Quản lý chặt phương tiện đường thủy tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn
Tỉnh Quảng Ngãi đang tập trung tuần tra, kiểm soát và quản lý chặt chẽ phương tiện vận chuyển hành khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tuyến đường thủy Sa Kỳ - Lý Sơn là tuyến đường thủy lớn nhất của tỉnh Quảng Ngãi, tuyến đường thủy này với lưu lượng vận chuyển mỗi năm khoảng 100 nghìn lượt khách. Hiện có 6 tàu khách siêu tốc, chở khoảng 152 khách/tàu/lượt, phương tiện có trị giá hàng chục tỷ đồng/chiếc. Trên tàu có đầy đủ các trang thiết bị như: phao cứu sinh, xuồng cứu hộ,...
Sau tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đến nay, các hoạt động du lịch ở Quảng Ngãi đã khởi sắc trở lại, lượng du khách ngày một tăng, trong đó tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn rất đông khách.
Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho hành khách, Ban quản lý(BQL) cảng Sa Kỳ phối với Bội đội Biên phòng Quảng Ngãi cùng các đơn vị liên quan đã và đang tăng cường quản lý các chuyến tàu chặt chẽ, tuyên truyền về quy định hoạt động đường thủy, hướng dẫn cho hành khách mặc áo phao, xuống tàu và các vấn đề liên quan đến bảo vệ tính mạng con người.
Hiện nay huyện Lý Sơn đã chỉ đạo các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch tập trung cải tạo, nâng cao chất lượng phục vụ, đảm bảo an toàn cho du khách và các phương án phòng, chống dịch.
Ông Nguyễn Hữu Đoan - Giám đốc BQL Cảng và Cảng vụ đường thủy nội địa cảng Sa Kỳ cho biết, BQL luôn thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ, nhằm đảm bảo an toàn tối đa đối với hoạt động của tàu khách, vận tải của tuyến này.
Để được phép hoạt động, các phương tiện phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn nghiêm ngặt về kỹ thuật theo quy định hiện hành, được kiểm tra định kỳ; trước khi xuất bến, lực lượng chức năng Cảng vụ, Biên phòng kiểm tra chặt chẽ rồi mới ký lệnh và cho tàu rời khỏi cảng.
“Không như phương tiện đang hoạt động ở một số tuyến đường thủy ở các tỉnh khác, đội tàu khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn có diện tích lớn hơn rất nhiều và được thiết kế theo kiểu khoang mở và liên thông với nhau, không đóng kín nên hành khách có thể dễ dàng rời khỏi ghế ngồi ở bên trong các khoang tàu” - ông Đoan nói.
Ông Đặng Tấn Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết: “Chính quyền huyện Lý Sơn đã chỉ đạo Đồn Biên phòng và BQL Cảng Lý Sơn tuyên truyền cho các chủ phương tiện tàu thuyền chấp hành nghiêm túc trong việc lái tàu đúng quy định về tốc độ, không được chở số lượng du khách vượt quy định, trang bị áo phao đầy đủ cho du khách,...”.
Ngoài ra Thanh tra Sở Giao thông vận tải (GTVT) luôn bố trí lực lượng phối hợp với lực lượng Cảnh sát đường thủy, Bộ đội Biên phòng, Công an huyện Lý Sơn kiểm tra điều kiện hoạt động của phương tiện, người điều khiển phương tiện, các trang thiết bị phục vụ hành khách, thiết bị phòng cháy, chữa cháy, dụng cụ cứu sinh,... và sẽ xử lý nghiêm nếu người điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ, gây mất an toàn.
Trước đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã ban hành Quy chế về phối hợp thực hiện trách nhiệm quản lý, kiểm tra giám sát đảm bảo ANTT, ATGT trong hoạt động vận tải đường thủy nội địa trên tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn; đảo Lớn ra đảo Bé và ngược lại.
Theo đó, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi là cơ quan chủ trì, trực tiếp thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về hoạt động vận tải đường thủy nội địa tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn theo quy định của pháp luật về hàng hải và pháp luật về giao thông đường thủy nội địa, có trách nhiệm chủ trì thực hiện.
Sở Giao thông vận tải là cơ quan chủ trì, trực tiếp thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về hoạt động vận tải đường thủy nội địa tuyến Đảo Lớn - Đảo Bé và là cơ quan phối hợp với Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi thực hiện chức năng cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành về vận tải ở địa phương theo quy định của pháp luật về hàng hải, pháp luật về giao thông đường thủy nội địa. Ngoài ra còn quy định trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể của Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh, UBND huyện Lý Sơn.
Liên quan đến vụ lật ca nô mới đây ở biển Cửa Đại, tỉnh Quảng Nam khiến nhiều du khách có phần lo lắng, ông Đặng Tấn Thành cho biết, năm 2017 Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi đã từng có Văn bản đề nghị Bộ GTVT nên để các phương tiện hoạt động trên tuyến đường thủy nội địa Đảo Lớn - Đảo Bé thuộc huyện đảo Lý Sơn sử dụng tiêu chuẩn VR-SI thay vì phải nâng cấp, chuyển đổi sang tàu SB.
Lý do được đưa ra là cự ly tuyến này ngắn chỉ dưới 4 hải lý và tàu chỉ hoạt động từ gió cấp 4 trở lại nên không nhất thiết phải nâng lên chuẩn SB. Ngay cả UBND huyện Lý Sơn vẫn tán thành kiến nghị này của Sở GTVT Quảng Ngãi nhưng Bộ GTVT vẫn bắt buộc chuyển đổi sang chuẩn SB.