Giảm thuế môi trường để kìm giá xăng
Mới đây, Bộ Tài chính dự kiến đề xuất điều chỉnh giảm mức thuế Bảo vệ môi trường từ 500 – 1.000 đồng/lít/kg đối với 6 loại hàng về xăng, dầu, mỡ nhờn. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, giá xăng tăng ngoài sức chịu đựng của doanh nghiệp, vì vậy, để hạ nhiệt giá xăng nên tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường ở mức 2.000 đồng/lít.
Khẩn trương giảm thuế môi trường cho xăng dầu
Giá xăng được dự báo còn tăng khi xung đột giữa Nga và Ukraine chưa kết thúc. Trong bối cảnh quỹ bình ổn giá xăng dầu hạn hẹp, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, đề xuất giảm Thuế Bảo vệ môi trường (BVMT) mặt hàng xăng dầu nhằm kiềm chế đà tăng giá của xăng dầu được đánh giá là quan trọng và đặc biệt cần thiết. Bởi giá nguyên nhiên liệu sản xuất ổn định rất quan trọng đối với hoạt động kinh doanh, góp phần tích cực trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng sau đại dịch.
Văn bản đóng góp ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức Thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022 đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến các bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đặt vấn đề, việc giảm Thuế BVMT cần cân nhắc tiến hành mạnh mẽ hơn.
Bởi lẽ, giá bán lẻ xăng dầu đã đạt mức cao kỷ lục từ trước đến nay và dự báo tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Trong bối cảnh đó, trợ lực giảm thuế phí từ Nhà nước rất quan trọng khi mà “sức khỏe” của doanh nghiệp (DN) và cả nền kinh tế trong giai đoạn này đang cần hồi phục sau tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19. Mặt khác, khi giá dầu thế giới tăng, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ giá xuất khẩu dầu thô và tình hình thu ngân sách 2 tháng đầu năm 2022 rất khả quan.
Từ phân tích trên, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc trình thêm một phương án nữa có mức giảm mạnh hơn, chẳng hạn áp dụng mức giảm 2.000 đồng/lít với xăng; 1.000 đồng/lít với dầu, mỡ nhờn. Thời hạn giảm có thể ngắn hơn, chẳng hạn 3-6 tháng nếu giá xăng dầu ổn định trở lại thay vì áp dụng một mức cố định trong cả 8 tháng, đến hết năm 2022.
Theo quy định hiện nay, mức thuế BVMT đối với xăng (trừ etanol) là 4.000 đồng/lít (mức trần trong khung thuế); dầu diesel là 2.000 đồng/lít (mức trần trong khung thuế); dầu hỏa là 1.000 đồng/lít (mức trần trong khung thuế là 2.000 đồng/lít); dầu mazut là 2.000 đồng/lít (mức trần trong khung thuế); dầu nhờn là 2.000 đồng/lít (mức trần trong khung thuế) và mỡ nhờn là 2.000 đồng/lít (mức trần trong khung thuế).
Thuế BVMT là loại thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường nên chi phí Thuế BVMT sẽ được chuyển vào giá thành sản phẩm, hàng hóa thuộc đối tượng chịu Thuế BVMT và người tiêu dùng là người cuối cùng chịu Thuế BVMT.
Thời gian qua, giá xăng tăng liên tiếp và tiến sát ngưỡng 27.000 đồng/lít - mức kỷ lục trong 8 năm trở lại đây.
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc kinh doanh Công ty Vận tải quốc tế cho hay, áp lực giá dầu tăng liên tục đang “đè” nặng lên các DN kinh doanh vận tải. So với giữa tháng 12 năm ngoái, mỗi lít dầu diesel đã đội lên thêm gần 4.000 đồng một lít. Tính ra mỗi chuyến hàng chạy tuyến Bắc - Nam, công ty phải “gánh” thêm 2 triệu đồng tiền nhiên liệu (dầu). “Giảm Thuế BVMT chỉ với 500 đồng, tức mỗi lít dầu giảm 500 đồng thì không giải quyết được gì”, ông Hùng nói. Vị này cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, các DN, nhất là nhóm ngành vận tải, đang cần sự hỗ trợ để hồi phục sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi Covid. “Nếu giảm thuế để hạ giá nhiên liệu, hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn khó khăn lúc này để hồi phục, nên giảm ít nhất 1.000 đồng với mỗi lít dầu, 2.000 đồng với xăng”, ông Hùng nêu quan điểm.
