Đắk Lắk: Thắm nghĩa tình đồng bào trên đất Krông Nô huyền thoại

Thanh Nga 08/03/2022 13:30

Từ một xã vùng giáp ranh đặc biệt khó khăn, Krông Nô đang từng bước trở mình vươn lên thành động lực kinh tế phía Đông Nam và địa chỉ du lịch mới ở huyện nghèo Lắk. Song hơn cả, đó là sự gắn kết của một cộng đồng 16 dân tộc cùng chung sống, phát triển, trên vùng đất giàu truyền thống anh hùng.

Từ thị trấn Liên Sơn, đi dọc theo Quốc lộ 27 khoảng hơn 30 km, vượt qua đèo dốc Đắk Nuê uốn lượn chập chùng giữa những dãy núi cao mờ sương, sẽ đến Krông Nô - xã cuối cùng của tỉnh Đắk Lắk, giáp huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng.

Xã nằm trải dọc bên bờ dòng sông đực nổi tiếng Krông Nô kéo dài đến dãy núi Ba Tầng, được xem như vùng đất thiêng bao đời nay gắn bó với đồng bào dân tộc M’nông bản địa. Hang đá Ba Tầng, nơi nuôi giấu cán bộ hoạt động cách mạng những năm kháng chiến, nay đã được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh từ năm 2020.

Tuy là vùng đất khá trù phú, có rừng, gần sông, nhưng chỉ khoảng 10 năm trở lại đây, “chàng lọ lem” Krông Nô mới được đánh thức, hứa hẹn trở thành địa chỉ du lịch mới và động lực kinh tế phía Đông Nam của huyện nghèo Lắk. Cũng khoảng hơn 10 năm trở lại đây, người dân di cư từ nhiều nơi, đã đến vùng đất màu mỡ Krông Nô, cùng đồng bào dân tộc M’Nông làm ăn phát triển kinh tế. Krông Nô vì vậy trở thành xã có đến 16 dân tộc cùng sinh sống, có 14 buôn (không có thôn), hơn 80% dân tộc thiểu số.

Nhiều hộ đồng bào M’nông, Ê đê, Tày, Thái ở Krông Nô, đã được ông Thông hỗ trợ vốn, giống cây trồng, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật làm vườn, nay đã trở thành hộ khá.
Nhiều hộ đồng bào M’nông, Ê đê, Tày, Thái ở Krông Nô, đã được ông Thông hỗ trợ vốn, giống cây trồng, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật làm vườn, nay đã trở thành hộ khá.

Quả vậy, giờ đây hai bên mặt đường Quốc lộ 27, từ trung tâm xã Krông Nô đến điểm cuối cùng là cầu Đam Rông, quán xá mọc lên như nấm, cảnh buôn bán kinh doanh khá sầm uất, dấu hiệu của vùng nông thôn đô thị hoá đang lên. Trên con đường đi vào các buôn làng xa, như buôn Trang Yốk, Lách Dơng… thấp thoảng giữa bạt ngàn vườn đồi cà phê, cây ăn trái, đã có nhiều biệt thự hoặc nhà kiểu Thái mới mọc lên. Cảnh hoang sơ, nghèo đói đang nhường chỗ cho sung túc và no ấm…

Dẫn khách đến tham quan khu vườn rẫy của ông Chu Văn Thông, dân tộc Tày, ở buôn Lách Dơng, bà H’Doel Păng Ting, Phó Chủ tịch UBND xã Krông Nô phấn khởi khoe về thành tích vươn lên làm giàu và sự sẻ chia giúp đỡ của ông Thông với bà con đồng bào các dân tộc trong xã. Nhờ siêng năng, chịu khó học hỏi và đầu tư đúng hướng, đến nay, gia đình ông Thông đã có khu vườn rẫy trị giá hàng chục tỷ đồng: 3 ha cà phê, 6 ha sầu riêng và cây ăn trái. Chỉ tính vụ thu hoạch sầu riêng niên vụ 2021 vừa qua, ông Thông đã thu về 5,2 tỷ đồng; trong đó chỉ tốn khoảng 600 triệu chi phí chăm sóc, lãi ròng 4,6 tỷ đồng.

Có điều kiện, ông Thông còn đầu tư mua máy bay không người lái T30 để chăm sóc, phun thuốc và bảo vệ vườn rẫy với giá hơn 600 triệu đồng. Nhưng cái đáng quý nhất ở ông Thông khiến nhiều người ngưỡng mộ, chính là sự sẻ chia, giúp đỡ bà con đồng bào các dân tộc trong cộng đồng cùng vươn lên làm giàu. Nhiều hộ đồng bào M’nông, Ê đê, Tày, Thái ở Krông Nô, đã được ông Thông hỗ trợ vốn, giống cây trồng, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật làm vườn, nay đã trở thành hộ khá.

