Kinh tế Việt Nam ứng phó với xung đột Nga-Ukraine
Xung đột Nga-Ukraine dự báo sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực trước mắt và lâu dài tới kinh tế, thương mại, tài chính, cũng như chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu của thế giới cũng như Việt Nam. Vậy ứng phó của Việt Nam ra sao? PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - giảng viên cao cấp Học viện Tài chính đã trao đổi với Đại Đoàn Kết về vấn đề này.
PV: Theo ông, kinh tế thế giới và nền kinh tế Việt Nam ảnh hưởng như thế nào từ cuộc xung đột Nga-Ukraine?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Xung đột giữa hai nước này không chỉ ảnh hưởng đối với nền kinh tế Việt Nam mà còn tác động tới thị trường thế giới. Bởi Nga là đối tác lớn cung cấp dầu cho thế giới, là nơi cung cấp lượng khí đốt lớn cho EU. Vì thế việc vừa qua EU cấm vận, loại 7 ngân hàng của Nga ra khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT sẽ có ảnh hưởng lớn tới giá của các mặt hàng này.
Đơn cử như giá xăng dầu đã tăng 20%, khí đốt tăng cao vượt mốc 2200 USD/1000m3. Bên cạnh đó, giá của các nguyên nhiên vật liệu khác như sắt, thép, đồng, nhôm, titanium, niken cũng tăng giá trên thị trường quốc tế. Giá xăng dầu tăng sẽ ảnh hưởng lớn tới giá cả hàng hóa thế giới, trong đó có Việt Nam. Đồng thời việc giá xăng dầu tăng làm cho nền kinh tế tăng trưởng chậm lại và trì trệ. Đó là nghiêm trọng, vì chi phí đầu vào tăng thì sản xuất ảnh hưởng. Chưa kể tác động làm lạm phát lên cao. Lạm phát thế giới năm 2021 đã quá cao, chạm mốc lịch sử của thế giới khi lên đến 6-7%. Do đó lạm phát trong năm 2022 có thể sẽ tăng cao hơn nữa từ xung đột giữa Nga-Ukraine, kéo theo là các lệnh trừng phạt của Mỹ, và EU đối với Nga.
Đối với nền kinh tế Việt Nam, về thương mại giao thương giữa Việt Nam với Nga năm 2019 khoảng 4,1 tỷ USD; năm 2020 là 3,3 tỷ; năm 2021 khoảng 7,3 tỷ. Còn với Ukraine thì ít hơn, khoảng hơn 700 triệu USD vào năm 2021. Do vậy về thương mại cả xuất và nhập giữa Nga và Việt Nam chiếm 1,1% trong tổng xuất và nhập khẩu của Việt Nam. Còn Ukraine chiếm 0,1% kim ngạch thương mại của Việt Nam với thế giới. Do đó, việc bị ảnh hưởng là có nhưng không lớn.
Về đầu tư của Nga vào Việt Nam khoảng hơn 900 triệu USD, đứng thứ 24 trong các đối tác đầu tư vào Việt Nam, chủ yếu trong 2 lĩnh vực là điện, thăm dò khai thác dầu khí. Còn hiện chúng ta đầu tư tại Nga từ các mô hình chăn nuôi bò sữa, hầu hết các doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả. Tất nhiên các doanh nghiệp này sẽ có những khó khăn nhất định khi Nga bị bật ra khỏi SWIFT.
Vì vậy như tôi đã đề cập ở trên, việc tăng giá nguyên nhiên vật liệu và xăng dầu sẽ khiến sản xuất trong nước bị ảnh hưởng. Sản xuất trì trệ, lạm phát tăng cao là việc cực kỳ nguy hiểm, bào mòn lợi nhuận cũng như các yếu tố khác của nền kinh tế.
Thực tế FDI là khu vực đóng góp nhiều cho tăng trưởng và tạo việc làm cho người lao động. Có thể Mỹ và EU cũng kéo dài các lệnh trừng phạt với Nga. Tình hình như vậy sẽ ảnh hưởng như thế nào tới nền kinh tế Việt Nam?
