Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc: Sống là chia sẻ yêu thương
Những năm gần đây, nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc cùng văn nghệ sĩ Huế có một nghĩa cử rất đẹp là cứ mỗi sáng ngày 14 âm lịch, trước Rằm Tháng Giêng đều tổ chức đi “Viếng mộ thi nhân”.
Đoàn lần lượt đi thắp hương trên mộ các nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ đã yên nghỉ tại các nghĩa trang lớn của Huế...
“Tôi nhận nhiệm vụ Chủ tịch Liên hiệp Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên-Huế không lâu thì dịch bệnh Covid 19 lan tràn, cả nước lần lượt thực hiện giãn cách xã hội từ cuối năm 2019.
Những cái bắt tay bình thường bấy giờ cũng đã là thứ xa xỉ. Những nụ cười dẫu có đẹp đẽ đến nhường nào giờ chỉ hiện lên trong chiếc khẩu trang của người đối diện. Tất cả những điều đó khiến chúng ta cảm thấy cuộc sống không chỉ khó khăn mà chúng ta đang mất mát những điều tốt đẹp trước đây.
Nhưng chúng ta cũng không biết là đến bao giờ thì Covid-19 sẽ chấm dứt và thế giới sẽ bình thường hóa trở lại. Vậy nên chúng ta hãy cùng tham dự cuộc vận động trạng thái bình thường mới, duy trì các hoạt động trong khi đảm bảo các biện pháp an toàn. Bởi dẫu sao đi nữa, nhân loại cũng phải sống. Sống không chỉ là tồn tại. Sống còn là sáng tạo, thụ hưởng cái đẹp và chia sẻ yêu thương. Không được chiêm ngưỡng nụ cười trên môi thì hãy nhìn vào nụ cười trong ánh mắt. Không thể nhìn thấy nhau ngoài đời thực thì vẫn có thể nhìn nhau qua mạng xã hội…
Với văn nghệ sĩ, thời đại dịch có nhiều khó khăn cho việc giao lưu, công bố tác phẩm; song cũng là cơ hội để tách biệt mình, sống thật chậm, nhìn sâu vào bên trong mình, chiêm nghiệm và sáng tác”.
Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc chia sẻ, từ khi xuất hiện dịch Covid-19, Liên hiệp Hội đã triển khai nhiều công việc. Suốt tháng 4/2020, Liên hiệp Hội đã tổ chức kêu gọi văn nghệ sĩ Thừa Thiên - Huế tham gia cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19 do Chính phủ kêu gọi.
Các họa sĩ, nhiếp ảnh gia đã góp tranh, ảnh để bán đấu giá tranh gây “Quỹ văn nghệ sĩ giúp đồng bào khó khăn vì dịch bệnh Covid-19”. Số tiền thu được tuy không quá lớn nhưng đã hỗ trợ cho hàng trăm trường hợp người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong đại dịch Covid-19; góp phần chia sẻ cùng đồng bào có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật, bán vé số, đi xe thồ, lao động công nhật, hộ nghèo, người già neo đơn... trên địa bàn thành phố Huế, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy, huyện Phú Lộc, huyện Phú Vang... Cuộc vận động cho thấy tấm lòng và trách nhiệm xã hội của văn nghệ sĩ Thừa Thiên - Huế đối với các vấn đề thời sự sống còn của quê hương đất nước là rất đáng trân trọng.
Ngay trong đại dịch, Thừa Thiên Huế vào tháng 10/2020 còn chịu ảnh hưởng nặng nề của bão lụt tàn phá. Hưởng ứng lời kêu gọi của Liên hiệp Hội, văn nghệ sĩ khắp nơi trong nước như Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Dương, Thái Nguyên... và văn nghệ sĩ ở nước ngoài như nhóm Giữ chút gì cho Huế, Quỹ Hiếu học... đã góp nhiều tiền mặt, lương thực, thực phẩm để đi cứu trợ cho các vùng ngập lụt.
Trong năm 2021, các khu cách li được dựng lên để phòng, chống Covid-19 bị thiếu rất nhiều nhà vệ sinh. Các kiến trúc sư Huế đã thiết kế các nhà vệ sinh công cộng, kêu gọi xã hội hóa được nhiều nhà vệ sinh giúp bà con ở các khu cách li đỡ nhọc nhằn hơn...
Các đợt phát động sáng tác đề tài Covid 19 của Liên hiệp Hội Thừa Thiên - Huế, văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh đã gửi tác phẩm về tham gia rất đông đảo, vui và cảm động. Chúng tôi đã tiến hành in thành tập sách “Ghi giữa mùa Covid-19”. Các tác phẩm như là những chứng thư của tình cảm, có thể còn chưa được trau chuốt, nhưng đó chính là sự chân thật, mà nhiều khi chạm vào đó, trái tim của chúng ta rung lên, dâng tràn cảm xúc…”.
Với nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, trong những ngày đỉnh điểm của đại dịch, phía sau những lúng túng, anh thấy quá đỗi xúc động khi tràn ngập trong cả nước là tình cảm lớn của nghĩa đồng bào: “Hướng về vùng dịch”, rồi sau đó “Hướng về Sài Gòn”, “Yêu thương gửi vào Sài Gòn”… Hình ảnh “Những chiếc bánh đồng bào” của nhân dân cả nước nấu bánh xuyên đêm để kịp gửi cho miền Trung trong mưa bão dập dồn cuối năm 2020, giờ được tiếp nối trên hàng nghìn chuyến xe nối nhau chở gạo cơm mắm muối cho bà con TPHCM trong tâm dịch năm 2021. Có những người ngày đêm xả thân cứu người. Có những người gom hàng thiết yếu cứu trợ đến kiệt sức. Có những người lặng lẽ vận chuyển từng bình ô xy, từng bịch thuốc đến từng địa chỉ thường dân...
“Tôi nghĩ chính nghĩa đồng bào sẽ giúp cho đất nước vượt qua đại dịch và hướng về tương lai”.
Những năm gần đây, chương trình “Viếng mộ thi nhân” của văn nghệ sĩ Huế vào mỗi sáng ngày 14, trước Rằm tháng Giêng đã trở thành hành động ý nghĩa: Đoàn lần lượt đi thắp hương trên mộ các nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ đã yên nghĩ tại các nghĩa trang lớn của Huế như Nghĩa trang Phan Bội Châu (với tên tuổi nhiều nhân sĩ như Hải Triều Nguyễn Khoa Văn, nhà thơ Thanh Hải, Hồng Sơn Dã Mã Võ Thành Minh, Lê Thị Đàn, Hoàng Thị Phương, Nguyễn Huy Nhu…); nghĩa trang chùa Vạn Phước (Phạm Quỳnh, Phạm Hầu…); nghĩa trang đồi Từ Hiếu (Trần Thúc Nhẫn, Ưng Bình, Thái Phiên - Trần Cao Vân…), nghĩa trang Nhân dân TP Huế (Thanh Tịnh, Hải Bằng, Bửu Chỉ, Thái Ngọc San, Nguyễn Văn Phương, Nguyễn Xuân Hoàng…). Đó là cuộc hành hương tri ân những bậc tiền bối, những người đã nêu tấm gương sáng về lòng yêu nước, có những đóng góp lớn cho việc hình thành nền văn học nghệ thuật của Huế và Việt Nam…
“Chúng tôi sẽ duy trì tập tục hết sức nhân văn này chừng nào còn có thể”- nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc nói.