Chậm tháo dỡ chung cư cũ, dân bất an
Trong danh sách gần 500 chung cư cũ tại TP HCM, có nhiều chung cư được xây dựng từ trước 1975 với hiện trạng xuống cấp trầm trọng. Từ nhiều năm trước, Sở Xây dựng TP HCM đã kiến nghị về đẩy nhanh tiến độ cải tạo hoặc tháo dỡ xây mới các chung cư này nhưng việc triển khai gặp nhiều vướng mắc.
Chậm bồi thường, tái định cư
Theo Sở Xây dựng TPHCM, hiện nay trên địa bàn thành phố có khoảng 500 tòa chung cư cũ, trong đó có 14 chung cư ở mức độ nguy hiểm cao (cấp D) do được xây dựng và tiếp quản từ trước năm 1975. Các chung cư còn lại do nhà nước đầu tư xây dựng từ trước những năm 1994 theo chính sách bao cấp về nhà ở nhưng đến nay phần lớn cũng đã xuống cấp. Riêng trong năm 2022, thành phố có kế hoạch xây mới cấp tốc 6 chung cư cũ để đáp ứng nhu cầu cấp thiết về nhà ở của người dân. Đây hầu hết là các chung cư đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng nhưng tiến độ xây dựng rất chậm khiến người dân không khỏi lo lắng, bất an.
Một lãnh đạo Sở Xây dựng TPHCM thừa nhận, suốt một thời gian rất dài từ năm 2016 đến 2020 nhưng thành phố chỉ xây mới được 2 chung cư cũ trong số gần 240 chung cư theo kế hoạch cải tạo hoặc xây mới. Đó là các chung cư số 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3) và lô B chung cư Nguyễn Kim (quận 10). Việc cải tạo và xây mới các chung cư này đã nằm trong chương trình hành động của Thành uỷ TPHCM đề ra từ năm 2016 nhưng đến năm 2020 mới hoàn thành. Nguyên nhân do các vướng mắc cả chủ quan lẫn khách quan về trình tự thủ tục đầu tư xây dựng cũng như ở cả hai phía chủ sở hữu căn hộ và chính sách đối với diện tích sử dụng chung còn chưa thống nhất. Ngoài ra, quy định hiện hành đối với chung cư cấp D yêu cầu phải có 100% chủ sở hữu chung cư đồng ý phá dỡ cũng khiến tiến độ bị chậm lại. Trong khi đó, chính sách về bồi thường, tái định cư còn thấp hơn nhiều so với thị trường khiến hầu như người dân chưa đồng thuận.
Liên quan đến pháp lý và tiến độ tháo dỡ, xây mới tại 16 chung cư cũ, mới đây Sở Xây dựng TPHCM có báo cáo gửi UBND thành phố về những vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai. Trong đó, chủ yếu là công tác bồi thường đối với nhà ở thuộc sở hữu nhà nước và quá trình, thủ tục để bố trí tái định cư. Sở này cho biết, chung cư 128 Hai Bà Trưng (phường Đa Kao, quận 1) có gần 100 hộ dân đang ở mức độ nguy hiểm cấp D. Thế nhưng, hiện chung cư chưa thể tháo dỡ do vướng mắc về phương án bồi thường đối với phần diện tích sử dụng chung. Tương tự, chung cư số 23 Lý Tự Trọng (quận 1) có hơn 80 hộ dân sinh sống cũng ở mức độ nguy hiểm cấp D. Chủ đầu tư đã tháo dỡ được một phần diện tích sàn nhưng cũng đang vướng mắc ở khâu nghĩa vụ tài chính đối với phần diện tích căn hộ và phần diện tích sử dụng chung. Nằm trong kế hoạch tháo dỡ và xây mới, chung cư Nguyễn Kim (quận 10) đang còn vướng mắc trong chính sách trả góp mua căn hộ tái định cư. Các hộ dân này hầu hết có hoàn cảnh khó khăn sở hữu căn hộ có nguồn gốc thuộc sở hữu nhà nước được mua trả góp thuộc lĩnh vực điều