Đưa hàng Việt vào siêu thị

QUỐC ĐỊNH 08/03/2022 10:00

Sức mua tại các điểm bán hàng truyền thống đang giảm mạnh do giá hàng hóa tiêu dùng không ngừng “leo thang”. Điều này cũng khiến doanh nghiệp (DN) sản xuất rơi vào khó khăn. Trong tình cảnh này, việc liên kết chặt chẽ giữa DN và các nhà bán lẻ hiện đại là rất quan trọng nhằm đưa hàng Việt tiến sâu hơn vào siêu thị.

Có sự đồng hành của các siêu thị sẽ góp phần quan trọng giúp doanh nghiệp vượt khó. Ảnh: Quang Vinh

Khởi đầu nan…

Ông Hồ Văn Hòa - Giám đốc Công ty TNHH Hải Hòa cho biết, là DN chuyên sản xuất, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm từ hạt điều, kênh bán hàng của công ty ông thường thông qua các chuỗi siêu thị đang chiếm khoảng 85% tổng doanh thu. Khoảng 15% doanh thu còn lại, chủ yếu đến từ kênh bán hàng trực tuyến từ các sàn thương mại điện tử.

Theo ông Hòa, kênh thương mại điện tử đang có sự bổ trợ qua lại khá hiệu quả với kênh siêu thị. Trong khi đó, việc bán hàng qua các đại lý, tạp hoá, quán ăn, nhà hàng, khách sạn trong 2 năm qua bị chậm do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

“Dịch bệnh kéo dài khiến các quán ăn khó hoạt động, khi tới chào hàng thì họ cứ khất lần... Tâm lý của các đại lý, tạp hoá, nhà hàng, khách sạn trong lúc này chưa muốn lấy nhiều sản phẩm như trước đây”, ông Hòa nói.

Cũng theo vị giám đốc này, khó khăn lớn nhất hiện giờ của các DN khi nhắm vào thị trường tiêu thụ nội địa là đầu ra sản phẩm bị chậm lại. Trong khi đó, nếu hướng đến xuất khẩu thì chi phí logistics lại tăng quá cao, thời gian vận chuyển lâu. Cho nên, điều mong mỏi của công ty là cần sự bổ trợ nhiều hơn nữa thông qua kênh bán hàng tại hệ thống các siêu thị.

Ông Hòa chia sẻ, khi sản phẩm của mình đã vào được một siêu thị thì từ đó sẽ có những bài học cũng như đúc kết được các kinh nghiệm để tiếp tục đưa sản phẩm vào các chuỗi siêu thị khác. Đặc biệt, DN sẽ nắm được phương thức bán hàng trong siêu thị như thế nào đối với những sản phẩm mới tung ra thị trường.

Đại diện một hệ thống siêu thị ngoại tại Việt Nam, ông Nguyễn Ngô Anh Tuấn - Giám đốc thu mua ngành hàng thực phẩm của Lotte Mart Việt Nam cho biết, so với các DN vừa và nhỏ, các DN lớn có lợi thế là đã quá quen thuộc về hồ sơ, thủ tục để đưa hàng vào chuỗi siêu thị. Theo ông Tuấn, kênh phân phối ở Việt Nam hiện phân tầng khá rõ rệt ở kênh bán lẻ hiện đại với kênh truyền thống. Chính vì thế mà việc đưa sản phẩm vào 2 kênh này có mức độ chênh lệch rất lớn. Cụ thể hơn, việc DN đưa sản phẩm đến một vài cửa hàng tạp hoá là chuyện đơn giản, không đòi hỏi hồ sơ thủ tục gì, nhưng khi chào sản phẩm vào các chuỗi bán lẻ, hệ thống siêu thị thì nhiều DN vẫn còn khá bỡ ngỡ trước một số quy định liên quan đến quy chuẩn hàng hoá.

“Có vẻ như đây là rào cản ban đầu, nhưng nhìn về chiều sâu thì việc này giúp đảm bảo thương hiệu và đảm bảo chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng. Khi đưa được sản phẩm vào chuỗi bán lẻ của chúng tôi thì chắc chắn sản phẩm này đã được chứng nhận, đảm bảo về mặt chất lượng”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Ưu tiên hàng Việt chất lượng cao

Theo vị giám đốc thu mua ngành hàng thực phẩm của Lotte Mart, trong năm 2022, Lotte Mart Việt Nam có định hướng ưu tiên cho các sản phẩm hàng Việt, nhất là với các sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã phường một sản phẩm) của các DN và hợp tác xã. Đặc biệt là sẽ hợp tác mở rộng hơn nữa nhằm nâng tầm sản phẩm OCOP của các hợp tác xã, DN vừa và nhỏ, xem đây là biểu tượng cho sản phẩm Việt trong chuỗi siêu thị hiện đại.

Tuy vậy, trong bối cảnh giá xăng dầu và giá nguyên liệu đầu vào tăng cao như hiện nay, điều quan ngại khi thúc đẩy hàng Việt vào các chuỗi siêu thị chính là việc tăng giá sản phẩm, bởi nếu không tăng thì khó có thể trụ trước gánh nặng chi phí như logistics, chi phí nguyên, nhiên liệu đầu vào… Các chuyên gia thị trường nhận định, nếu kéo dài tình trạng nói trên, chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới giá cả và đầu ra của hàng Việt tại các kênh bán lẻ, siêu thị.

Trong bối cảnh “bão giá” như hiện nay, bà Nguyễn Thái Hằng - Giám đốc chuỗi siêu thị MarinaMart24 tại khu vực Đông Nam bộ, cho biết đã nhận được yêu cầu tăng giá từ phía nhà cung cấp hàng Việt. Và họ đã đàm phán, thương lượng với các nhà cung cấp nhằm cố gắng kiềm chế tối đa việc tăng giá sản phẩm. “Đứng ở góc độ của nhà bán lẻ, tức là mua và phân phối lại sản phẩm cho người tiêu dùng, chúng tôi lệ thuộc rất nhiều về đầu vào là nhà cung cấp. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đang cố gắng làm sao để kìm hãm tối đa việc tăng giá”, bà Hằng nói.

Ngay cả việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống còn 8% theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP, đại diện hầu hết các chuỗi siêu thị, khi áp dụng trong thời gian đầu khá khó khăn về mặt kỹ thuật khi hiệu chỉnh con số từ 10% xuống 8% trên cơ sở dữ liệu. Đơn cử như ở một chuỗi siêu thị có đến 40.000 sản phẩm, phải hiệu chỉnh toàn bộ con số này từ mức thuế VAT 10% xuống 8% còn liên quan đến tem nhãn, thay đổi bảng giá, thay đổi hệ thống… Không chỉ vậy, phía các siêu thị còn phải làm việc với nhà cung cấp đầu vào để họ có thể xác định là nhận được việc hiệu chỉnh thuế suất này.

Điều quan trọng, khi đối mặt thách thức từ việc tăng giá nguyên liệu đầu vào, cùng với những điều chỉnh về mặt thuế VAT, để hàng Việt dễ dàng đến tay người tiêu dùng ở kênh siêu thị với mức giá hợp lý thì việc hợp tác, kết nối chặt chẽ hơn nữa giữa các nhà bán lẻ hiện đại với các nhà cung cấp Việt là rất cần thiết.

QUỐC ĐỊNH