Ông Chu Văn Thông cho biết, hiện ông cùng 9 hộ làm vườn khác đang xúc tiến các thủ tục để thành lập Tổ hợp tác nông nghiệp với mục tiêu xây dựng sầu riêng xã Krông Nô thành sản phẩm thương hiệu OCOP của địa phương.

Ông Thông đầu tư mua máy bay không người lái T30 để chăm sóc, phun thuốc và bảo vệ vườn rẫy với gía hơn 600 triệu đồng.
Ông Thông đầu tư mua máy bay không người lái T30 để chăm sóc, phun thuốc và bảo vệ vườn rẫy với giá hơn 600 triệu đồng.

Đoàn kết, cùng giúp nhau phát triển kinh tế, Krông Nô đã và đang thực hiện nhiều mô hình hay, việc làm tốt thắm nghĩa tình đồng bào trên vùng đất có nhiều bà con dân tộc cùng chung sống này. Chúng tôi đến thăm nhà cụ Y Krai Kră Janh, ở buôn Trang Yốk, vào đúng buổi sáng mưa, khi một số đoàn viên thanh niên, dân quân thường trực xã Krông Nô đang dọn vườn, giúp đỡ gia đình ông trồng cây ăn trái. Ông Y Krai Kră Janh là chính trị viên xã đội Krông Nô trong kháng chiến, từng đạt danh hiệu “Dũng sỹ diệt Mỹ”, nay do bệnh tình lại neo đơn nên hoàn cảnh rất khó khăn. Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Krông Nô đã kêu gọi đóng góp hỗ trợ xây tặng ông Y Krai Kră Janh căn nhà Đại đoàn kết trị giá gần 100 triệu đồng.

“Mình cảm động quá, đã có nhà mới rồi, nay mưa xuống thì bộ đội, thanh niên lại giúp đỡ trồng cây, giờ chắc mình không nghèo nữa”- Y Krai Kră Janh cảm động nói.

Còn già làng Y Bang Kră Janh thì không giấu được niềm vui: “Buôn Trang Yốk được Nhà nước, được đoàn thể hỗ trợ nhiều lắm. Làm đường, xây tặng Nhà văn hóa cộng đồng; bà con khó khăn thì được các lực lượng ở địa phương hướng dẫn chuyển đổi cây trồng vật nuôi, cải tạo vườn tạp, sửa nhà, gặt lúa. Nay xã và huyện đang hỗ trợ nhiều cây giống, hướng dẫn kỹ thuật, bà con M’Nông, Ê đê, Tày trong buôn đoàn kết, phấn khởi học tập làm ăn, mình sướng cái bụng lắm!”.

Bộ đội, đoàn viên Thanh niên, dân quân thường trực xã Krông Nô đang dọn vườn, giúp đỡ gia đình ông Y Krai Kră Janh trồng cây ăn trái.
Bộ đội, đoàn viên thanh niên, dân quân thường trực xã Krông Nô đang dọn vườn, giúp đỡ gia đình ông Y Krai Kră Janh trồng cây ăn trái.

Theo bà H’Doel Păng Ting, Phó Chủ tịch UBND xã Krông Nô, cùng với việc xây dựng nhiều mô hình đoàn kết giúp dân, hiện nay Krông Nô đang tích cực thực hiện Nghị quyết số 05 – NQ/HU, ngày 5/3/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ huyện Lắk khóa XV về “Lãnh đạo thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giai đoạn 2021-2025”.

Điều đặc biệt của Nghị quyết này là không sử dụng nguồn ngân sách, toàn huyện huy động sự đóng góp của cán bộ, đảng viên; các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp kết nghĩa với buôn đồng bào dân tộc thiểu số góp kinh phí mua hàng trăm ngàn cây giống tặng cho các hộ nghèo; hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc… Sau gần một năm thực hiện, Krông Nô đã tạo sức lan tỏa sâu rộng, mở ra hướng giảm nghèo bền vững cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số.

Dẫu còn đó nhiều khó khăn, nhưng đến nay Krông Nô đã hoàn thành 12/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Bà H’Doel Păng Ting, Phó Chủ tịch UBND xã Krông Nô khẳng định, trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng lợi thế địa phương, thì việc chú trọng xây dựng khối Đại đoàn kết các dân tộc sẽ là sức mạnh giúp Krông Nô sớm cán đích nông thôn mới.

Thanh Nga