Người phụ nữ nâng đỡ châu Phi từ ‘vũng lầy’ đại dịch
Với vóc người nhỏ bé, bà Matshidiso Moeti đã trở thành nữ lãnh đạo đầu tiên của trụ sở Tổ chức Y tế Thế giới tại châu Phi, vượt qua sự bất bình đẳng để trở thành một trong những nhà quản lý y tế hàng đầu thế giới.
Trách nhiệm nặng nề
Với tư cách là người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Phi, Matshidiso Moeti đã khởi xướng các biện pháp ứng phó khẩn cấp trước cuộc khủng hoảng y tế ở 47 trong số 54 quốc gia tại lục địa này, đồng thời đề xuất các chính sách để tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe của họ.
Kể từ khi được bổ nhiệm lần đầu vào năm 2015, bà Moeti đã phải vật lộn với đợt bùng phát dịch bệnh Ebola ‘chết người nhất thế giới’ ở Tây Phi. Bước sang năm 2020, khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai, những thách thức này đã chuyển sang mức độ chuyên môn nặng nề nhất mà cá nhân bà từng phải đối mặt: Đó là giúp châu Phi ứng phó với đại dịch Covid-19, đặc biệt khi châu lục này luôn đi sau phần còn lại của thế giới trong các nỗ lực xét nghiệm và tiêm chủng.
Bà Moeti đã trở thành một trong những tiếng nói thuyết phục nhất thế giới, kêu gọi người dân Châu Phi coi trọng hơn phụ nữ – những người đã bị đại dịch tác động nặng nề nhất về nhiều mặt. Bản thân Matshidiso Moeti cũng là một phụ nữ châu Phi, vì thế đây vừa là sức mạnh, vừa là trở ngại cho bà trên một lục địa nơi phần lớn xã hội vẫn còn bị thống trị bởi các chế độ phụ hệ.
“Tôi chắc chắn đang cố gắng hết sức không chỉ với tư cách là một nhà chuyên môn, một nhà quản lý và một lãnh đạo, mà còn với tư cách là một phụ nữ đến từ châu lục này”, bà Moeti nói. “Với tôi đây là một đặc ân”.
Đấu tranh cho nữ giới trong đại dịch
Sự bình đẳng giới được cải thiện là điều hiển nhiên tại WHO châu Phi, nơi hiện tại gần như ngang nhau giữa tỷ lệ nam và nữ tại trụ sở cách thù đô Brazzaville, dọc theo dòng sông Congo khoảng 20 phút lái xe.
Tiến sĩ Mary Stephens, một trong những giám đốc nữ tại trụ sở cho biết, Matshidiso Moeti là một nhà lãnh đạo có ý nghĩa rất lớn đối với bà cũng như nhiều người khác ở châu Phi, nơi phụ nữ theo truyền thống luôn phải lùi lại phía sau.
Ở châu Phi, phụ nữ đã phải chịu đựng sự phân biệt đối xử trong suốt đại dịch - với tỷ lệ được tiêm chủng thấp hơn, bất ổn kinh tế, tỷ lệ mang thai tăng, kéo theo các vấn đề sức khỏe khác và gia tăng nạn bạo lực gia đình. Và Moeti đã đưa thách thức giải quyết sự bất bình đẳng đó trở thành nền tảng trong công việc của bà.
“Tôi luôn nghĩ về những người thường xuyên chịu thiệt thòi và bị bỏ rơi bởi các dịch vụ y tế”, Moeti nói.
Moeti thường dành thời gian quan sát cuộc sống của những người phụ nữ xung quanh. Từ người phụ nữ tết tóc, mất việc do dịch bệnh và sợ hãi trước vaccine, đến một người phụ nữ lớn tuổi thường phải mang vác đồ ăn lên và xuống những ngọn đồi dốc, và một phụ nữ buôn bán tại chợ cũng buộc phải đóng cửa hàng do dịch.
Bà tin rằng, cách nhanh nhất thoát khỏi đại dịch là giúp những người phụ nữ này tiếp cận với các chiến dịch nâng cao nhận thức về đại dịch và hỗ trợ kinh tế. “Nhiều người vẫn chưa nhận thức được sự hiện diện của virus, vì vậy chúng tôi cần cho họ hiểu về chúng và cách để phòng tránh”.
Đại dịch cũng đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng giới hiện có trong các lĩnh vực chính tại châu Phi. Phụ nữ chiếm 70% lực lượng y tế và nhân viên xã hội ở châu Phi, cũng như là tiền tuyến trong chiến dịch chống Covid-19, nhưng 85% lực lượng đặc nhiệm quốc gia đều do nam giới lãnh đạo, theo Liên Hợp Quốc.
