Kéo giảm giá xăng dầu
Theo đà tăng của giá dầu thô thế giới, giá xăng dầu trong nước cũng leo thang cho thấy nhiều khả năng vẫn không dừng lại. Trong khi đó nhu cầu là phải gấp rút kéo giá xăng dầu xuống để tránh việc giá cả các mặt hàng “té nước theo mưa”, ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực cuộc sống.
Hiện giá xăng được điều chỉnh 10 ngày/lần theo diễn biến giá dầu thô trên thị trường thế giới. Đó cũng đã là một nỗ lực cần được ghi nhận của ngành Công thương so với trước, tuy nhiên có vẻ như vậy vẫn là chưa đủ vì giá dầu thô thế giới đang biến động từng ngày. Vậy, trong bối cảnh đó có cần rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xuống còn 2 ngày/lần? Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ mới đây, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong trường hợp xăng dầu có biến động bất thường ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân thì Bộ Công thương và Bộ Tài chính sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. Nếu giá xăng tăng mạnh sẽ điều chỉnh 2 ngày 1 lần và báo cáo Chính phủ để xin ý kiến.
Được biết, hiện nguồn cung sản xuất trong nước đáp ứng được từ 70% đến 75%, chủ yếu từ hai Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (chiếm 35% đến 40%), và nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn (khoảng 35%). Tuy nhiên, từ đầu tháng 1/2022, nhà máy Nghi Sơn đã phải giảm công suất, hiện nay chỉ còn 55% đến 60% công suất thực hiện. Do đó, cùng với giá dầu thô thế giới tăng cao và việc thiếu nguồn cung trong nước nên giá xăng dầu trong nước bị đẩy lên.
Đáng chú ý, theo ông Nguyễn Trọng Điều - Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, khi giá dầu thế giới tăng mạnh, giá xăng dầu trong nước cũng sẽ chịu tác động lớn vì xăng dầu của Việt Nam còn phải “cõng” các khoản thuế, phí, khiến giá càng bị đội lên cao. Nếu tính mức giá xăng RON 95 ở mức 25.322 đồng/lít thì tính chung các khoản thuế, phí đã lên tới hơn 11.000 đồng/lít, chiếm hơn 40%.
Trên thế giới, giá dầu thô tiếp tục tăng. Tính tới ngày 8/3, giá dầu thô (bình quân các loại) đã ở mức 123 USD/thùng; trong khi giá 2 năm trước ở mức 40 USD/thùng. Tình hình căng thẳng giữa Nga - Ukraine, các nước APEC và APEC+ không tăng mức khai thác như dự kiến, cộng với nhu cầu nhiên liệu của thế giới tăng cao khi hầu hết các nền kinh tế đã và đang bước vào giai đoạn tăng tốc phục hồi, phát triển bất chấp đại dịch Covid-19 nên nhiều ý kiến cho rằng giá dầu thô còn tiếp tục tăng. Tại thời điểm này, giá dầu đã vượt mốc giá kỷ lục trong vòng 14 năm nhưng nó vẫn được dự báo còn tiếp tục leo thang: có thể lên tới 150 USD/thùng chỉ trong khoảng một thời gian ngắn tới đây.
Trong tình thế ấy, làm gì để kéo giảm giá xăng dầu trong nước xuống?
Đó là câu hỏi khó đối với cơ quan quản lý nhà nước. Mới đây, góp ý kiến vào dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức Thuế Bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đang được Bộ Tài chính gửi đi lấy ý kiến các bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, có thể tính thêm phương án giảm thuế 2.000 đồng/lít xăng, 1.000 đồng/lít với dầu, mỡ nhờ thay vì đề xuất giảm 1.000 đồng/lít với xăng và 500 đồng/lít, kg với dầu, mỡ nhờn từ 1/4 tới hết năm 2022.
Đây là ý kiến rất đáng chú ý vì giá xăng dầu liên tục tăng và neo cao như hiện nay, ảnh hưởng nhiều tới các mặt hoạt động kinh tế - xã hội, thì việc giảm các loại thuế (không chỉ Thuế Bảo vệ môi trường, mà còn là cả thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt) sẽ tác động “tức thì” tới giá xăng, dầu. Khi đó, chắc chắn giá xăng, dầu trong nước sẽ đi xuống (trong trường hợp giá dầu thô thế giới dừng lại) hoặc sẽ không tiếp tục leo thang mạnh (trong trường hợp giá dầu thô thế giới tiếp tục lên cao).
Xăng dầu là mặt hàng chiến lược thiết yếu, khi giá lên cao sẽ kéo theo giá cả nhiều mặt hàng lên, tăng lạm phát đồng thời sẽ hạn chế nhiều hoạt động. Vì thế, ổn định và kéo giảm giá xăng dầu bằng cách giảm mức thuế các loại được cho là giải pháp cần thiết trong bối cảnh hiện nay.