Quảng Ninh: Ngư dân lao đao vì giá xăng dầu tăng cao

Ngọc Anh 11/03/2022 10:26

Nhiều tàu cá ở Quảng Ninh đang phải chịu cảnh nằm bến hoặc “thấp thỏm” ra khơi do giá xăng dầu liên tục tăng cao khiến ngư dân gặp khó.

Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh có 7.966 tàu chủ yếu hoạt động các nhóm nghề: Lưới chụp, lưới kéo, lưới rê, câu, pha xúc, hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản và nghề khác tại vùng biển Vịnh Bắc Bộ…

Đa số các tàu cá hoạt động khai thác hải sản chỉ đủ để duy trì sản xuất, một số tàu bị thua lỗ do doanh thu không đủ bù đắp lại chi phí và nhiều tàu cá chỉ đành đỗ bến do không đủ chi phí ra khơi.

Bến cá chợ Hạ Long I (TP Hạ Long, Quảng Ninh) là một trong những bến cá lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh với tấp nập tàu thuyền đánh bắt hải sản liên tục ra, vào. Thế nhưng, do giá xăng dầu liên tục tăng trong thời gian gần đây làm cho chi phí sản xuất của bà con ngư dân tăng cao, đa số các tàu cá hoạt động khai thác hải sản chỉ đủ để duy trì sản xuất, một số tàu bị thua lỗ do doanh thu không đủ bù đắp lại chi phí và nhiều tàu cá chỉ đành đỗ bến do không đủ chi phí ra khơi.

“Hơn 30 năm làm nghề, đây là lần đầu tiên tôi thấy giá dầu tăng nhanh và cao như vậy. Mỗi chuyến đi biển 4 ngày đêm, tàu của tôi tiêu thụ khoảng 1000 lít dầu, tương đương với 50 xách dầu, trước đây mỗi xách dầu có giá 300.000 đồng/xách nhưng hiện tại đã lên giá 430.000 đồng/xách và còn có thông báo sẽ tăng lên 480.000 đồng/xách.

Tôi cũng phải thường xuyên cập nhật giá dầu để quyết định xem có nên ra khơi hay không”, ông Nguyễn Hữu Tính, chủ tàu QN-90302-TS bày tỏ nỗi thấp thỏm lo lắng trước chuyến ra khơi đầu tiên kể từ sau dịp Tết Nguyên đán.

Giá xăng dầu lên cao buộc các chủ tàu phải tính toán kỹ lưỡng trước mỗi chuyến đi để giảm thiểu rủi ro về kinh tế.

Ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ninh thông tin, giá xăng dầu tăng đột biến khiến việc sản xuất của ngư dân gặp khó khăn do chi phí sản xuất của một chuyến đi biển tăng hơn so với bình thường từ 30-45%, thậm chí còn cao hơn nữa tùy thuộc vào từng loại nghề và công suất của tàu.

Bên cạnh đó, giá hải sản luôn ở mức thấp do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 dẫn đến việc ngư dân gặp khó khăn chồng chất khó khăn.

Theo anh Tuân, chủ một quầy bán hải sản lớn ở chợ Hạ Long I, hiện nay anh chỉ có thể thu mua lại hải sản từ các tàu với giá thấp hơn nhiều so với thời điểm trước dịch, ví dụ như giá thu mua ghẹ loại 1 thấp hơn trước đây 100.000-150.000 đồng/kg, bề bề to và tôm rảo đều thấp hơn trước 50.000 đồng/kg,....

Anh Nguyễn Văn Thành (phường Hà An, TX Quảng Yên), chủ tàu QN- 90082-TS than thở: “Từ sau Tết nguyên đán, giá hải sản giảm nhiều trong khi dầu lại đắt kéo theo nhiều chi phí khác leo thang khiến chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn.

Thêm nữa là lượng hải sản ngày càng cạn kiệt và khó đánh bắt. Nếu tôi ra khơi chắc chắn sẽ lỗ hoặc là làm không công vì vậy chỉ đành đỗ bến để anh em nghỉ ngơi và cũng chưa tính đến việc đi làm trở lại… Và chỉ tính riêng việc đỗ bến cũng đã rất tốn kém vì tôi vẫn phải trả lương cho nhân viên cùng chi tiêu sinh hoạt”.

Bên cạnh chi phí cho chuyến đi biển cao, nghề khai thác thủy sản lại phụ thuộc vào sản phẩm khai thác được từ biển, có thể đạt sản lượng khai thác cao hoặc thấp tùy thuộc vào kinh nghiệm và may mắn của mỗi ngư dân. Vì thế các chủ tàu phải tính toán kỹ để giảm thiểu rủi ro kinh tế và phải tìm cách giảm chi phí hoạt động sản xuất bằng cách giảm nhân lực lao động ngoài, kéo dài thời gian hoạt động trên biển hoặc chuyển sang hoạt động kiêm nghề…

Vừa trở về từ chuyến đi biển kéo dài 1 tuần, anh Đinh Văn Khá (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng), chủ tàu HP- 90393-TS cho biết: “Chi phí cho tàu của tôi trong lần ra khơi gần đây nhất là khoảng 48-50 triệu đồng, trong khi đó chuyến vừa rồi hàng bán ra chỉ thu về 57-58 triệu đồng.

Mọi người đều mong muốn giá dầu sẽ sớm “quay đầu” để hàng ngày không phải đối diện với lựa chọn hết sức khó khăn là tiếp tục chuyến biển mang theo nhiều rủi ro dễ bị thua lỗ hay nằm bờ chờ giá nhiên liệu giảm xuống thì máy móc, tàu thuyền bị xuống cấp rất nhanh”.

Trước thực trạng trên, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh đề xuất, kiến nghị Tổng cục Thủy sản tham mưu cho Bộ NN&PTNT có cơ chế, chính sách hỗ trợ một phần kinh phí mua dầu cho ngư dân khai thác thủy sản; vốn đóng mới, cải hoán nâng cấp, thay máy sang máy ít tiêu hao nhiên liệu;…

Đồng thời, cần có chính sách chuyển đổi nghề nghiệp cho một bộ phận ngư dân để giảm áp lực đến nguồn lợi ven bờ, chuyển từ nghề đánh bắt gây xâm phạm nguồn lợi, hiệu quả thấp sang các ngành nghề khai thác chọn lọc, thân thiện với môi trường, chuyển đổi từ nghề khai thác gần bờ ra xa bờ.

“Chúng tôi đang nỗ lực kết nối tiêu thụ sản phẩm cho người dân thông qua các kênh như thương lái, cơ sở sản xuất, chế biến, xuất khẩu thủy sản để nâng cao giá trị sản phẩm góp phần ổn định cuộc sống ngư dân ven biển”, ông Đỗ Đình Minh cho biết thêm.

Ngọc Anh