Thời điểm thích hợp, sẽ coi Covid-19 là bệnh lưu hành

Đức Trân 09/03/2022 13:14

Theo đánh giá từ Bộ Y tế, dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển tiếp từ đại dịch sang bệnh lưu hành. Theo đó, ở thời điểm thích hợp, có thể coi Covid-19 là bệnh lưu hành (bệnh đặc hữu).

Cán bộ y tế cấp phát thuốc điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Ảnh: Tiến Thành.

4 tiêu chí để coi Covid-19 là “bệnh đặc hữu”

Cụ thể, Bộ Y tế cho biết để đại dịch Covid-19 được coi là bệnh lưu hành cần đáp ứng được 4 tiêu chí: Tồn tại thường xuyên tác nhân gây bệnh; tồn tại quần thể cảm nhiệm và ổ chứa tác nhân gây bệnh; dịch bệnh xảy ra ở một nhóm hoặc quần thể dân số trên địa bàn nhất định; tỷ lệ mắc bệnh ổn định và dự báo được.

Đến nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn coi Covid-19 trong tình trạng đại dịch và lo ngại tiếp tục có các biến thể không lường trước được của virus. Nhiều nước vẫn có diễn biến dịch bệnh phức tạp, cần tiếp tục duy trì các hoạt động đáp ứng với đại dịch ở mức cao.

Tại Việt Nam, tỷ lệ bệnh nặng, tử vong đã giảm nhiều so với giai đoạn trước, nhưng số tử vong ghi nhận hàng ngày vẫn ở mức cao trên dưới 100 ca/ngày. Số người tử vong do Covid-19 hàng ngày cao hơn cả số tử vong cao điểm hàng năm do bệnh dại hoặc sốt xuất huyết, sởi.

Rõ ràng nhận thấy, tỷ lệ mắc Covid-19 chưa ổn định và có sự khác biệt rất lớn giữa các địa phương. Số ca tử vong theo ngày vẫn còn rất cao so với những bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong hàng đầu trước đây. Bên cạnh đó, virus liên tục biến đổi và ghi nhận các biến thể mới như Alpha, Delta, Omicron; trong các biến thể cũng liên tục xuất hiện biến thể phụ có thể né miễn dịch, gây tái nhiễm; do đó tỷ lệ mắc tại các quần thể cảm nhiễm là rất khó xác định và chưa có tính ổn định.

Bởi vậy, Bộ Y tế cho biết, sau khi trao đổi với các chuyên gia trong nước, chuyên gia của WHO, Trung tâm Dự phòng và kiểm soát bệnh tật Mỹ về vấn đề này, Bộ Y tế cho rằng thời gian này, Việt Nam chưa nên coi dịch Covid-19 là “bệnh lưu hành”. Bộ tiếp tục phối hợp với WHO và các tổ chức quốc tế, quốc gia khác theo dõi tình hình, cập nhật sự biến đổi của virus để tham mưu Thủ tướng quyết định coi Covid-19 là bệnh lưu hành vào thời điểm thích hợp.

Tỷ lệ người có kháng thể chủ động là cao

Trao đổi cùng PV Báo Đại Đoàn Kết, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam nhận định, muốn đưa Covid-19 là bệnh lưu hành hàng năm thì phải ổn định về số ca mắc, nhưng ca mắc mới hiện vẫn bùng lên và rất thất thường, khó đoán.

“Nếu so sánh với các nước Tây Âu có quan điểm coi Covid-19 như bệnh đặc hữu sẽ thấy, dù Việt Nam tỷ lệ tiêm chủng tốt nhưng vẫn chưa cao bằng họ. Hơn nữa, các quốc gia này ngoài việc tiêm chủng, họ đã trải qua 3-4 đợt dịch Covid-19 lớn, như vậy tỷ lệ dân số mắc cũng đã rất cao. Trong khi ở Việt Nam tỷ lệ này còn thấp, nghĩa là miễn dịch cộng đồng chưa cao.

Ngoài ra, ở các quốc gia Tây Âu, chủng Omicron đã xuất hiện, bùng phát một thời gian và hiện đang theo chiều hướng đi xuống, còn Việt Nam chưa đạt được điều đó. Số ca mắc mới, theo nhận định, sẽ tiếp tục tăng trong 1-2 tuần nữa” - ông Phu lý giải.

Trước đó, không ít ý kiến của các chuyên gia y tế cho rằng đã đến lúc cần xem Covid-19 như bệnh lưu hành. Trả lời PV Báo Đại Đoàn Kết, BS Đỗ Quốc Phong - Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực nội khoa & chống độc, Bệnh viện E nêu quan điểm: Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam đang thực hiện chiến lược chung sống an toàn với Covid-19 chứ không còn là “Zero Covid” như trước đây. Việc vẫn tiếp tục đưa Covid-19 vào danh sách các bệnh lây nhiễm nhóm A là rất tốn kém về nguồn kinh phí phòng, chống dịch, tốn kém cả về nhân lực y tế.

Tôi cho rằng cần có những thay đổi phù hợp khi càng ngày chúng ta càng hiểu rõ hơn về SARS-CoV-2 và thực tế, những thay đổi đó đang diễn ra. Đơn cử, trước đây, quy định đối với nhân viên y tế điều trị và chăm sóc bệnh nhân Covid-19 là cách ly 14 ngày sau khi hết giai đoạn điều trị bệnh nhân sau đó giảm xuống còn cách ly 7 ngày, đến hiện nay thì chỉ cần nhân viên y tế mang đồ bảo hộ đầy đủ, đạt chuẩn thì sau khi chăm sóc bệnh nhân và thực hiện đúng quy trình vệ sinh thì có thể về nhà bình thường.

Ngoài ra, cũng cần khẳng định là SARS-CoV-2 sẽ không tự nhiên biến mất mà nó còn tồn tại trên trái đất này trong thời gian rất dài nữa. Chúng ta cần những bước chuẩn bị để đặt nó trong tầm kiểm soát. Coi Covid-19 như một bệnh lý chuyên khoa là một trong những giải pháp đó, các bệnh viện có thể thành lập các khoa điều trị riêng về Covid-19, cũng giống như một khoa điều trị bệnh lây nhiễm bình thường như trước đến nay đã tồn tại trong mỗi bệnh viện. Khi đó, Covid-19 sẽ là một căn bệnh dễ lây qua đường hô hấp, và có triệu chứng của cúm”.

GS.TS Nguyễn Anh Trí - Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội Huyết học - truyền máu Việt Nam cho rằng: Covid-19 đang lan nhanh và rộng, nhất là Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc. Nhưng theo dự đoán của tôi, đây sẽ là đợt bùng phát mạnh cuối cùng. Cơ sở là tỷ lệ tiêm chủng vaccine ở Việt Nam là cao, tức tỷ lệ người có kháng thể chủ động là cao; virus SARS-CoV-2 lan càng nhanh, nhiều người nhiễm thì số người có kháng thể tự nhiên sẽ càng đông. Điều đó sẽ thúc đẩy để dịch Covid-19 ở Việt Nam sẽ sớm trở thành một bệnh đặc hữu.

Đức Trân