Dỡ rào cản để mở cửa
Bộ Y tế vừa có dự thảo xin ý kiến các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc phòng, chống dịch Covid -19 đối với người nhập cảnh. Đáng chú ý, Bộ Y tế đưa ra đề xuất người nhập cảnh Việt Nam không cần phải có xác nhận đã tiêm chủng vaccine phòng Covid -19 hoặc đã khỏi Covid -19, nhưng cần thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Nếu như vậy thì người nhập cảnh theo đường hàng không cần có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 (bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP) trong vòng 72 giờ hoặc trong vòng 24 giờ (nếu sử dụng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên với SARS-CoV-2). Tại dự thảo, Bộ Y tế nêu: Trẻ dưới 2 tuổi không bắt buộc phải xét nghiệm SARS-CoV-2, chưa được tiêm hoặc chưa từng bị nhiễm virus SARS-CoV-2 đều được tham gia các hoạt động ở ngoài nơi lưu trú cùng bố, mẹ, người thân.
Dự thảo của Bộ Y tế cũng cho rằng dù không cần thực hiện xét nghiệm virus SARS-CoV-2 sau khi nhập cảnh, nhưng tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 như người đã/đang lưu trú tại Việt Nam; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 khác theo quy định của Việt Nam.
Đây là một dự thảo được cho là phù hợp với tình hình phòng, chống dịch Covid-19 của nhiều quốc gia trên thế giới. Tới thời điểm này, nhiều nước Âu - Mỹ đã dỡ bỏ hầu hết những quy định phòng, chống Covid-19, kể cả việc không đeo khẩu trang nơi công cộng. Biến thể Delta gây chết chóc đã và đang được thay thế bằng biến thể Omicron, tuy rằng tốc độ lây lan biến thể này nhanh hơn nhưng tác hại tới sức khỏe lại rất ít. Hầu hết người mắc Covid-19 bởi biến thể Omicron không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, không cần sự can thiệp của y tế mà vẫn có thể tự khỏi trong vòng dăm ba ngày.
Nhìn chung, thế giới đang dần tiến tới coi Covid-19 như một bệnh đặc hữu, sau hơn 2 năm chiến đấu với đại dịch.
Ở nước ta, thời điểm này dịch đang lây lan mạnh, với số ca trung bình trong một tuần trên dưới 140.000. Hà Nội có số người mắc mới cao nhất, trên 300.000 người/tuần. Tuy nhiên, số người chuyển biến nặng phải vào viện điều trị ít, số ca tử vong cũng ít. Hà Nội cũng như các địa phương khác trong cả nước đã và đang áp dụng việc F0 tự điều trị tại nhà (trung bình hơn 95% số ca mắc).
Điều đó cho thấy cho dù số ca mắc mới vẫn ở mức cao nhưng dịch bệnh đã không còn quá nguy hiểm. Chủ trương mở cửa, thích ứng an toàn, hiệu quả, linh hoạt với dịch Covid-19 là hết sức phù hợp. Đặc biệt, từ ngày 15/3 tới, du lịch của nước nhà sẽ mở cửa hoàn toàn, các đường bay thương mại quốc tế sẽ nối lại.
Trước đó, đã có lo ngại về việc ứng xử với du khách nước ngoài. Trước tiên, đó là mối lo đến từ cơ quan y tế với những quy định chặt chẽ rất có thể khiến du khách không hào hứng đến với Việt Nam, từ đó chuyển sang nước khác. Kế đến, là mối lo các địa phương lại đặt ra những quy định của riêng mình, từ đó không tạo được sự liên kết cần thiết giữa các điểm du lịch vốn rất quan trọng của hoạt động này.
Nay, với dự thảo đối với người nhập cảnh của Bộ Y tế, có thể nói các “rào cản” đã được dỡ bỏ.
Ngày “mở cửa bầu trời” đã đến gần, hy vọng với sự phối hợp đồng bộ giữa ngành Du lịch - Y tế - các địa phương, chúng ta sẽ thực hiện thành công chính sách mở cửa khi về cơ bản đã kiểm soát được dịch Covid-19, kinh tế sẽ nhanh hồi phục và tăng tốc phát triển.