40.000 đồng/kg, hay cá nục hoa phơi nắng trước đây có giá 120.000 đồng/kg, giờ rớt xuống dưới 100.000 đồng/kg. Các loại hải sản khác cũng đồng xuống giá.
Gặp chúng tôi tại Cảng Kỳ Hà, ngư dân Ngô Ri (60 tuổi), trú xã đảo Tam Hải, chủ tàu cá QNa 91559 TS, công suất 825 CV cho hay: “Tàu tôi chuyên đánh bắt ngư trường Hoàng Sa, mỗi chuyến biển tốn từ 6.000 đến 7.000 lít dầu, các khoản chi phí hơn 100 triệu đồng bao gồm dầu, lương thực, thực phẩm… nhưng nay chi phí không chỉ dầu mà các khoản khác cộng dồn tăng lên đến gần 200 triệu đồng/chuyến biển, trong khi đó ngư trường khai thác ngày càng cạn kiệt, nếu đi trong lúc này khai thác không hiệu quả thì chỉ có lỗ trở lên”.
Không thể bỏ biển
Tỉnh Quảng Nam hiện có khoảng 2.766 tàu cá; Quảng Ngãi 5.600 tàu cá, trong đó có 1.770 chiếc thường xuyên khai thác thuỷ sản tại các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa và Nhà giàn DK1, mỗi năm khai thác trên 100.000 tấn hải sản. Còn tỉnh Bình Định hiện có gần 6.000 tàu cá, Đà Nẵng có 1.241 chiếc.
Thật đáng mừng trong lúc này vẫn có những ngư dân tính toán chi phí hợp lý và ra khơi. Vì với lượng tàu thuyền này hiện diện trên biển, nhất là biển xa thuộc chủ quyền của chúng ta, không chỉ mỗi năm đem về hàng trăm ngàn tấn hải sản, giải quyết được nhiều công ăn việc làm cho ngư dân và hậu cần nghề cá, mà sự hiện diện của họ cũng là những "cột mốc sống" bảo vệ chủ quyền biển đảo của chúng ta. Nhưng rõ ràng xăng dầu tăng giá đang cản bước ngư dân vươn khơi.
Nhiều ngư dân cho biết, trước đây bình thường mỗi chuyến biển, đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa họ thu về hơn 200 triệu đồng, các thuyền viên cũng có thu nhập từ 7 đến 15 triệu đồng/chuyến biển để trang trải cuộc sống. Nhưng với mức chi phí tăng cao như hiện nay, việc ra khơi khai thác phải tính toán số lượng thuyền viên, các nhu yếu phẩm để sao đó không được lỗ mới có thể ra khơi. Họ tin tưởng khi dịch Covid-19 được kiểm soát việc tiêu thụ hải sản sẽ thuận lợi và giá cả hải sản sẽ tăng cao. Và họ mong Nhà nước có những chính sách hỗ trợ kịp thời trong lúc này, giúp bà con tiêu thụ hải sản không để tư thương ép giá, để họ có thêm nguồn lực tiếp tục vươn khơi, bám biển.
Ông Ngô Đức An - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết: Hiện nay, giá xăng dầu tăng liên tục, đồng thời dịch Covid-19 hoành hành khiến các loại hải sản tiêu thụ ở mức thấp, buộc các chủ tàu cá phải cân đối lại các khoản chi phí sao cho hợp lý mới vươn khơi, đánh bắt hải sản nếu không sẽ bị thua lỗ.
Còn ông Võ Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam cho hay, do giá xăng dầu tăng cao, cùng với giá đầu ra thủy sản không ổn định đã tạo áp lực cho hoạt động khai thác hải sản của ngư dân trên địa bàn. Nhưng thật đáng trân trọng khi bà con chúng ta vẫn bám biển.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, xăng dầu tăng giá liên tục khiến những chuyến biển chi phí tăng cao dẫn đến có thể lỗ. Thế nhưng nhiều ngư dân địa phương vẫn quyết tâm vươn khơi bám biển. Vì đó là mưu sinh, vì truyền thống lâu đời cha ông để lại. Ngư dân của chúng ta không thể bỏ biển. Họ yêu biển, yêu nghề.
Không chỉ Quảng Nam, Quảng Ngãi mà các tỉnh, thành phố khác ngư dân cũng đang khắc phục các khó khăn để vươn khơi. Như TP Đà Nẵng, theo ông Nguyễn Lại, Phó trưởng Ban Quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, lúc này ngư dân muốn vươn khơi phải tính toán tiết kiệm xăng dầu, ngư dân phải linh hoạt thông tin với nhau biết luồng cá nằm vị trí nào để mà di chuyển đến để tiết kiệm.
Xăng dầu tăng giá đã làm khó ngư dân và tàu cá nằm bờ là điều dễ hiểu, nhưng trong lúc này vẫn còn nhiều ngư dân của chúng ta nỗ lực khắc phục khó khăn, vươn khơi bám biển.