Cẩn trọng với sự nổi tiếng

Tinh Anh 10/03/2022 14:26

Mới đây, diễn viên Quách Ngọc Tuyên bị Sở Thông tin và truyền thông TP Hồ Chí Minh phạt 7,5 triệu đồng vì kêu gọi từ thiện sai sự thật (số tiền 100 triệu đồng). Dĩ nhiên mức phạt trên là căn cứ theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật. Song, dư luận cho rằng, với tính chất của sự việc và nhân vât liên quan thì mức phạt này không đủ sức răn đe.

Sở Thông tin và truyền thông TP Hồ Chí Minh khẳng định, làm việc với cơ quan chức năng, nam diễn viên đã tỏ thái độ hợp tác, nhận lỗi của bản thân khi đăng thông tin không kiểm chứng, đồng thời chấp nhận nộp phạt hành chính 7,5 triệu đồng. Song, vấn đề ở đây không phải là thái độ hợp tác hay chịu nộp phạt, mà là sự ảnh hưởng của sự việc tới xã hội.

Dĩ nhiên, thái độ cầu thị của nam diễn viên này khi tự nhận thức được lỗi lầm của bản thân gây ảnh hưởng tiêu cực đến dư luận xã hội là rất tốt. Nhưng, thẳng thắn mà nói, nếu Quách Ngọc Tuyên có muốn chối bỏ trách nhiệm, không nhận sai e rằng cũng khó. Giờ đây, “nhất cử, nhất động” của mọi người trên mạng xã hội đều được giám sát, làm sao chối?

Sở dĩ dư luận xã hội cho rằng việc phạt nam diễn viên số tiền 7,5 triệu đồng khó đủ sức răn đe, phòng ngừa là bởi sẽ có nhiều người khác không biết sợ, tiếp tục có những hành vi kêu gọi từ thiện sai sự thật. Đơn giản vì người nổi tiếng sẽ dễ dàng kêu gọi sự từ tâm của mọi người trong xã hội.

Thử hình dung, nếu có vài trường hợp người nổi tiếng là ca sĩ, diễn viên, người mẫu... không cần kiểm chứng thông tin, chỉ đăng (hoặc share) để kêu gọi từ thiện bằng cảm tính như Quách Ngọc Tuyên thì hệ lụy đối với xã hội sẽ như thế nào? Chưa kể việc tạo tiền lệ xấu trong xã hội, hành vi tương tự sẽ gây mất lòng tin của mọi người vào việc làm từ thiện.

Truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta là thương người như thể thương thân, lá lành đùm lá rách, vì thế rất nhiều người sẽ sẵn sàng đóng góp từ thiện, nhất là lời kêu gọi xuất phát từ những người nổi tiếng. Song, nếu họ gặp phải vài lần kêu gọi từ thiện “nhầm”, thử hỏi niềm tin về cái thiện, sự tử tế trong xã hội có bị lung lay, thậm chí có bị mất luôn?

Thật tệ nếu nhiều người trong xã hội mất đi niềm tin vào những điều nhân văn, đạo nghĩa sống trên đời. Khi đó mọi người sẽ sống với nhau lạnh lùng biết bao, sẽ cư xử với nhau thật vô tình. Và khi mọi người mất niềm tin vào việc kêu gọi từ thiện, những hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn biết trông cậy vào đâu để vượt qua thách thức của cuộc sống?

Từng có rất nhiều đối tượng giả danh làm từ thiện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã bị lực lượng công an phát hiện, xử lý. Lẽ nào đó không phải là những bài học đắt giá cho những người kêu gọi từ thiện mà không kiểm chứng thông tin, nhất là những người nổi tiếng? Việc không kiểm chứng thông tin khác gì tiếp tay cho những kẻ lừa đảo?

Đưa ra một vài phân tích như vậy để thấy rằng bất cứ ai khi muốn kêu gọi từ thiện, ngoài lòng tốt thì cần có kỹ năng kiểm chứng thông tin, đặc biệt là những người nổi tiếng. Đơn giản là bởi người nổi tiếng có tầm ảnh hưởng trong cộng đồng xã hội rất lớn nên hậu quả gây ra cho xã hội cũng sẽ lớn gấp nhiều lần người khác. Vì thế, hãy cẩn trọng với sự nổi tiếng của mình và của người khác!

Tinh Anh