Nhìn lại Afghanistan 6 tháng sau cuộc tiếp quản
Bức tranh về một đất nước bị tổn thương và mệt mỏi, với một tương lai bất định khi nạn thất nghiệp và nghèo đói lan rộng cùng những ký ức dần phai nhạt về các quyền tự do.
Chặng đường 6 tháng
Đã 6 tháng trôi qua kể từ khi lực lượng Taliban tiếp quản thủ đô Kabul, khi hàng nghìn người tràn vào sân bay trong hoảng loạn, tuyệt vọng, không tìm được lối thoát, đến mức một số người đàn ông đã cố gắng bám vào những chiếc máy bay đang khởi hành, rơi xuống đất và tử vong.
Vốn đã bị tổn thương bởi bốn thập kỷ chiến tranh liên tiếp, sự thay đổi chế độ nhanh chóng của Afghanistan đã để lại một dấu tích mà quốc gia này sẽ mất rất nhiều thời gian để chữa lành. Khi lực lượng Taliban dần đưa chính quyền của họ vào vị trí, nhiều người Afghanistan đang cảm thấy mất mát và bối rối.
Với một tương lai không chắc chắn, vô số cư dân đã tìm kiếm cuộc sống mới ở nước ngoài, làm gia tăng số lượng cộng đồng người nước ngoài lên tới hơn 5 triệu người trên toàn thế giới.
Một số người đã quyết định ở lại hoặc không còn lựa chọn rời đi, và phải tự an ủi bản thân rằng họ sẽ phải cho Taliban một cơ hội, mặc dù lực lượng này vẫn chưa được quốc tế công nhận.
Dù sao thì cũng không có một phe đối lập đủ lớn và các chiến binh Taliban đã đóng quân ngay cả ở những thung lũng xa xôi nhất của tỉnh Panjshir, nơi diễn ra các trận kháng chiến cuối cùng.
Ziaul Rahman, một thanh niên Talib 21 tuổi sống tại tỉnh Logar của Afghanistan cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu nếu phải làm như vậy”.
Cuộc chiến hồi tháng 8/2021 tàn phá chủ yếu ở khu vực thị trấn Sangin, Helmand, trước kia nằm ngay trên chiến tuyến. Nơi đây, mọi ngôi nhà đều bị phá hủy, chỉ một số ít đã được xây dựng lại và người dân đang bắt đầu lại từ con số 0.
Những dữ liệu tại quốc gia gần 40 triệu dân hiện khá ảm đạm. Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây thông báo rằng, số tiền quỹ 3,5 tỷ USD của Afghanistan đã bị đóng băng, bao gồm cả số tiền tiết kiệm cá nhân của những dân thường.
Liên hợp quốc cho biết ít nhất nửa triệu người Afghanistan đã mất việc làm kể từ khi lực lượng Taliban tiếp quản, đồng thời ước tính rằng đến giữa năm 2022, sẽ có tới 97% người dân có thể phải sống ‘dưới mức nghèo khổ’.
Phần lớn viện trợ phát triển, vốn tài trợ gần 80% chi tiêu của chính phủ tiền nhiệm đã hết, đẩy quốc gia này rơi vào hố sâu của cuộc khủng hoảng kinh tế.
Ngày càng nhiều người dân không đủ tiền để mua thực phẩm, mặc dù thực phẩm vẫn được bán rộng rãi trên thị trường.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã báo cáo về rất nhiều vụ hành quyết và cưỡng chế các cựu quan chức chính phủ mất tích, và cho đến ngày nay nhiều người trong số họ vẫn đang sống trong sợ hãi và trốn tránh.
Với một chính phủ mới như hiện tại, tương lai của Afghanistan dường như vẫn chưa có gì chắc chắn.
Ông Patricia Gossman, Phó giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cho biết: “Như chúng tôi lo ngại, tình hình đang trở nên tồi tệ hơn. Các vụ trả thù, tước đoạt quyền phụ nữ, bóp nghẹt giới truyền thông, Taliban dường như đang quyết tâm siết chặt hơn nữa sự kìm kẹp đối với xã hội”.