chỉnh, bổ sung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Ở không ít các chung cư cũ trên địa bàn TPHCM hiện nay cũng chưa đạt được thống nhất về mức bồi thường đối với nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, như tại chung cư 350 Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình); chung cư 289 Trần Hưng Đạo, chung cư 100 Cô Giang (quận 1); chung cư Soái Kình Lâm (quận 5);…Để đẩy nhanh tiến độ tháo dỡ các chung cư ở mức độ nguy hiểm cấp D, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TPHCM phê duyệt phương án bổ sung để chủ đầu tư bồi thường cho nhà nước theo quy định. Đối với nhóm chung cư không xây dựng lại nhà chung cư để bố trí tái định cư, cần cho phép bố trí tái định cư cho người dân tại các điểm khác nhau bằng nguồn vốn đầu tư công. Trong khi đó, vị trí khu đất của chung cư cũ được phép chuyển đổi chức năng quy hoạch, chức năng sử dụng đất phù hợp để tổ chức bán đấu giá theo quy định. Do chậm tháo dỡ, xây mới các chung cư cũ, cho đến nay TPHCM mới hoàn tất di dời đối với 6 chung cư cũ xây trước năm 1975 với hơn 330 hộ dân và hiện đang di dời tiếp 5 chung cư với trên 300/566 hộ dân thuộc diện di dời.
Ưu tiên chung cư cũ cấp D
Đại diện UBND TPHCM nhìn nhận, việc kéo dài thời gian triển khai tháo dỡ và xây mới chung cư cũ trên địa bàn đã để lại nhiều hệ lụy, nhất là những nguy hiểm trực chờ thường xuyên đối với các hộ dân chưa được tái định cư.
Về sự chậm trễ này, ông Lê Hòa Bình - Phó Chủ tịch UBND TPHCM đã yêu cầu Sở Xây dựng thành phố trong kế hoạch khởi công xây mới đối với các chung cư cũ trên địa bàn cần tập trung vào những phần việc cần làm ngay. Trong đó, năm 2022 cần tập trung vào các chung cư cũ cấp D ở quận 1 (3 chung cư); quận 4, 6 (4 chung cư) và 5 chung cư cũ tại quận Tân Bình. Đây hầu hết là các chung cư cũ đã bị ngưng trệ suốt một thời gian dài do nhiều vướng mắc về bồi thường, giải phóng mặt bằng, công tác hỗ trợ, bố trí tái định cư.
Theo ông Bình, hiện nay các quy định về xây dựng, cải tạo chung cư cũ đã thuận lợi hơn sau khi Nghị định 69/2021 ra đời. Đây là văn bản quan trọng tạo điều kiện thuận lợi hơn để giải quyết bồi thường, giải phóng mặt bằng và công nhận chủ đầu tư. Trong khi đó, mới đây TPHCM cũng kiến nghị Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung Nghị định 101 về cải tạo, xây dựng chung cư theo hướng nhà nước cho phép tháo dỡ chung cư cũ khi có 50% người dân đồng ý, thay vì 100% như quy định trước đây. Ngược lại, chủ sở hữu căn hộ khi bị cưỡng chế sẽ được bồi thường bằng tiền với mức giá trung bình của các chủ căn hộ đã chấp thuận.
Hiện UBND TPHCM cũng đang kiến nghị Bộ Xây dựng cho phép Nhà nước tham gia, hỗ trợ chủ đầu tư trong quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng như thu hồi đất, lập và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tạm cư, tái định cư và tổ chức cưỡng chế di dời, phá dỡ. Ngược lại, trách nhiệm của chủ đầu tư là phải thanh toán 50% tiền sử dụng đất của dự án xây dựng mới chung cư cũ (không được miễn phí như quy định hiện hành).