Quà 8-3: Trải lòng từ phái đẹp
Ngoài những bông hoa, lời chúc trong ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, phái đẹp còn mong cầu những món quà có giá trị về tinh thần. Trong thời buổi dịch bệnh, một nửa thế giới hi vọng có nhiều sức khỏe và nhận được sự thấu hiểu, cảm thông từ những người thân thương.
"Không mong gì hơn"
Để thể hiện sự tôn vinh phụ nữ, một nửa thế giới, ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 thường được tổ chức rất trang trọng, tràn ngập hoa và những lời chúc tốt đẹp. Đây cũng là ngày nam giới thể hiện sự chăm sóc, yêu thương với người phụ nữ mà họ yêu quý.
Không ai có thể phủ nhận vai trò và trách nhiệm to lớn của người phụ nữ thời hiện đại: Vừa tham gia lao động, sáng tạo, đóng góp sức lực của mình vào sự phát triển của đất nước và gia đình.
Họ cũng là người mang nặng đẻ đau ra những đứa con và góp phần quan trọng nhất nuôi dạy trẻ - những mầm non tương lai của đất nước. Người phụ nữ đã sắp xếp, tổ chức gia đình theo suy nghĩ, nhận thức và tính năng động của mình.
Bên cạnh đó, phụ nữ còn đóng vai trò trọng yếu trong việc điều hòa các mối quan hệ gia đình. So với phụ nữ, nam giới có nhiều điểm không thể sánh bằng. Bởi lẽ họ không có những đức tính như người phụ nữ.
Nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8-3, Báo Đại Đoàn Kết Online đã dành thời gian để lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của những người phụ nữ trong ngày lễ của chính mình.
Gần 10 năm lấy chồng, chị Vũ Yến Lợi (32 tuổi, Cầu Giấy) không nhận được bất kỳ món quà nào từ chồng. Chính vì vậy, vào ngày này chị thường tự đi mua một bó hoa tươi cắm trong phòng để chào đón ngày của chị em.
Năm nay, chị chỉ mong có hoa, có quà như những người phụ nữ khác. Chị quan niệm, nếu đàn ông không mang lại hạnh phúc cho mình thì phải tự mình đem lại hạnh phúc cho mình. “Phụ nữ là để yêu thương”, chị nhấn mạnh.
“Gần 10 năm rồi, chưa được nhận một món quà nào từ chồng. Nhiều khi nghĩ cũng thấy tủi thân. Mà mình cũng chẳng đòi hỏi gì cao xa, chỉ cần chồng thể hiện sự quan tâm bằng một bó hoa, một hành động hay một cái ôm, một cái hôn với mình là đã cảm thấy ấm áp và hạnh phúc”, chị Yến Lợi thỏ thẻ.
Trái với chị Lợi, bà Phạm Thị Kỳ (55 tuổi, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chỉ mong cầu những món quá có giá trị về tinh thần. Ở tuổi ngũ tuần điều bà mong nhất đấy chính là được nhìn thấy các con của mình trưởng thành mỗi ngày. Với bà, ngày 8-3 không quan trọng là phải tặng quà hay mua cho phụ nữ những đồ dùng nặng về vật chất, chỉ cần thể hiện lòng yêu thương, giúp đỡ và trân trọng đối với phụ nữ là bà đã đủ mãn nguyện.
“Tính tôi thì xót tiền, ở tuổi này, tôi không còn mong cầu sự lãng mạn cho bản thân mình. Tôi chỉ mong rằng, các con tôi trưởng thành và có thể gánh vác việc gia đình. Trong tình hình dịch bệnh, kinh tế khó khăn có lẽ với nhiều người có quà hay không không còn quan trọng”, bà Kỳ chia sẻ.
Dẫu biết rằng, trong xã hội ngày nay người phụ nữ chưa bình đẳng hoàn toàn so với nam giới do khác biệt cơ thể và nhiệm vụ truyền giống. Họ vẫn phải chịu nhiều sự bất công, cam chịu trong chính cuộc đời của mình.
