Làn gió mới cho mỹ thuật đương đại
Sự kiện ra mắt không gian trưng bày dành riêng cho mỹ thuật đương đại tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam được coi là bước đánh dấu cho sự ghi nhận và phát triển. Đây sẽ là không gian giúp cho công chúng hình dung rõ hơn lộ trình của Mỹ thuật Việt Nam từ đổi mới cho đến nay.
Nhiều năm nay, mỹ thuật đương đại có sự chuyển mình mạnh mẽ, đòi hỏi cần có một bảo tàng mỹ thuật đương đại dành riêng cho mỹ thuật từ sau đổi mới. Song trước đây, những tác phẩm mỹ thuật đương đại chưa có một không gian trưng bày đúng nghĩa, chỉ được trưng bày đan xen tại các triển lãm.
Tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, kể từ năm 2010 đã có một không gian trưng bày riêng cho mỹ thuật đương đại trong hệ thống trưng bày thường xuyên của bảo tàng. Tuy nhiên, vị trí không thuận tiện cho lộ trình tham quan và diện tích trưng bày nhỏ nên phần trưng bày này khá hạn chế, cho dù bộ sưu tập tác phẩm đương đại của bảo tàng liên tục được cập nhật, do đó chưa phát huy một cách hiệu quả.
Và việc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam khai trương một không gian mới dành cho mỹ thuật đương đại được đánh giá như một làn gió mới, là động lực cổ vũ các nghệ sĩ trẻ, ghi dấu một hành trình mới của mỹ thuật. Cùng với đó là giúp công chúng dễ hình dung về mỹ thuật đổi mới của Việt Nam.
Theo hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn- Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam thì việc dành không gian lớn, riêng biệt cho mỹ thuật đương đại cho thấy sự đi trước đổi mới của mỹ thuật. Đây có thể được coi là bước đột phá đầy khích lệ cho người làm nghệ thuật. Những nỗ lực của nghệ thuật đương đại đối với mỹ thuật Việt Nam đã dần được ghi nhận.
“Việc Bảo tàng dành riêng 2 tầng trưng bày tác phẩm mỹ thuật đương đại với 65 tác phẩm đầu tiên được trưng bày đã ít nhiều giúp người trong giới hình dung, dù chưa hẳn đầy đủ về lộ trình xuyên thế kỷ của mỹ thuật Việt Nam đương đại”- ông Đoàn chia sẻ tại khai trương không gian trưng bày.
Tại không gian mới này, 65 tác phẩm mỹ thuật (thuộc nhiều thể loại: Hội họa, đồ họa, điêu khắc... sáng tác trong giai đoạn từ những năm 1980 đến nay) được trưng bày, đem đến cho công chúng cái nhìn toàn diện hơn về nền mỹ thuật Việt Nam đương đại. Thông qua các tác phẩm được bảo tàng sưu tầm, người xem có dịp thưởng thức những tác phẩm phản ánh thông điệp, hơi thở cuộc sống qua góc nhìn đa chiều của các nghệ sĩ về môi trường sống và đời sống xã hội. Mang đậm hơi thở cuộc sống hiện thực. Thông qua đó, các nghệ sĩ gửi gắm nhiều thông điệp ý nghĩa, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người trong việc xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, hướng tới sự phát triển bền vững. Đặc biệt, phần trưng bày này đang được cập nhật lên ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA để hỗ trợ khách tham quan trực tiếp và trực tuyến.
Theo ông Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, trước sự chuyển mình mạnh mẽ của mỹ thuật Việt Nam đương đại, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã kịp thời song hành để tuyển chọn, sưu tầm và lưu giữ các tác phẩm xuất sắc, làm giàu thêm những bộ sưu tập. Hy vọng với không gian mới này, công chúng yêu nghệ thuật sẽ đón nhận và từ đó cảm nhận, suy ngẫm từ những thông điệp, hơi thở của cuộc sống thực tại qua các góc nhìn đa chiều của các nghệ sỹ về môi trường sống và đời sống xã hội, từ đó góp phần giáo dục ý thức trách nhiệm của công chúng, tạo nên môi trường sống an toàn, lành mạnh, hướng tới phát triển bền vững.
Với việc có một không gian mới dành cho mỹ thuật đương đại là tín hiệu rõ rệt của làn sóng đổi mới, cho thấy đã có sự thay đổi nhận thức, thay đổi quan niệm, thay đổi cách ghi nhận tài năng của những người trẻ. Tuy nhiên, đây mới chỉ là sự khởi đầu.
Họa sĩ Nguyễn Trường Linh, một trong các họa sĩ có tranh trong trưng bày đợt này không dấu nổi những cảm xúc khi có tác phẩm được Bảo tàng chọn trưng bày ngay trong đợt mở cửa không gian mới, đầu năm Nhâm Dần 2022. Bức tranh mà họa sĩ Nguyễn Trường Linh đem đến buổi trưng bày là tác phẩm sơn mài “Phố Gầm cầu” vẽ về góc phố ngay dưới chân cầu Long Biên. Đây là tác phẩm đã trưng bày Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2005, trước khi được đưa về Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Nhiều họa sĩ cho rằng được trưng bày tác phẩm tại đây là vinh dự lớn. Với việc có được không gian mới tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã tạo cho công chúng có nhiều cơ hội dễ dàng được tiếp cận nghệ thuật đương đại.
Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, ông Nguyễn Anh Minh cũng thông tin: “Đợt đầu, bảo tàng giới thiệu 65 tác phẩm thuộc các thể loại hội họa, đồ họa, điêu khắc… trong giai đoạn từ những năm 1986 đến nay. Trong điều kiện không gian có hạn, trưng bày có thể còn chưa được đầy đủ và toàn diện nhưng Bảo tàng hy vọng sẽ nhận được sự quan tâm, hợp tác, chia sẻ của các cá nhân, cơ quan, đơn vị và sự ủng hộ của công chúng yêu nghệ thuật, để tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, chỉnh lý phù hợp với sự vận động liên tục của mỹ thuật Việt Nam đương đại”.
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam dành một không gian cho mỹ thuật đương đại đã đáp ứng nhu cầu thưởng lãm, học tập, nghiên cứu của công chúng. Đặc biệt còn là niềm khích lệ với các họa sĩ mỹ thuật đương đại trên hành trình sáng tạo.