Tăng học phí: Đừng ‘gây sốc’ cho người học
Từ năm 2022, học phí của các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) sẽ được điều chỉnh tăng theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn, việc tăng học phí rõ ràng là một gánh nặng với nhiều người học.
Tăng chóng mặt
Theo Nghị định 81, từ năm học 2022 - 2023 đến năm học 2025 - 2026, mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục ĐH công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên (còn gọi là trường chưa tự chủ) được quy định theo từng khối ngành với mức từ 1,2 - 3,5 triệu đồng/tháng.
Nếu chỉ so sánh trong phạm vi từ năm học 2022 - 2023 trở đi thì mức trần học phí hàng năm của từng khối ngành chỉ tăng trong khoảng trên dưới 13% so với ngay năm học trước đó (trừ khối ngành VII năm học 2023 - 2024 tăng 25% so với năm học 2022 - 2023).
Tuy nhiên, nếu so với mức học phí năm học 2021 - 2022 thì học phí năm học 2022 - 2023 tăng vọt (trừ khối ngành II, nghệ thuật). Đặc biệt khối ngành VI.2 (y dược), tăng 71,33%, nghĩa là đang ở mức trần 1,43 triệu đồng/tháng tăng lên thành 2,45 triệu đồng/tháng. Các khối ngành còn lại (trừ khối ngành II) hầu hết đều tăng mức hơn 20 đến gần 30%, riêng khối ngành IV (khoa học sự sống, khoa học tự nhiên, mức tăng vừa phải hơn, 15,35%).
Cụ thể mức trần học phí và tỷ lệ tăng học phí của năm sau so với năm trước từ năm học 2022 - 2023 với các trường đại học công lập chưa tự chủ chi thường xuyên như sau: Từ năm học 2022, học phí khối ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên: 12,5 triệu đồng/năm (tăng 2,7 triệu đồng); khối ngành nghệ thuật: 12 triệu đồng/năm (tăng 0,3 triệu đồng); khối ngành khoa học sự sống, khoa học tự nhiên: 13,5 triệu đồng/năm (tăng 0,8 triệu đồng); khối ngành toán và thống kê, máy tính và CNTT, công nghệ kỹ thuật: 14,5 triệu đồng/năm (tăng 2,8 triệu đồng); khối ngành y dược: 24,5 triệu đồng/năm (tăng 10,2 triệu đồng)…
Các năm học tiếp theo, lộ trình tăng học phí cũng được quy định rõ trong Nghị định 81 để người học có cơ sở theo dõi, cân nhắc lựa chọn ngành nghề cho phù hợp. Bởi mỗi trường có mức học phí khác nhau, trong cùng một trường các ngành cũng có thể có mức học phí không giống nhau nên người học cần đưa ra quyết định chính xác, tránh tình trạng đứt gánh giữa đường chỉ vì không kham nổi mức học phí phải đóng góp.
Một lưu ý quan trọng nữa là lộ trình tăng học phí của các trường còn phụ thuộc vào lộ trình thực hiện tự chủ bởi theo quy định, với cơ sở giáo dục ĐH công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, mức học phí được xác định tối đa bằng 2 lần mức trần học phí các trường chưa tự chủ nêu trên, tương ứng với từng khối ngành và từng năm học. Với cơ sở giáo dục ĐH công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, mức học phí được xác định tối đa bằng 2,5 lần mức trần học phí các trường chưa tự chủ nêu trên, tương ứng với từng khối ngành và từng năm học.
Cân đối bài toán tự chủ
Theo Nghị định 81, học phí năm học 2021 - 2022 ở các cấp học không thu vượt mức trần khung học phí năm 2020 - 2021. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các trường ĐH không tăng học phí so với mức đang đóng. Câu chuyện Trường ĐH Thủ Dầu Một (Bình Dương) thông báo mức học phí từ học kỳ II năm học 2021 - 2022 tăng khoảng 20% so với trước khiến nhiều người băn khoăn bởi trong tình hình dịch bệnh, cả kỳ I học trực tuyến không sử dụng đến cơ sở vật chất của nhà trường. Trong khi đó, lý giải của nhà trường là từ 1/1/2022, trường chính thức trở thành trường ĐH tự chủ tài chính, Nhà nước sẽ cắt toàn bộ các khoản hỗ trợ chi thường xuyên của trường. Căn cứ theo Nghị định 81, trường quyết định tăng học phí bằng 1,5 mức trần (theo quy định, ĐH công lập đảm bảo chi thường xuyên thì được thu học phí tối đa bằng 2 lần mức trần của các trường công lập chưa đảm bảo chi thường xuyên).
Như vậy, đây là một điển hình của việc trường chuyển sang tự chủ thì học phí sẽ tăng lên và người học không thể không tính đến bài toán này. Mặc dù đi kèm với đó là các chính sách hỗ trợ học phí, cấp học bổng… song nhìn chung những đối tượng được hưởng các chính sách ưu đãi này không nhiều nên với phần đông sinh viên, việc tăng học phí sẽ phần nào gây khó khăn cho các em và gia đình.
TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, việc học phí không còn được ngân sách bao cấp, là một việc khó nhưng không thể không làm, "phải tự chủ mới lớn lên được". Điều này đã được tính toán trong lộ trình phát triển song để tránh gây sốc cho người học và xã hội, các trường cần công khai sớm và rõ ràng mức học phí và lộ trình tăng học phí trong các năm học tiếp theo để các thí sinh “liệu cơm gắp mắm”. Cùng một ngành học nhưng mức học phí trường A khác với trường B nên căn cứ vào đề án tuyển sinh của các trường, thí sinh sẽ cân nhắc.
Ngược lại, về phía các trường, bên cạnh chính sách cấp học bổng cho sinh viên, để không biến học phí trở thành một rào cản với những học sinh con nhà nghèo thì vấn đề quan trọng đó là cần đẩy mạnh xã hội hóa, liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp, tranh thủ các nguồn quỹ đầu tư phát triển… để từng bước cải tạo, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất của nhà trường mà không dồn tất cả gánh nặng lên học phí của sinh viên.
“Khi tăng học phí, người học hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi về việc học phí tăng, chất lượng có tăng? Nhà trường cần tập trung trả lời câu hỏi này thay vì chỉ đưa ra lý do tự chủ nên phải tăng học phí” - ông Khuyến nhấn mạnh.