Tuyển sinh ngành Y không có môn Sinh: Đầu vào liệu có thả lỏng?
Thông tin về một số trường đại học đào tạo khối ngành y dược nhưng tuyển sinh tổ hợp không có môn Sinh học đang là vấn đề được dư luận quan tâm. Bởi lẽ lâu nay, Sinh học vốn được coi là môn bắt buộc với thí sinh muốn xét tuyển vào nhóm ngành sức khỏe.
Được xem là một trong những điều chỉnh, đổi mới trong công tác tuyển sinh của một số trường đào tạo ngành y năm 2022, song nhiều người đang băn khoăn rằng, việc xét tuyển ngành y mà không có môn Sinh học liệu có ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo ngành học này?
Bình thường hay chuyện lạ?
Phương thức tuyển sinh với tổ hợp không có môn Sinh học đã được một số trường như Học viện Quân y, Trường Đại học Y Dược Hải Phòng, Trường Đại học Y Dược (Đại học Thái Nguyên)… áp dụng trong những năm gần đây.
Từ kết quả tuyển sinh năm 2021, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược (Đại học Thái Nguyên) đánh giá, chất lượng nguồn tuyển ở những tổ hợp xét tuyển mới là Toán - Hóa - Tiếng Anh và Toán - Sinh - Tiếng Anh khá tốt, sinh viên bắt kịp với việc học ở trường. Do đó, dự kiến tuyển sinh năm nay, nhà trường tiếp tục xét tuyển những tổ hợp trên và có những điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh thực tiễn.
Trong khi đó, đến thời điểm này, hầu hết các trường đại học y dược lớn trong nước như: Trường Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Y Dược (Đại học Huế), Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch vẫn chỉ tuyển tổ hợp xét tuyển Toán - Hóa - Sinh cho ngành y. Một số trường tuyển sinh thêm tổ hợp Toán - Sinh - Tiếng Anh cho ngành y.
Theo các nhà trường, việc mở rộng các tổ hợp xét tuyển không có môn Sinh học nhằm tạo thêm cơ hội cho các thí sinh lựa chọn. Tuy nhiên, việc mở rộng này liệu có ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo của ngành học này? Bởi lâu nay, Sinh học là môn học vốn là môn chủ đạo, bắt buộc với thí sinh muốn xét tuyển vào nhóm ngành sức khỏe.
“Thi ngành y mà không có môn Sinh thì kỳ lạ quá”, “Ngành y tuyển sinh không có môn Sinh, tuyển Dược không có môn Hóa, vậy sau 5, 10 năm ra trường, sinh viên sẽ có nghề mới chăng?” hay “Đầu vào thả lỏng thì làm sao tin tưởng được chất lượng đào tạo đây?”, đây là những ý kiến của nhiều bạn đọc chia sẻ trước thông tin nhiều trường đại học xét tuyển ngành y mà không có môn Sinh học.
Chất lượng đạo tạo ngành y dược không phải đến bây giờ mới được bàn tới. Trở lại mùa tuyển sinh năm 2021, dư luận xã hội không khỏi băn khoăn trước sự “trăm hoa đua nở” các ngành đào tạo về sức khỏe tại nhiều trường đại học.
Nếu như trước đây, khối ngành sức khỏe chỉ có các trường chuyên về sức khỏe hay một số trường đại học vùng, đại học công lập có tiếng đào tạo thì vài năm trở lại đây, nhiều trường đại học ngoài công lập cũng đã lấn sân vào đào tạo ngành về lĩnh vực sức khỏe.
Có thể kể đến như Trường Đại học Hồng Bàng, năm 2021, trường này mở hàng loạt các ngành mới liên quan đến lĩnh vực sức khỏe như: Y học cổ truyền, Kỹ thuật hình ảnh y học, Sức khỏe răng miệng, Hộ sinh, Kỹ thuật phục hồi chức năng…
Cũng trong năm 2021, Trường Đại học Văn Lang tuyển mới ngành Y khoa và Y học cổ truyền, nâng số ngành tuyển sinh, đào tạo khối sức khỏe lên 6 ngành. Trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh cũng mở mới 2 ngành khối sức khỏe là Điều dưỡng và Kỹ thuật xét nghiệm y học.
Trước đó, hàng loạt các trường đại học khác cũng đã được đào tạo ngành y đa khoa, dược như Trường Đại học Duy Tân, Trường Đại học Phan Châu Trinh, Trường Đại học Buôn Ma Thuột, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội...
Thời điểm đó, nhiều chuyên gia cho rằng, việc cho phép đào tạo nhóm ngành sức khỏe tràn lan là thực trạng đáng lo ngại. Ngành khoa học sức khỏe khá đặc thù nên nếu đầu vào thấp, quá trình đào tạo không thực sự chuẩn thì đầu ra cũng sẽ khó đảm bảo chất lượng.
Băn khoăn chất lượng đào tạo
Theo PGS. TS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, quy định hiện nay các trường được tự chủ tuyển sinh và chịu trách nhiệm về vấn đề này. Nhưng theo truyền thống từ trước đến nay, Sinh học được coi là môn chủ đạo để xét tuyển vào nhóm ngành sức khỏe.
Vì thế, việc một số trường y dược xét tuyển mà bỏ qua môn Sinh trong tổ hợp xét tuyển đầu vào là chưa phù hợp. Còn sau này, cơ sở giáo dục đại học đào tạo môn Sinh học ở góc độ nào lại là chuyện khác.
PGS. TS Đậu Xuân Cảnh nêu ví dụ, việc xét tuyển ngành y không có môn Sinh học tương tự như ngành báo chí, xét tuyển mà bỏ qua môn Ngữ văn. Với ngành y, Sinh học là môn học rất quan trọng, mỗi thầy thuốc cần có năng lực sinh học. Thế nên, PGS. TS Đậu Xuân Cảnh cho rằng, việc xét tuyển vào trường y nên có môn Sinh học.
Trước những sự đổi mới này của các trường trong mùa tuyển sinh năm nay, nhiều chuyên gia đặt ra câu hỏi: Phải chăng sự “trăm hoa đua nở” các ngành đào tạo về sức khỏe tại nhiều trường đại học đang đặt ra áp lực chỉ tiêu tuyển sinh các nhà trường?
Nhìn nhận về vấn đề này, một bác sĩ, giảng viên ngành y xin được dấu tên cho rằng, ngành sức khỏe có đặc thù khác với các ngành học khác. Từ trước tới nay, kể cả từ thời Pháp, trong đào tạo ngành y, môn Sinh học vẫn được chú trọng và đưa vào trong tổ hợp để tuyển chọn cho khối ngành y.
Theo bác sĩ này, trong tất cả các môn học ở phổ thông thi môn Sinh học là môn có nền tảng cơ bản nhất đối với ngành y. Trong tổ hợp Toán - Hóa - Sinh, môn Toán và môn Hóa khi học trong ngành y không liên quan nhiều bằng môn Sinh học. Môn Toán lúc này chỉ hỗ trợ phần tư duy tốt hơn, còn những kiến thức, khái niệm cơ bản của môn Sinh học như: gen, di truyền… liên quan đến rất nhiều trong quá trình học.
Ghi nhận thời kỳ hội nhập, việc chú trọng vào ngoại ngữ, nâng cao trình độ ngoại ngữ cho các y bác sĩ hiện nay là rất quan trọng và đáng hoang nghênh, nhưng bác sĩ này cũng nhấn mạnh: “Việc bỏ qua môn Sinh học trong tuyển chọn sinh viên ngành y là không nên”.