Còn ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho biết, chi phí nhiên liệu hiện chiếm tỷ lệ lớn, khoảng 40-45% trong cơ cấu giá thành vận tải. Để cân đối thu chi khi giá nguyên liệu tăng mạnh như hiện tại, DN sẽ tính tới tăng giá cước. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến các chỉ số khác, như tiêu dùng, cước vận tải… làm chậm sự phục hồi của nền kinh tế và nhu cầu đi lại người dân.
Hiện nay, Thuế BVMT thu qua xăng dầu đang khá lớn, từ 3.800 - 4.000 đồng/lít, ông Quyền cho rằng phải giảm mạnh thuế này để hỗ trợ DN và người dân.
Giảm thế nào thì hợp lý?
Trên thực tế, để ngăn chặn hành vi lợi dụng thị trường thu lời bất chính, các bộ ngành đã có nhiều giải pháp về giảm thuế, tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường trong nước.
Một chuyên gia trong lĩnh vực xăng dầu cho rằng, giảm thuế BVMT ở mức nào từ 0 đồng – 1.000 đồng/ lít – 2.000 đồng/ lít, thậm chí 4.000 đồng/ lít sẽ được đánh giá là cao hay thấp tùy thuộc vào góc nhìn mỗi đối tượng. Với DN kinh doanh xăng dầu, nếu không giảm thuế càng tốt, vì có thể tăng giá bán lẻ, như vậy DN có lãi hơn trong khi người dân mong muốn phải giảm tối đa mức thuế là 4.000 đồng / lít với mặt hàng xăng và 2.000 đồng/ lít với dầu DO.
Tương tự, cơ quan quản lý cũng không muốn giảm thuế vì giảm thuế sẽ thất thu ngân sách trong khi với nền kinh tế thì việc giảm thuế sẽ giảm chi phí đầu vào cho sản xuất kinh doanh. “Do vậy để cân bằng lợi ích các bên, mức giảm Thuế BVMT đối với xăng dầu được đề nghị 2.000 đồng/ lít là khá hợp lý” – vị chuyên gia này phân tích.
Tuy nhiên đứng ở góc độ chuyên gia, vị này bày tỏ mong muốn, trong điều kiện giá xăng dầu không biến động cao, Thuế BVMT xăng dầu thu ở mức cao, như vậy mới khuyến khích được DN và người dân sử dụng tiết kiệm. Song quan trọng hơn hết, cơ quan quản lý phải minh bạch được cách sử dụng nguồn thu từ thuế này.
Còn PGS.TS Trần Hoàng Ngân - chuyên gia kinh tế bình luận, Thuế BVMT đối với xăng dầu đang ở mức tương đối cao và nặng nhất trong các loại thuế, phí. Nếu giảm được thuế này thì sẽ kìm được giá xăng, góp phần kiểm soát và ổn định được lạm phát. Hiện nay mức Thuế BVMT là 4.000 đồng/lít xăng, đây là mức thuế cao đối với mặt hàng thiết yếu. Theo tôi, Chính phủ cần xem xét giảm tối đa đối với mức thuế này. Và giảm cho tới khi tình hình xung đột giữa Nga - Ukraine và nguồn cung dầu hỏa của OPEC được cải thiện, khi giá dầu thế giới ổn định thì có thể xem xét điều chỉnh tăng trở lại mức Thuế BVMT đối với xăng dầu trong nước.
