Hiểu đúng về thích ứng
Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phải dần bình thường hóa với dịch Covid -19. Thực chất, chủ trương “bình thường hóa” với dịch Covid -19 đã có từ lâu trong Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid -19, chỉ có điều một số nơi, một số người chưa thực sự hiểu.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Y tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá: Hiện, tình hình dịch Covid-19 cơ bản đang trong tầm kiểm soát trên phạm vi cả nước, đạt mục tiêu tập trung kiểm soát rủi ro các ca chuyển nặng, ca tử vong. Do kiểm soát tốt dịch Covid -19 nên việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đạt được kết quả tích cực trên tất cả các mặt.
Bên cạnh việc ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, ngành, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhắc nhở lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cần chuẩn bị sẵn sàng với dự báo dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là với biến chủng Omicron. Theo đánh giá, thời gian tới đây những khó khăn, thách thức sẽ nhiều hơn thời cơ và thuận lợi.
Vì thế, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, nhưng cũng không được hoang mang, sợ hãi khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. Cần nắm chắc và bám sát tình hình thực tiễn diễn biến của dịch bệnh để có giải pháp phù hợp phòng, chống thật tốt, từng bước bình thường hóa với đại dịch này.
Từ việc ghi nhận thành tích, cũng như nhắc nhở các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ mong muốn lãnh đạo các cấp, ngành hiểu được đúng nghĩa của cụm từ “thích ứng linh hoạt, an toàn”. Nói một cách dễ hiểu, hãy coi dịch bệnh như “một phần tất yếu của cuộc sống” để đưa ra những đối sách phù hợp.
Sở dĩ người đứng đầu Chính phủ phải trực tiếp căn dặn lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương dần bình thường hóa với dịch Covid-19 là vì còn khá nhiều cấp, ngành đang có tâm lý khá căng thẳng trong công tác phòng, chống dịch. Một số địa phương còn có dấu hiệu lúng túng trong việc đưa ra quyết sách phòng, chống dịch.
Thực tế chỉ ra rằng, ở một số nơi, một số lúc, lãnh đạo các cấp, ngành không biết phải thích ứng linh hoạt như thế nào cho an toàn và kiểm soát được hiệu quả dịch Covid-19. Nay thì Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đến tận nơi, bình thường hóa có nghĩa hãy dần coi đó là một loại bệnh như những bệnh khác để không còn phải quá lo lắng khi đối mặt với nó.
Như vậy mới có thể đạt được mục tiêu kép: Vừa phát triển nhanh, bền vững nền kinh tế, nhưng cũng kiểm soát tốt dịch Covid-19, không để quá tải hệ thống y tế, gây ra những hệ lụy khó lường. Chúng ta không thể cứ mãi “đóng cửa” để phòng, chống dịch, bởi như vậy sẽ không thể phát triển kinh tế - xã hội, nhưng cũng không thể chủ quan, lơ là với dịch.
Trong bối cảnh hiện nay, nước ta đã có độ bao phủ vaccine rộng tới trên 90% nên số ca dương tính với SARS-CoV-2 trở nặng hay tử vong đã giảm đáng kể. Đó chính là tiền đề tốt để lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương có thể tự tin vào việc bình thường hóa với dịch Covid-19, nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội.
Việc yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương bình thường hóa với dịch Covid-19 của Thủ tướng còn để hướng đến và đạt được đa mục tiêu trong thời gian tới: Tập trung kiểm soát hiệu quả rủi ro, hạn chế số ca chuyển nặng, giảm ca tử vong; thúc đẩy phục hồi nhanh, phát triển bền vững nền kinh tế; giải quyết, chăm lo các vấn đề an sinh xã hội.
Song, để tránh việc chuyển từ cực tả sang cực hữu trong nhận thức “bình thường hóa” của các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhắc nhở: Tinh thần phòng, chống dịch là không có tiền lệ nên không quá cầu toàn, nhưng cũng không được nóng vội, bám sát tình hình thực tế để tiếp tục rút kinh nghiệm, điều chỉnh phù hợp.