Điều này xuất phát không chỉ từ chính công việc nội trợ hằng ngày hay chuyện làm vợ, làm mẹ mà còn từ những quan niệm cổ hủ đã hằn sâu trong tâm thức người Việt, đặc biệt là quan niệm trọng nam kinh nữ, thập nam viết hữu thập nữ viết vô (một nam kể như có, mười nữ cũng như không).
Trong ngày lễ tôn vinh chính mình, những người phụ nữ, người bà, người mẹ cũng chỉ mong cầu sự bình yên cho gia đình, cho những người thân thương”. Đau đáu nỗi niềm không của riêng ai, chị Thái Thị Liên (35 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) trải lòng, thời buổi dịch bệnh khó khăn, điều mà bản thân mình mong mỏi nhất là gia đình có thật nhiều sức khỏe, vững tâm vượt qua giai đoạn khủng hoảng đầy chông gai, thử thách.
“Hai năm trở lại đây, tôi đã mất đi quá nhiều người thân chỉ vì dịch bệnh, chính vì vậy trong ngày lễ của chính mình, tôi chỉ mong gia đình có thật nhiều sức khỏe, bình tâm vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống. Về phần mình, tôi cũng không dám mong gì hơn"...
Nhắn gửi yêu thương
Nhằm tri ân và thể hiện tình yêu với một nửa thế giới, những ngày này, phái mạnh luôn biết cách chiều lòng chị em bằng những bó hoa và cả những món quà. Vào dịp này, các công ty, doanh nghiệp cũng đẩy mạnh công tác chăm lo, đảm bảo quyền lợi cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ, nhiều doanh nghiệp đã phối hợp với tổ chức Công đoàn tổ chức các hoạt động thiết thực, ý nghĩa như mua quà, tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao để chào mừng các ngày lễ 8/3.
Trong ngày của chị em, các ông chồng thường thể hiện tình cảm bằng cách về sớm, có thể chuẩn bị một món quà nhỏ hoặc hoa để cho vợ mình bất ngờ. Cũng giống như bao người khác, ngày này, anh Trần Trung Liên (45 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) tự tay vào bếp nấu ăn, làm hết công việc nhà.
"Cả năm mới có một ngày lễ dành cho phụ nữ, hôm nay tôi sẽ sắp xếp thời gian, tranh thủ về nhà sớm với vợ và con gái. Là người đàn ông duy nhất nên hôm nay tôi sẽ thay họ làm việc nhà. Tôi chỉ mong những người phụ nữ xung quanh mình luôn vui vẻ, hạnh phúc trong ngày lễ của chính mình”.
Bên cạnh những bó hoa tươi thắm, nhiều ông chồng còn tự tay làm đồ handmade cho những người phụ nữ thân yêu. Với họ, trong 365 ngày của một năm, phụ nữ có riêng một ngày để được xã hội quan tâm và bù đắp những thiệt thòi, vất vả trong cuộc sống. Họ luôn âm thầm hy sinh và chịu đựng để xây dựng hạnh phúc gia đình. Vì vậy, họ xứng đáng nhận được sự tôn trọng và quan tâm hơn nữa từ một nửa kia còn lại của thế giới, chia sẻ với họ những khó khăn trong công việc và gia đình.
Không ai có thể phủ nhận vai trò và trách nhiệm to lớn của người phụ nữ thời hiện đại: Họ vừa là người nội trợ, vừa tham gia lao động xã hội, đóng góp sức lực của mình vào sự phát triển của đất nước, không những thế họ còn giữ một thiên chức cao cả là một người mẹ, mang nặng đẻ đau ra những đứa con và nuôi dạy chúng thành người. Phụ nữ ngày nay đang dần khẳng định mình là phái đẹp chứ không còn là phái yếu như trước kia.