Doanh nghiệp 'choáng' vì giá nguyên liệu
Dịch Covid-19 vừa tạm được kiểm soát, cộng đồng doanh nghiệp chưa kịp mừng đã lo vì mọi chi phí nguyên vật liệu, nguyên phụ liệu đầu vào, logistics... cùng tăng vọt, tạo áp lực lớn cho doanh nghiệp.
Giá nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh
Bà Trần Hoàng Phú Xuân - Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM cho biết, về đơn hàng thì doanh nghiệp (DN) rất lạc quan. Ngoài thị trường xuất khẩu, thị trường thời trang nội địa cũng rất khả quan. Sân chơi dành cho DN trong ngành rất lớn. Tuy nhiên, để cung ứng và phát triển thị trường không đơn giản khi đơn hàng có nhưng nguyên phụ liệu đầu vào liên tục tăng cao.
Theo bà Xuân, 2 năm qua giá sợi cotton tăng 70%, giá nguyên phụ liệu trong nước tăng 40%. “Các DN đang gia tăng giá trị sáng tạo và chủ động nguyên phụ liệu. DN ngành thời trang mong muốn có một trung tâm thời trang nhằm hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, định vị thương hiệu thời trang ở thị trường trong nước. Những sản phẩm có thương hiệu có thể cạnh tranh với thương hiệu toàn cầu ngay tại sân nhà”- bà Xuân nói.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công thương TP HCM đánh giá, khi sản xuất kinh doanh của DN đang có tín hiệu tốt thì lạm phát toàn cầu gia tăng, đầu vào nguyên vật liệu, đặc biệt là xăng dầu liên tục tăng cao. Sở Công thương thành phố chia sẻ với DN và hy vọng, DN nỗ lực, cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Lãnh đạo Sở Công thương TP HCM cho biết đang có 5 chương trình hỗi trợ DN phục hồi hoạt động, phát triển sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, bao gồm hỗ trợ phát triển DN và sản phẩm công nghiệp chủ lực; chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn đến năm 2025; hỗ trợ các DN đạt giải thưởng “Thương hiệu Vàng TP HCM”; hỗ trợ các chương trình xúc tiến công thương và tiếp tục triển khai chương trình bình ổn thị trường.
Gồng mình với chi phí vận chuyển
Bên cạnh tình trạng bão giá đối với nguyên vật liệu, nguyên phụ liệu sản xuất đầu vào, DN đang đối diện với chi phí vận chuyển tăng. Theo phản ánh của DN, hiện nay mỗi container trọng lượng từ 12 - 15 tấn vận chuyển từ các tỉnh phía Nam ra cửa khẩu biên giới phía Bắc có giá khoảng 100 triệu đồng/xe.
Từ đầu năm đến nay, xăng dầu liên tục tăng giá dẫn đến giá cước vận chuyển hàng hóa, nông sản từ các tỉnh phía Nam, dự báo sẽ tăng lên 120 - 130 triệu đồng/container và sẽ còn cao hơn nữa nếu giá xăng chưa ngừng tăng.
Ở hoạt động xuất khẩu, tình hình cũng không mấy khả quan khi giá sản phẩm xuất khẩu qua đường hàng không xuất sang các thị trường như Mỹ, Úc, EU… trung bình đạt 11,5 USD/kg; trong đó, giá sản phẩm là 2,5 - 3 USD/kg, còn 8,5 - 9 USD là chi phí vận chuyển cho 1kg trái cây.
Ông Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc một DN xuất khẩu nông sản ở Đồng Nai cho biết, sau dịch DN ông đã phải đối mặt với hàng loạt khó khăn như thiếu vốn, thiếu lao động, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Đáng chú ý, chi phí logistics tăng 5 - 7 lần so với thời điểm trước dịch. Thời gian gần đây, giá xăng tăng liên tục khiến chi phí vận chuyển hàng hóa tăng mạnh.
Trong khi đó, DN có nhiều đơn hàng đã ký từ nhiều tháng trước, không thể đàm phán lại với đối tác để điều chỉnh tăng giá bán. DN buộc phải tính toán kỹ để giảm lỗ hoặc hòa vốn. DN mong muốn, về dài hạn thúc đẩy các dự án giao thông vành đai, kết nối liên vùng để khơi thông mối liên kết giữa TP HCM và các tỉnh phía Nam nhằm giảm chi phí logistic.
Băn khoăn nhiều về các loại chi phí hiện nay, ông Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch Hội Da giày TP HCM chia sẻ: “Cần xem lại DN làm hàng xuất khẩu lợi hay không lợi khi vừa gồng, vừa gánh, vừa cõng, vừa ẵm các loại chi phí. Các chuyên gia có cách nào để tư vấn DN giảm chi phí”.
Theo ông Khánh, các DN da giày có đơn hàng đến hết tháng 7 nhưng đang lo lắng vì chi phí tăng cao. Nhiều DN trong ngành muốn đầu tư trang thiết bị hiện đại để giảm chi phí, tăng năng suất nhưng không thể triển khai vì tài chính không cho phép. Sở Công thương TP HCM và các ngân hàng nên có gói hỗ trợ nào riêng cho DN những ngành thâm dụng lao động như da giày.
Nói về nguyên phụ liệu đầu vào sản xuất, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lượng thực - Thực phẩm TP HCM cho rằng, cùng với các loại chi phí khác như bao bì, nguyên vật liệu đã tăng từ 10 - 35% so với lúc giá tốt trước đây khiến DN khó khăn trong sản xuất. Vị này lo ngại, nguyên phụ liệu, bao bì cứ tăng liên tục khiến cho khả năng cạnh tranh của sản phẩm ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu sẽ càng gặp nhiều bất lợi hơn, rủi ro của DN vì thế cũng tăng cao.