Hơn 10 năm ‘kêu’ đất tái định cư

Điền Bắc 09/03/2022 13:10

Trong đơn kiến nghị, 6 hộ dân thuộc làng chài Tân Lam, xã Nam Lộc (nay xóm Lục Tiến, xã Thượng Tân Lộc), huyện Nam Đàn (Nghệ An) đề nghị chính quyền cấp đất ở tái định cư, nơi mà lẽ ra họ đã được hưởng hơn 10 năm trước.

Bởi cũng giống như hơn 54 hộ đã “lên bờ”, bản thân gia đình họ cũng thuộc diện được hưởng tái định cư tại dự án tái định cư làng chài Tân Lam ở xã Nam Lộc được Chính phủ đã phê duyệt và triển khai từ năm 2007.

Khu tái định cư làng chài Tân Lam, xã Thượng Tân Lộc vẫn còn nhiều lô đất bỏ trống.

Làng chài… không được “lên bờ”

Theo đó, khu tái định cư cho làng chài Tân Lam có tổng diện tích 5 ha với số vốn đầu tư là 7 tỷ đồng. Trong quy hoạch, dự án được xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh như: hệ thống điện nước, đường giao thông, nhà văn hóa cộng đồng… Việc phê duyệt dự án này nhằm tái định cư cho hơn 60 hộ dân thuộc xã Nam Lộc có cuộc sống quanh năm lênh đênh sông nước. Nhưng tính đến năm 2021, tại khu tái định cư (TĐC) này đã có 54 hộ được cấp đất ở và làm nhà sinh sống.

Đến nay vẫn còn 6 hộ chưa được bố trí TĐC, khiến nhiều gia đình bức xúc. Ông Nguyễn Văn Thọ (65 tuổi) cư dân làng chài Tân Lam cho biết: Năm 2007, gia đình ông được cán bộ xã huyện xuống tận thuyền ghi danh, rà soát, kiểm tra… cho đối tượng thuộc diện TĐC. Nhưng sau 5 năm triển khai dự án, vào năm 2012 khi bốc thăm chia đất, ông và nhiều gia đình khác không có trong danh sách, khiến họ rất ngỡ ngàng.

“Ngày lập danh sách, gia đình tôi đủ điều kiện nhưng do quá trình triển khai dự án kéo dài (5 năm), gia đình khát khao chỗ ở, nên sau nhiều năm tích góp, vợ chồng tôi dành 32 triệu đồng mua một mảnh đất ở xã bên cho người con trai đầu. Đến gần thời điểm cấp đất (năm 2012), chính quyền xã huyện rà soát một lần nữa, xác minh nhà tôi có đất ở xã Nam Tân nên họ cắt không cấp đất TĐC thuộc dự án”- ông Thọ cho biết.

Cùng nỗi bức xúc là gia đình anh Nguyễn Văn Võ (35 tuổi) con trai ông Nguyễn Văn Trọng, một cư dân làng chài Tân Lam 15 năm trước. Dù rời thuyền lên bờ sinh sống nhiều năm nhưng bản thân gia đình anh vẫn chưa được cấp đất ở.

Theo anh Võ, gần 15 năm trước khi rà soát cư dân làng chài, gia đình anh (bố anh đã mất là chủ hộ) có trong danh sách cấp đất ở dự án TĐC, số thứ tự lô đất là 35, yên tâm chờ đợi nhưng đến năm 2012, xã thông báo cấp đất cho người dân, gia đình anh không còn tên trong danh sách. “Hiện nay, sau nhiều lần làm đơn kiến nghị các cấp chính quyền bố trí đất TĐC cho gia đình, nhưng vẫn không được giải quyết”- anh Võ cho biết.

Đó cũng là cảnh ngộ của 4 hộ gia đình thuộc làng chài Tân Lam ngày xưa. Dù họ đã lên bờ, nhưng hàng ngày vẫn lênh đênh sông nước kiếm kế sinh nhai. Đến nay, sau nhiều năm chờ đợi, hầu hết các hộ đã mua đất để lên bờ. Nhưng theo họ, đó là tài sản họ tích góp, việc chính quyền cho rằng họ đã có đất để không bố trí TĐC là sai.

“Năm 2007, khi lập dự án và rà soát cư dân, chưa có có đất trên bờ, nghiễm nhiên chúng tôi có danh sách. Nhưng khi con cái lớn khôn, nhu cầu tách hộ, nhiều gia đình đã mua đất cho con khi lập gia đình. Nếu cho rằng, những trường hợp này đã có đất là không đúng với chủ trương ban đầu”- ông Thọ bức xúc.

“Nếu chứng minh đủ điều kiện sẽ cấp đất”

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Cảnh Lộc - Chủ tịch UBND xã Thượng Tân Lộc khi trao đổi với phóng viên về những kiến nghị của 6 hộ dân thuộc cư dân làng chài Tân Lam. Ông Lộc nói: “Dự án đã hơn 10 năm, theo tôi nắm được, những hộ dân này thời điểm lập danh sách, rà soát để cấp đất thì họ đã có đất”.

Trước câu hỏi, năm 2007 các gia đình này thuộc danh sách được TĐC, nhưng đến thời điểm cấp đất (khoảng từ 2011-2013), họ lại không thuộc diện TĐC? Ông Lộc cho biết: Thực chất, năm 2007 là rà soát để lập dự án, trước lúc cấp đất lại rà soát một lần nữa, thời điểm này có nhiều hộ đã có đất nên tỉnh đã loại ra.

Ông Lộc khẳng định: “Giờ người dân chứng minh được họ có trong danh sách, thuộc diện TĐC thì xã sẽ đề xuất cấp đất có thể theo phương án khác. Đất của địa phương đang còn nhiều”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi các hộ dân vẫn kiến nghị được cấp đất tái định cư, nhưng huyện Nam Đàn đã cho điều chỉnh quy hoạch khu tái định cư này, tiến hành đấu giá đất tại dự án. Cụ thể, vào tháng 1/2018, xã Nam Lộc đã tiến hành đấu giá rộng rãi đất từ lô số 12 đến lô số 23, thuộc tờ bản đồ số 25. Giá khởi điểm lô cao nhất là 562 triệu đồng, lô thấp nhất có giá 404,6 triệu đồng. Trong khi đó, ông Lê Hồng Sơn - Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn cho biết: Dự án này 15 năm rồi, Ban quản lý dự án cũng đã giải thể. Tôi có nắm được những kiến nghị của người dân, nhưng chúng tôi không có cơ sở để giải quyết. Hiện, các lô đất tại đây đã chuyển qua đấu giá.

Điền Bắc