Ngay từ ánh nhìn đầu tiên, những thay đổi trên đường phố của thủ đô Kabul không quá rõ ràng. Được bao quanh bởi những đỉnh núi hùng vĩ, các khu vực của thành phố vẫn nhộn nhịp. Bánh mì kẹp thịt nướng được bán bên đường và những cậu bé bán bóng bay bước qua dòng xe cộ đông đúc.
Tuy nhiên, khi nhìn kỹ hơn vào những con phố, thủ đô Kabul đã trở nên trống trải hơn trước, mặc dù số lượng người ăn xin đã tăng lên đáng kể.
Nhiều cửa hàng cà phê ồn ào bị bỏ trống; một số nhà hàng đã đóng cửa vĩnh viễn. Phía bên ngoài đại sứ quán Iran, người dân xếp hàng dài chờ đến lượt xin visa trong vô vọng.
Ngoài cửa một phòng khám phụ sản ở Kabul, một bé trai sơ sinh đã bị bỏ rơi. Latifa Wardak, một trong những bác sĩ tại bệnh viện buồn bã: “Chỉ là gia đình họ không đủ tiền để chăm sóc thêm một đứa trẻ khác”.
Những vết thương khó lành
Sự tổn thương trong những tháng cuối năm 2021 đã ám ảnh nhiều người, và mặc dù người Afghanistan thường sống kín đáo và chọn cách che giấu cảm xúc, nhưng rõ ràng họ đang tự gồng gánh nỗi đau của chính mình. Những ký ức về chế độ Taliban trong quá khứ giờ đây đã trở lại, nước mắt đang rơi.
Tuy nhiên, ở nơi đây vẫn luôn có những khoảnh khắc tuyệt đẹp. Vào một buổi sáng tuyết rơi kín bầu trời, ông Naim Naimy, 63 tuổi, đến từ tỉnh Kandahar (miền nam Afghanistan), kể rằng bản thân đã phải đi 6 tiếng đồng hồ chỉ để nhìn thấy một thủ đô Kabul ngập trong tuyết trắng“.
Tôi đã xem dự báo thời tiết và quyết định tới đây”, ông cười trong khi đứng giữa những tán cây phủ đầy tuyết. “Tôi thực sự rất yêu tuyết”.
Ở ngôi làng Kan-e-Ezzat cũng như ở nhiều chiến tuyến khác, tiếng súng đã không còn vang vọng kể từ khi Taliban tiếp quản.
Wardak là một trong những tỉnh đầu tiên tại Afghanistan chứng kiến sự trỗi dậy của lực lượng kể từ trận chiến năm 2001, với xung đột gần như liên tục trong thập kỷ qua.
Bất cứ khi nào giao tranh nổ ra, ông Lal Mohammad, 48 tuổi, đều sẽ chạy qua khu nhà của gia đình để tập hợp con cái và những người thân khác, đẩy họ về phía một chuồng bò nhỏ, tối tăm phía dưới lòng đất.
Họ thường ngồi sát vào nhau, sợ hãi trong hàng giờ, lắng nghe âm thanh của đạn và súng cối cùng cái lạnh tê tái của ban đêm, chờ đợi ngọn lửa bùng phát đi qua.
Tổ chức Tâm lý Quốc tế (IPSO) có trụ sở tại thủ đô Kabul cho biết, Afghanistan là một “quốc gia bị tổn thương”, ước tính rằng 70% người dân Afghanistan đang cần được hỗ trợ về tâm lý.
“Người dân trong ngôi làng này đều đã mất người thân hoặc bị thương. Mọi người đều mệt mỏi. Tất cả những gì chúng tôi mong muốn chỉ là hòa bình. Nhưng ngày hôm nay, ít nhất tôi đã có thể nói với các con của mình rằng chiến tranh đã kết thúc”, ông Lal nói.