Bán 'cần câu cơm'
Hiện, có khá nhiều chủ tàu ở tỉnh Thanh Hóa đang rao bán tàu để trang trải nợ nần. Vì sao ngư dân phải bán “cần câu cơm” đi như vậy? Đơn giản là trong khi tàu cá phải nằm bờ do giá xăng dầu liên tục leo thang, nếu xuất bến sẽ không đủ bù lỗ, trong khi áp lực trả nợ ngân hàng vẫn thường trực hàng ngày, ngoài ra còn trăm khoản chi tiêu khác.
Nhiều chủ tàu cá than thở: Từ sau Tết Nguyên đán, giá dầu liên tục tăng cao chưa từng thấy, trong khi sản lượng đánh bắt hải sản giảm đi nhiều. Vì thế, nếu chủ tàu nào “gan dạ” cho tàu xuất bến sẽ nắm chắc phần thua lỗ sau chuyến ra khơi. Đánh bắt cá vốn là kế sinh nhai, nhưng cực chẳng đã, họ đành phải cho tàu cá nằm bờ để đỡ tốn công, mất sức… Việc ngư dân không cho tàu ra khơi vì sợ “tốn công, mất sức” nghe như một câu chuyện đùa, nhưng lại đang là thực tế diễn ra ở nhiều vùng biển trên cả nước chứ không riêng gì ở tỉnh Thanh Hóa. Chẳng ai dám đùa với “cơm, áo, gạo, tiền” nhưng khi biết chắc nắm phần thua lỗ trong tay, liệu có ngư dân nào dám mạo hiểm cho tàu ra khơi?
Giá xăng dầu đang cao ngất ngưởng, kèm theo chi phí cho nhân công, tiền ăn, sinh hoạt... cho 20 ngày đánh bắt cá là khoảng 200 triệu đồng. Nếu chuyến đi “được mùa cá” không nói làm gì, nếu gặp phải thất bát, ngư dân lấy gì để bù lỗ?
Có những chủ tàu hiện sở hữu tới 4 - 5 tàu cá, vậy nên càng “chịu khó” ra khơi bám biển sẽ càng thua lỗ nặng nề. Như vậy thử hỏi các chủ tàu cá có còn dám cho tàu xuất bến nữa không? Cho tàu ra khơi đánh bắt cá thì cầm chắc bù lỗ, “đắp chiếu” nằm bờ thì lấy gì trang trải các khoản chi phí, từ nợ ngân hàng đến các khoản chi tiêu thiết yếu hàng ngày?
Dù ít hay nhiều, hầu hết các chủ tàu đều đang nợ ngân hàng. Việc không thể vươn khơi đánh bắt cá được cũng có nghĩa họ đang ôm một món nợ và phải chịu lãi hàng ngày, lời không sinh ra, chỉ thấy lỗ và… lỗ. Thời gian tàu cá nằm bờ càng dài, “lãi mẹ đẻ lãi con” sẽ khiến không ít chủ tàu “méo mặt”. Không thể đánh cá, cũng không thể nằm bờ mãi, đây thực sự là bài toán nan giải của ngư dân.
Nếu như giá xăng dầu chỉ tăng có mức độ, trong một thời gian ngắn thì nhiều chủ tàu có thể cầm cự được. Nhưng càng ngày, giá xăng dầu càng leo thang và chưa có dấu hiệu dừng lại, trong khi thời gian nằm bờ cũng đã hơn tháng ròng, buộc lòng các chủ tàu phải tính toán lại. Cách mà họ cân nhắc còn gì khác hơn là bán tàu để trả nợ ngân hàng?
Có thể nói tàu cá chính là chiếc “cần câu cơm” của mỗi chủ tàu, phải bán đi ai mà không đau xót? Song, nếu không bán thì không có tiền để trả nợ vay ngân hàng, càng để lâu thì các chủ tàu càng khốn đốn. Vì thế, dù có không nỡ, dù có tiếc hay đau lòng thì các chủ tàu cũng đành bấm bụng rao bán những chiếc “cần câu cơm” của mình đi để trả nợ.
Song, một vấn đề về an sinh xã hội lại nảy sinh ở đây. Sau khi bán tàu trả nợ ngân hàng rồi thì các chủ tàu làm gì để sống, các ngư dân lâu nay vẫn theo họ bám biển sẽ lấy gì làm kế sinh nhai? Tất nhiên, các ngư dân sẽ phải tự nghĩ cách xoay sở để sinh tồn. Nếu may mắn họ sẽ phải làm những việc “trái tay”, tệ hơn là thất nghiệp.
Vậy nên, đây là lúc các chủ tàu nói riêng và ngư dân nói chung đang rất cần các cấp chính quyền, cơ quan đoàn thể, nhất là về phía các ngân hàng quan tâm, giúp đỡ để họ không phải dứt ruột bán đi chiếc “cần câu cơm” của mình. Theo đó, ngân hàng có thể xem xét cho khoanh nợ, giãn nợ hay bất cứ sự hỗ trợ nào, chỉ cần qua được thời điểm khó khăn trước mắt, chắc chắn khi hồi sinh, ngư dân sẽ trả được nợ cả gốc và lãi, và khi đó, sẽ góp phần thúc đẩy nền kinh tế phục hồi.