Đất đai 'dẫn đầu' về khiếu nại, tố cáo: Tăng cường thanh tra trách nhiệm người đứng đầu
Qua thực hiện giám sát chuyên đề về việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo (giai đoạn từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021), nhiều đoàn đại biểu Quốc hội đã nhận thấy những bất cập trong công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, từ đó kiến nghị nhiều vấn đề đối với địa phương, cũng như tổng hợp để báo cáo tới Quốc hội.
Đất đai luôn “nóng”
Báo cáo của Ban Dân nguyện cho thấy, qua theo dõi tình hình khiếu nại, tố cáo, trong phạm vi cả nước nổi lên một số nhóm vụ việc khiếu kiện đông người có dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự. Theo đó, khiếu kiện liên quan đến đất đai, cưỡng chế thu hồi đất xảy ra và tập trung chủ yếu tại các khu vực có tốc độ đô thị hóa cao. Nội dung chủ yếu là tố cáo liên quan đến việc triển khai, thực hiện dự án, một số đối tượng tự ý chuyển đổi, lập dự án bất động sản khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích từ đất nông nghiệp để ký hợp đồng đặt cọc với khách hàng, gây bức xúc cho người dân.
Thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội về việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo (giai đoạn từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021), bắt đầu từ tháng 3, nhiều đoàn đại biểu Quốc hội đã tổ chức đi giám sát. Thực hiện giám sát tại huyện Thanh Trì (Hà Nội), đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã đề nghị, cần làm rõ những vấn đề liên quan đến việc tiếp công dân đột xuất, việc thực hiện các kết luận khiếu nại, tố cáo đối với những kết luận đã có hiệu lực, tình trạng đơn thư vượt cấp, việc bảo vệ quyền lợi của người bị tố cáo sai và việc đối thoại với công dân trong giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân.
Trong khi đó, giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh tại Thanh tra tỉnh và UBND tỉnh Trà Vinh cho thấy, từ tháng 7/2016 đến tháng 7/2021, UBND tỉnh Trà Vinh tiếp 21.090 lượt công dân với 13.298 vụ việc, trong đó tiếp thường xuyên 15.304 lượt, tiếp định kỳ của lãnh đạo 4.623 lượt, tiếp đột xuất của lãnh đạo 1.163 lượt. Tiếp nhận 11.461 đơn thư khiếu nại, tố cáo; 1.215 vụ việc khiếu nại, tố cáo, trong đó 484 vụ việc thuộc thẩm quyền (425 vụ việc khiếu nại, đã giải quyết 418/425 vụ việc; 59 vụ việc tố cáo, đã giải quyết 55/59 vụ việc). Cơ quan Thanh tra tỉnh Trà Vinh tiếp 396 lượt công dân với 362 vụ việc; tiếp nhận 479 đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Qua tiếp công dân, nhận đơn thư tại Trà Vinh cho thấy, nội dung chủ yếu tập trung vào việc yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai, quyền sử dụng đất; khiếu kiện về bồi thường giải tỏa trong đó, số nội dung đơn, thư tiếp nhận có liên quan đến đất đai chiếm tỷ lệ cao nhất (46,6%).
Còn giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang tại huyện Châu Thành cũng cho thấy, trong giai đoạn 2016 - 2021, tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn huyện Châu Thành không tăng nhiều về số lượng qua từng năm, nhưng có nội dung phức tạp, tập trung chủ yếu trên lĩnh vực đất đai. UBND huyện Châu Thành cho rằng, có những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo như: quy định bồi thường còn một số điểm chưa phù hợp với đặc thù địa phương, giá các loại đất ban hành còn thấp hơn giá thị trường dẫn đến việc khiếu nại của người dân. Một số chính sách quy định trong giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa rõ ràng, còn chồng chéo.
Giám sát việc... tiếp công dân
Từ tình hình giám sát tại thực tế, đưa giải pháp để nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại tố cáo và tiếp công dân, ông Đỗ Đức Hồng Hà - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, cần quan tâm đến nguyên nhân chủ quan, khách quan của những tồn tại, hạn chế để có giải pháp khắc phục đối với từng hạn chế. Đặc biệt cần quan tâm đến việc xử lý những người tố cáo sai, công tác phổ biến giáo dục pháp luật, bồi dưỡng tập huấn cán bộ làm công tác tiếp dân.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội lại cho rằng, cần quan tâm xem xét, giải quyết kiến nghị của cử tri và nâng cao vai trò giám sát của HĐND cấp huyện, cấp xã, lắng nghe ý kiến cử tri, công dân từ cơ sở. Từ đó, nâng cao vai trò của cơ quan dân cử trong giải quyết các kiến nghị của cử tri và đơn thư của công dân.
Để thực hiện tốt hơn nữa công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân thời gian tới, Thanh tra tỉnh, UBND tỉnh Trà Vinh kiến nghị Chính phủ xem xét ban hành nghị định quy định cụ thể việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật khiếu nại, tố cáo như: lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để kích động, xúi giục người khác gây mất trật tự làm ảnh hưởng đến an ninh, chính trị địa phương. Đồng thời, xử lý trách nhiệm của cán bộ, công chức khi có hành vi vi phạm pháp luật khiếu nại, tố cáo nhằm giữ nghiêm kỷ cương pháp luật. Nhất là, Thanh tra Chính phủ cần hỗ trợ địa phương giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tồn đọng, phức tạp, kéo dài.
Đề cập tới giải pháp, ông Thạch Phước Bình - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh cho rằng, cần bố trí đội ngũ công chức có năng lực, trình độ chuyên môn, có tinh thần trách nhiệm, trực tiếp làm công tác quản lý trong lĩnh vực dễ phát sinh khiếu nại, tố cáo. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, nhất là thanh tra trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Chấn chỉnh, xử lý nghiêm những tồn tại, sai phạm liên quan nhiều đến đơn khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, xây dựng, phát triển đô thị, quản lý đất đai.
Ông Bình cũng khuyến nghị, tăng cường công tác quản lý, theo dõi nắm bắt thông tin về tình hình khiếu nại, tố cáo để chỉ đạo giải quyết kịp thời, không để phát sinh điểm nóng về khiếu nại, tố cáo. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và các đơn vị trong công tác tiếp công dân, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân.
Còn bà Lê Thị Thanh Lam - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang cho rằng, cần rà soát, kiện toàn lại bộ máy làm công tác tiếp công dân, tăng cường kiểm tra, giám sát việc tiếp công dân tại các đơn vị, đồng thời đẩy mạnh phối hợp giữa các cấp, ngành để giải quyết tốt các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.