Cần tăng quyền cho Ban Thanh tra nhân dân

H.Vũ 09/03/2022 13:16

Sau nhiều lần kiến nghị của Mặt trận, dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã chính thức được xây dựng. Tại phiên họp lần thứ 9 (dự kiến từ ngày 10 đến 25/3), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ lần đầu tiên cho ý kiến về dự thảo luật này trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3.

Theo đánh giá của Bộ Nội vụ- cơ quan soạn thảo luật, qua thực tiễn triển khai trong thời gian qua và yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ mới cho thấy các quy định về dân chủ ở cơ sở đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần nghiên cứu xây dựng và ban hành luật. Vì thế mục tiêu xây dựng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.

Việc xây dựng luật, theo khẳng định của cơ quan soạn thảo cũng là nhằm tiếp tục khẳng định bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, nhân dân là người chủ của đất nước. Đồng thời xây dựng cơ sở pháp lý và cơ chế để nhân dân thực hiện quyền làm chủ đã được Hiến pháp năm 2013 quy định. Bên cạnh đó, giải quyết những hạn chế, bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20/4/2007 về việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, Nghị định số 04/2015/NĐ-CP về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 145/2020/NĐ-CP về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở lần này quy định chung về thực hiện dân chủ ở cơ sở; nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, trong nội bộ cơ quan nhà nước, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị-xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập (trừ một số cơ quan, tổ chức đặc thù); trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân.

Hiện nay, trong nhiều quy định thì chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân đang là vấn đề quan tâm, cần được đặt ra trong luật này. Bởi theo quy định của pháp luật hiện nay, Ban Thanh tra nhân dân có nhiệm vụ Giám sát cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm ở xã, phường, thị trấn trong việc thực hiện chính sách, pháp luật; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở theo quy định tại Điều 13 Nghị định 159/2016/NĐ-CP.

Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì kiến nghị người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật và giám sát việc thực hiện kiến nghị đó. Đặc biệt, Ban Thanh tra nhân dân có quyền kiến nghị Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn xử lý vi phạm theo thẩm quyền và khắc phục sơ hở, thiếu sót được phát hiện qua hoạt động giám sát, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan tổ chức, đơn vị.

Theo bà Bùi Thị An- Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Hà Nội, điều quan trọng là quá trình tổ chức thực hiện. Bà An phân tích: “Chúng ta giao trách nhiệm cho Ban Thanh tra nhân dân rất lớn nhưng thực tế có bất cập là Ban Thanh tra nhân dân rất ít quyền. Cho nên luật lần này phải có những quy định để giám sát đối với cấp chính quyền cơ sở trong thực hiện kiến nghị của Ban Thanh tra nhân dân như thế nào. Dân được góp ý kiến, nhưng người đứng đầu là Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn thực hiện việc góp ý của Ban Thanh tra nhân dân ra sao. Nếu Ban này không thực hiện tốt quyền mà mình được giao thì coi như quyền của người dân ở cơ sở lại không được thể hiện, không có quyền lực”.

Từ đó bà An kiến nghị: Khi Ban Thanh tra nhân dân phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật và kiến nghị tới Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn thì người đứng đầu cấp cơ sở phải trả lời ý kiến kiến nghị của Ban Thanh tra nhân dân trong một thời gian nhất định. Vì ý kiến của Ban Thanh tra nhân dân chính là ý kiến của dân. Nếu không “phản hồi” thì Ban được quyền báo cáo vượt cấp, đề nghị xử lý trách nhiệm người đứng đầu.

“Phải pháp lý hóa vai trò của dân chứ không thể quy định chung chung. Nếu không sẽ “đánh bùn sang ao”. Bây giờ chúng ta đang tiến tới Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Cho nên phải quy định trong thời hạn từ 5-7 ngày chính quyền xã, phường, phải trả lời cho dân thông qua kiến nghị của Ban Thanh tra nhân dân. Những việc dân phản ánh ở cơ sở nếu được trả lời sớm sẽ bớt sự chờ đợi, ấm ức của nhân dân. Và qua đó sẽ tạo được sự đồng thuận của dân ở cấp cơ sở cao hơn”- bà An nói.

Đại biểu Quốc hội Cầm Hà Chung (đoàn Phú Thọ), Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ cũng cho rằng, Ban Thanh tra nhân dân quyền “rất to” nhưng làm sao trong quá trình tổ chức thực hiện để họ làm được quyền đó mới là vấn đề quan trọng. Do đó cần cơ chế để Ban Thanh tra nhân dân tổ chức thực hiện quyền của mình. Đây là vấn đề luật cần xem xét, cân nhắc kỹ. “Giao nhiều việc thì phải có những quy định mang tính điều kiện, cơ chế ràng buộc. Chứ giao lắm quyền nhưng không thực hiện được thì sẽ trở thành hình thức”- ông Chung bày tỏ.

H.Vũ