- Các doanh nghiệp FDI chịu tác động chủ yếu từ giá nguyên nhiên vật liệu tăng. Còn xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI sang thị trường Nga không phải là lớn. Các mặt hàng như: dệt may, điện thoại, tivi, thiết bị vi tính cũng không chiếm bao nhiêu. Đặc biệt, các doanh nghiệp FDI chủ yếu xuất sang thị trường các nước khác cho nên chúng ta cũng không quá lo ngại. Việc Mỹ và EU trừng phạt chủ yếu liên quan đến các công ty của Nga là chính. Và quan hệ thương mại và đầu tư của ta với Nga có bị ảnh hưởng, nhưng cũng nhỏ.
Tuy nhiên, ảnh hưởng từ xung đột này đang khiến giá dầu tăng phi mã trong những ngày gần đây. Và chúng ta lại đang khan hiếm xăng dầu trong những tháng đầu năm?
- Bình quân nếu xăng dầu tăng giá 10% thì GDP tăng trưởng chậm 0,5%. Tăng 20% thì mất 1% GDP/năm và lạm phát cũng sẽ tăng cao. Xăng dầu tăng 10% thì lạm phát tăng 0,34%, chưa kể đến các yếu tố khác là giá nguyên liệu cũng tăng giá.
Điều đáng lo ngại là chúng ta là nền kinh tế mở, lấy xuất khẩu làm động lực tăng trưởng. Tác động của xung đột cũng như các hình thức trừng phạt của Mỹ và EU sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế của chúng ta chứ không chỉ mỗi việc lạm phát.
Vậy theo ông trong điều hành kinh tế chúng ta cần quan tâm tới những giải pháp nào?
- Phải chống lạm phát, kiểm soát giá thành và chi phí sản xuất của các doanh nghiệp trong nền kinh tế sao cho phù hợp. Không để tăng theo cách “té nước theo mưa”. Giá xăng dầu tăng 10% thì ngành sử dụng nhiều xăng dầu nhất là dịch vụ vận tải. Bởi 35% giá thành dịch vụ vận tải là do chi phí xăng dầu. Nếu xăng dầu tăng 10% thì chi phí chỉ tăng 3-4%. Còn những ngành khác chịu ít hơn và rõ ràng thì chỉ tăng lên chút, có ngành chỉ tăng 1%, thậm chí chưa đến 1%. Do đó cần kiểm soát giá các mặt hàng, tránh việc để giá tăng 5,7, thậm chí 10%. Như thế mới đảm bảo mức tăng giá phù hợp trong hoạt động của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, giảm chi phí cho doanh nghiệp là rất cần thiết. Một số chi phí có liên quan như: Chi phí tiếp cận, chi phí về logistics, chi phí vận tải, chi phí bến đỗ, kho bãi, hạ cánh thì Chính phủ có thể tính toán để giảm. Về phía các doanh nghiệp, cần nỗ lực tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu. Lúc đó chúng ta mới có thể bù đắp những khả năng có thể sụt giảm của nhu cầu thế giới cũng như các yêu cầu khác.
Hiện nay Chính phủ đang tính toán chuẩn bị trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nghị quyết về giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, mỡ nhờn. Dự kiến nếu được thông qua Nghị quyết sẽ áp dụng từ 1/4 đến hết 31/12. Mỗi lít xăng sẽ giảm 1000 đồng, thì dự tính ngân sách sẽ giảm thu khoảng 12 ngàn tỷ đồng. Đây cũng là nỗ lực rất lớn của Chính phủ bởi chúng ta đang thực hiện một loạt gói hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Trân trọng cảm ơn ông!
Bình quân nếu xăng dầu tăng giá 10% thì GDP tăng trưởng chậm 0,5%. Tăng 20% thì mất 1% GDP/năm và lạm phát cũng sẽ tăng cao. Xăng dầu tăng 10% thì lạm phát tăng 0,34%, chưa kể đến các yếu tố khác là giá nguyên liệu cũng tăng giá.