Bài toán vaccine tại châu Phi
Châu Phi đã cho thấy tỷ lệ mắc Covid-19 thấp hơn so với phần còn lại của thế giới, nhưng điều đó có thể là do tỷ lệ người dân đi xét nghiệm thấp hơn. Nhiều quốc gia tại châu lục này đã phải vật lộn trước tỷ lệ tiêm chủng thấp, với chỉ hơn 13% trong tổng số 1,3 tỷ dân châu Phi được tiêm chủng đầy đủ vào đầu tháng 3/2022. Con số này thua xa tỷ lệ tiêm chủng toàn cầu là 56,6%, theo Cổng Dữ liệu Thế giới.
Bản thân Moeti đã có gần 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực y tế cộng đồng, nhưng đại dịch Covid-19 đã khiến bà phải đối mặt với những thách thức mới. “Khó khăn thực sự nằm ở việc tìm hiểu về loại virus mới này, thích ứng nhanh chóng và giúp các quốc gia khác cũng làm được như vậy”.
Châu Phi luôn phải đối mặt với những thách thức đặc biệt kể từ khi bắt đầu đại dịch. Chỉ một số quốc gia tại lục địa này có thể làm xét nghiệm Covid-19, trong khi hiện nay hầu như mọi quốc gia đều có thể làm được điều đó. Bên cạnh đó, châu Phi phụ thuộc rất lớn vào nguồn vaccine nhập khẩu, dẫn đến sự chậm trễ kéo dài khi các quốc gia giàu có hơn đã nhận phần trước.
Cơ chế COVAX do Liên hợp quốc hậu thuẫn, nhằm đảm bảo quyền tiếp cận công bằng với vaccine trên toàn cầu, đã không thực hiện những chuyến giao hàng đầu tiên đến các quốc gia châu Phi cho đến khi bùng phát đại dịch một năm, và thậm chí sau đó sự phân phối vẫn không thể đồng đều.
Nhưng hiện nay, nguồn cung cấp vaccine ổn định đang chuyển đến khắp châu Phi và châu lục này cũng đang xây dựng các phòng thí nghiệm có thể sản xuất vaccine.
Với nhận thức sâu sắc, bà Moeti tập trung nhiều hơn vào các quốc gia có thu nhập thấp ở châu Phi cần được giúp đỡ về vaccine. Bà đã rất vui mừng khi thấy các quốc gia trong lục địa hiện đều có thể nhận được vaccine, và vẫn luôn lạc quan về con đường thoát khỏi đại dịch của châu Phi.
Cuộc đời của một nhà lãnh đạo
Với lịch làm việc dày đặc, Moeti đã sống trong khuôn viên của trụ sở WHO và văn phòng của bà chỉ cách nhà vài mét. Bàn làm việc rộng rãi được sắp xếp gọn gàng, với các biểu ngữ của Liên hợp quốc và WHO phía sau. Bộ sưu tập các tác phẩm điêu khắc và tranh vẽ châu Phi được treo trên những bức tường.
Chỉ gần đây, bà Moeti mới có thời gian cho các hoạt động ngoài công việc: nghe nhạc jazz, tập thể dục và chăm sóc vườn rau trong sân nhà.
Những người phụ nữ trong gia đình Moeti đã giúp bản thân bà hiểu được nhiều điều. Mẹ của Moeti là một bác sĩ, và bà ngoại là một giáo viên trong xã hội Nam Phi bất bình đẳng giới. Đối với Moeti, “họ là những người phụ nữ rất kiên cường”.
Nữ lãnh đạo thừa nhận rằng, bà đã được đặc ân lớn lên trong một gia đình coi trọng giáo dục trên hết. Khi còn sống ở Nam Phi thời trẻ, nơi giáo dục người Bantu riêng biệt theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, dưới tiêu chuẩn được áp dụng cho người da đen, bà đã phải đến quốc gia Swaziland để đi học và phải đối mặt với sự giám sát ở biên giới. Trước quá nhiều trở ngại, cha mẹ bà đã chuyển cả gia đình đến Botswana, một quốc gia nơi họ có thể nhận được nền giáo dục tốt hơn và không bị phân biệt chủng tộc.
Tầm quan trọng của giáo dục là một điều bất biến trong cuộc sống của bà. Bất chấp những thách thức mà bản thân phải đối mặt, bà sẽ không thay đổi cuộc sống của mình. Chính sự giáo dục và gia đình của bà đã luôn thúc đẩy Moeti phải cải thiện hơn nữa hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Châu Phi.
Nghĩ đến số phận những cô gái trẻ tại châu Phi trong suốt đại dịch Covid-19, Moeti nói rằng bà muốn giúp họ cải thiện cuộc sống, truyền cảm hứng và biến họ trở thành những nhà lãnh đạo giống như bà trong tương lai.
“Từng là một đứa trẻ sống ở thị trấn Nam Phi và chạy quanh đường phố, tôi hy vọng điều đó sẽ truyền động lực cho họ”.