Nỗi lo an ninh lương thực thế giới
Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đang đe dọa nguồn cung cấp lương thực và sinh kế của người dân ở châu Âu, châu Phi và châu Á.
Nông dân Ukraine đã buộc phải đình trệ công việc đồng áng của họ trước cuộc xung đột. Các cảng biển đóng cửa khiến lúa mì và các mặt hàng lương thực thực phẩm khác trên toàn thế giới tăng giá.
Ngay cả khi sự gián đoạn toàn cầu đối với nguồn cung lúa mì vẫn chưa diễn ra, thì giá đã tăng lên 55% từ trước khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine trong bối cảnh lo ngại về những gì có thể xảy ra tiếp theo. Giám đốc Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế Arnaud Petit cho biết, nếu xung đột tiếp tục kéo dài, các quốc gia phụ thuộc vào nguồn cung lúa mì có giá cả phải chăng từ Ukraine có thể đối mặt với tình trạng thiếu hụt bắt đầu từ tháng 7.
Điều đó có thể gây ra tình trạng mất an ninh lương thực và khiến nhiều người rơi vào cảnh nghèo đói hơn ở những nơi như Ai Cập và Lebanon, nơi có thói quen ăn uống chủ yếu là bánh mì do chính phủ trợ cấp.
1. Tại Ai Cập, nước nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, hàng triệu người vẫn dựa vào bánh mì được trợ cấp làm từ ngũ cốc của Ukraine để tồn tại, với khoảng một phần ba số người sống trong cảnh nghèo đói.
“Chiến tranh có nghĩa là thiếu hụt và thiếu hụt đồng nghĩa với việc giá cả tăng cao. Bất kỳ xung đột nào cũng sẽ là thảm họa không chỉ đối với tôi mà còn đối với đa số người dân”, ông Ahmed Salah, sống ở Cairo, một người cha của 7 đứa con nói.
Bà Anna Nagurney, Giáo sư về Chuỗi cung ứng, Hậu cần và Kinh tế tại Đại học Massachusetts Amherst, cho biết: “Lúa mì, ngô, dầu, lúa mạch, bột mì vô cùng quan trọng đối với an ninh lương thực ... đặc biệt là ở những khu vực nghèo hơn trên toàn cầu”.
Công ty thu mua lúa mì của chính phủ Ai Cập, vốn thường nhập khẩu nhiều từ Nga và Ukraine, đã phải hủy hai đơn đặt hàng trong vòng chưa đầy một tuần bởi định giá quá cao và thiếu công ty chào bán. Giá lúa mì trên toàn cầu tăng đột biến có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng của Ai Cập trong việc giữ giá bánh mì ở mức trợ cấp hiện tại của họ.
Syria, đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh, gần đây đã tuyên bố sẽ cắt giảm các mặt hàng chủ lực trong chi tiêu và khẩu phần ăn. Gần đó, ở Lebanon, các nhà chức trách cũng đang nghĩ cách để bù đắp cho sự thiếu hụt lúa mì trong tương lai gần, trong bối cảnh Ukraine hiện đang cung cấp 60% nguồn cung. Họ đang đàm phán với Mỹ, Ấn Độ và Canada để tìm các nguồn cung lương thực khác cho một quốc gia đang lâm vào khủng hoảng tài chính.
Ngay cả trước khi xung đột chưa ảnh hưởng đến nguồn cung lúa mì ở châu Phi cận Sahara, người dân Kenya đã có phong trào giảm giá lương thực trên phương tiện truyền thông xã hội khi lạm phát làm xói mòn sức chi tiêu của họ. Bây giờ, họ đang chuẩn bị cho những điều tồi tệ hơn.
Ông Wandile Sihlobo, Nhà Kinh tế trưởng của Phòng Kinh doanh nông nghiệp Nam Phi, cho biết, các nước châu Phi đã nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp trị giá 4 tỷ USD từ Nga vào năm 2020 và khoảng 90% là lúa mì.
Tại Nigeria, các nhà xay xát bột mì tin rằng, sự thiếu hụt nguồn cung lúa mì từ Nga sẽ ảnh hưởng đến giá các sản phẩm như bánh mì, một loại lương thực phổ biến ở quốc gia đông dân nhất châu Phi.
Theo Ông Gambo Sale, Thư ký quốc gia của Hiệp hội nông dân trồng lúa mì Nigeria, nước này đã nỗ lực để giảm bớt sự phụ thuộc vào ngũ cốc của Nga, với việc nông dân chuyển sang trồng nhiều lúa mì hơn để cố gắng đáp ứng 70% nhu cầu của đất nước trong 5 năm.
2. Sự gián đoạn nguồn cung lương thực còn có thể được cảm nhận ở tận Indonesia, nơi lúa mì được sử dụng để sản xuất mì ăn liền, bánh mì, đồ chiên và đồ ăn nhẹ. Năm 2021, Ukraine là nhà cung cấp lúa mì lớn thứ hai của Indonesia, cung cấp 26% lượng lúa mì tiêu thụ. Theo ông Kasan Muhri, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Bộ Thương mại Indonesia, giá mì tăng sẽ ảnh hưởng đến những người có thu nhập thấp.
Ukraine và Nga cũng chiếm 75% sản lượng xuất khẩu dầu hướng dương toàn cầu, chiếm 10% tổng lượng dầu ăn.
Ông Raad Hebsi, một nhà bán buôn ở Baghdad, cho biết, ông và những người Iraq khác đang chuẩn bị trả giá cao hơn cho dầu ăn của họ. “Một khi các mặt hàng lưu trữ được bán hết, giá của những mặt hàng này sẽ tăng lên. Chúng tôi có thể sẽ lựa chọn nguồn cung thay thế từ Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng giá chắc chắn cao hơn”.
Trong khi đó, giới nông dân ở Mỹ, nhà xuất khẩu ngô hàng đầu thế giới và là nhà cung cấp lúa mì lớn, đang theo dõi xem liệu sản lượng lúa mì xuất khẩu của nước này có tăng đột biến hay không. Tại Liên minh châu Âu, nông dân lo ngại về chi phí thức ăn chăn nuôi tăng.
Hiện, Ukraine cung cấp cho EU dưới 60% sản lượng ngô và gần một nửa thành phần chính trong ngũ cốc cần thiết để làm thức ăn cho gia súc. Nga, quốc gia cung cấp 40% nhu cầu khí đốt tự nhiên cho EU, cũng là nhà cung cấp chính về phân bón, lúa mì và các mặt hàng chủ lực khác.
Tây Ban Nha đang cảm thấy khó khăn cả về dầu hướng dương và các loại ngũ cốc cho ngành chăn nuôi quan trọng. Những loại ngũ cốc nhập khẩu này được dùng để làm thức ăn cho khoảng 55 triệu con lợn.
Trong hai ngày đầu tiên Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, giá ngũ cốc làm thức ăn chăn nuôi đã tăng 10% trên thị trường Tây Ban Nha. “Chúng tôi đang đối mặt với thời điểm chi phí rất cao và không biết điều gì sẽ xảy ra ở phía trước”, ông Jaume Bernis, một người chăn nuôi 58 tuổi nói.
Theo thống kê, tổng sản lượng lúa mì, lúa mạch của cả Nga và Ukraine chiếm gần 1/3 lượng xuất khẩu của thế giới. Ukraine cũng là nhà cung cấp ngô lớn và dẫn đầu toàn cầu về dầu hướng dương. Theo các chuyên gia, cuộc xung đột có thể làm giảm nguồn cung cấp lương thực ngay khi giá cả ở mức cao nhất kể từ năm 2011.