Ông Ngân cũng nêu quan điểm, chắc chắn Quốc hội sẽ xem xét, đánh giá kỹ lưỡng về những tác động của chính sách này. Bởi trong gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã có chính sách giảm thuế tới 64.000 tỷ đồng. Đây cũng sẽ là bài toán khó đối với Liên Bộ Tài chính - Công thương bởi phải tính toán, đặt lên bàn cân để sao cho vừa đảm bảo được chính sách tài khóa, vừa đảm bảo được bình ổn thị trường xăng dầu.
Khi giá xăng dầu tăng cao đã khiến cho lạm phát dần hiện hữu. Giá xăng dầu tăng làm tăng chi phí nhập khẩu xăng dầu, qua đó làm tăng nhập siêu, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam nhập khẩu lớn xăng dầu từ năm 2015 đến nay. Theo Tổng cục Hải quan, tổng giá trị nhập khẩu xăng dầu năm 2021 của Việt Nam là 9,4 tỷ USD, tăng 2,7 tỷ USD so với năm 2020; dẫn đến thâm hụt 6,3 tỷ USD. Việc giá xăng dầu tăng lên trong năm 2022 sẽ khiến giá trị nhập siêu xăng dầu tăng.
Đối với kịch bản giá dầu năm 2022 trung bình tăng 30% so với năm 2021 cùng dự báo nhu cầu xăng dầu tăng khoảng 10% do các hoạt động kinh tế - xã hội được phục hồi khi đó ước tính nhập siêu xăng dầu sẽ thâm hụt khoảng 9 tỷ USD (trong đó: giá trị xuất khẩu dầu thô và xăng dầu ước đạt 4,4 tỷ USD, giá trị nhập khẩu ước đạt 13,4 tỷ USD). Bên cạnh đó khi giá xăng dầu tăng tác động tiêu cực đối với tiêu dùng của người dân và hoạt động của DN.
Ở góc độ quản lý, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp để tổng hợp và báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ đó có quyết định cuối cùng chính xác và hiệu quả nhất.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long: Trước mắt nên áp dụng mức giảm theo đề xuất
Đà tăng giá xăng dầu đang gây áp lực lớn lên nỗ lực khôi phục sản xuất, kinh doanh của DN và đời sống của người dân, ảnh hưởng đến tỷ lệ lạm phát và tăng trưởng nên đành phải tính toán chấp nhận giảm thu ngân sách để giảm giá loại nhiên liệu đầu vào trọng yếu này. Nếu mức giảm phù hợp, DN khôi phục sản xuất kinh doanh thì có thể đóng góp tích cực cho ngân sách nhà nước.
Giá xăng dầu tăng có thời kỳ, không thể kéo dài mãi. Do đó, trước mắt áp dụng mức giảm theo đề xuất đến hết năm 2022, sau đó có thể xem xét để điều chỉnh nếu cần thiết. Bản thân là người tiêu dùng, hay DN chắc chắn mong thuế bảo vệ môi trường giảm kịch sàn từ 4.000 đồng/lít về 0 đồng.
TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV: Cân nhắc để đưa ra mức phù hợp
Từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng đã tăng 6 lần, với mức tăng hơn khoảng 12%. Do giá xăng dầu tăng, người dân phải chi tiêu nhiều hơn cho sinh hoạt hàng ngày (nhất là giao thông).
Đồng thời, việc giá xăng dầu tăng cũng là áp lực khiến các mặt hàng tiêu dùng tăng giá theo gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Chi tiêu cho xăng dầu chiếm 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình.
Khi giá xăng dầu tăng cao, hộ gia đình sẽ cơ cấu lại và cắt giảm một phần chi tiêu, điều này sẽ làm giảm tổng cầu của nền kinh tế.
Cơ quan chức năng cần phân tích những yếu tố về cơ sở giá, thuế và phí xăng dầu để đề xuất điều chỉnh phù hợp; đồng thời, rà soát, đánh giá và phối hợp nhịp nhàng để sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu sát thị trường, hiệu quả hơn nữa, nhất là về tần suất, thời điểm và mức độ bình ổn một cách linh hoạt, phù hợp.
T.Hằng(ghi)