Tín hiệu vui từ xuất khẩu lao động
Xuất khẩu lao động năm 2022 có thể khởi sắc hơn năm 2021 khi nhiều thị trường lớn đã mở cửa tiếp nhận lao động Việt Nam. Theo đó mục tiêu đưa 90.000 người đi làm việc ở nước ngoài mà Bộ LĐTB&XH đặt ra có thể cán đích.
Cơ hội dần hé mở
Sau gần 2 năm dài “ngủ đông”, bắt đầu từ giữa tháng 2 không khí tuyển dụng và đào tạo tại Công ty Cổ phần quốc tế Trường Gia mới nhộn nhịp trở lại. Từ ngày 15/2, Đài Loan (Trung Quốc) chính thức mở cửa tiếp nhận lao động Việt Nam, Thái Lan, Philippines và Indonesia. Đây là thị trường quan trọng hàng đầu với lao động Việt Nam khi mỗi năm tiếp nhận hàng chục ngàn người trong nhiều ngành nghề khác nhau.
Trước đó, Hàn Quốc - một thị trường vốn tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam thông báo tổng chỉ tiêu tiếp nhận lao động nước ngoài theo chương trình EPS (lao động đi theo chương trình này được hưởng các chế độ như lao động người Hàn Quốc) trong năm nay sẽ tăng 7.000 chỉ tiêu so với năm ngoái, nâng tổng chỉ tiêu tuyển dụng lên gần 60.000 người.
Tại thị trường Nhật Bản, Cục Quản lý lao động ngoài nước vừa thông tin các biện pháp nới lỏng hạn chế nhập cảnh, đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh Nhật Bản từ ngày 1/3 đến các doanh nghiệp xuất khẩu lao động (DN phái cử). Như vậy, sau thời gian dài đóng cửa do đại dịch Covid-19, Nhật Bản đã chính thức mở cửa tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam. Đây là thị trường trọng điểm hàng năm thu hút hàng chục nghìn thực tập sinh sang làm việc.
Chia sẻ về nhu cầu tuyển dụng của đối tác cũng như nguồn cung lao động, đại diện Công ty Cổ phần quốc tế Trường Gia cho biết, nhu cầu tuyển dụng từ đối tác vẫn ở mức như trước khi có dịch, về nguồn cung khá dồi dào. Tâm lý của người lao động giờ không còn lo ngại vì dịch như thời điểm 2020, 2021 vì vậy, doanh nghiệp không thiếu lao động để đáp ứng các đơn của đối tác.
Thực tế theo thống kê của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, trong 2 năm qua đã có khoảng 10-15% người lao động đã được đào tạo chuyển đổi nghề khi không thể xuất cảnh do dịch, số tồn đọng vẫn còn khá lớn, chính vì vậy, nguồn cung khá dồi dào và đáp ứng đủ nhu cầu khi thị trường mở cửa.
Bên cạnh đó, hiện hàng chục hãng hàng không đã mở đường bay đến Việt Nam, ở trong nước cũng đã dỡ bỏ toàn bộ hạn chế về việc vận chuyển hành khách bằng đường hàng không. Đây cũng là điều kiện tạo cơ hội cho hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhiều thuận lợi.
Ưu tiên đầu tư thị trường chất lượng cao
Theo đánh giá của Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam, các thị trường lớn như Nhật Bản và Hàn Quốc, ngoài các chương trình mà hai bên đã ký kết như EPS (Hàn Quốc) và IM Japan (Nhật Bản), các quốc gia này đang đẩy mạnh việc thu hút nhân lực có chất lượng, tay nghề cao hơn từ Việt Nam.
Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy người lao động Việt Nam đã dần khẳng định được tay nghề, kỹ năng và trình độ của mình trong thị trường lao động vốn đòi hỏi cao tại các quốc gia phát triển này.
Mặc dù đánh giá thị trường lao động đã có nhiều khởi sắc nhưng theo ông Doãn Mậu Diệp - Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam (VAMAS), thời gian tới, xuất khẩu lao động không còn tăng mạnh như giai đoạn trước đây. Bởi hiện nay, mỗi năm nước ta có thêm khoảng 300.000 - 400.000 lao động mới, thấp hơn rất nhiều so với giai đoạn 10 năm trước (khoảng 1,2 triệu lao động mới). Trong khi đó, nhu cầu lao động trong nước cũng rất lớn.
Hiện nay doanh nghiệp trong nước cũng đang rất thiếu lao động và thường xuyên có nhu cầu tuyển dụng, vì vậy người lao động có thêm nhiều lựa chọn. Do đó, chúng ta cần phải xây dựng chiến lược về nguồn lực, ưu tiên đảm bảo phục vụ cho nhu cầu phát triển trong nước. Còn với xuất khẩu lao động, cần lựa chọn những thị trường lao động chất lượng cao và nâng cao kỹ năng cho người lao động để nâng cao giá trị.
Nhận định về thị trường XKLĐ trong năm 2022, ông Nguyễn Gia Liêm - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) cũng cho rằng, thị trường đầu năm nay có tín hiệu vui khi một số thị trường như Đài Loan (Trung Quốc) thông báo mở cửa tiếp nhận lao động Việt Nam trở lại. Hiện nay để chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng khi mở cửa, Cục đang cập nhật thông tin từ cơ quan quản lý lao động ở các quốc gia, vùng lãnh thổ về việc mở cửa tiếp nhận lao động, nhu cầu tuyển dụng, đối tượng tuyển dụng, yêu cầu phòng, chống dịch…
Qua đó để hướng dẫn các doanh nghiệp xuất khẩu lao động nhanh chóng phục hồi thị trường, sớm đưa lao động đã phỏng vấn và trúng tuyển sang các thị trường làm việc.
Cùng với đó tiếp tục hoàn thiện, thúc đẩy ký kết các thỏa thuận về hợp tác lao động với các nước tiếp nhận; phối hợp chặt chẽ với cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan hữu quan của các quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động theo dõi sát sao tình hình của người lao động làm việc ở nước ngoài, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động...
“Bên cạnh việc ổn định thị trường truyền thống, Bộ LĐTB&XH cũng đặt ra yêu cầu mở rộng đối với những thị trường lao động mới, tiềm năng như châu Âu, Australia, Israel... Đồng thời, tăng cường công tác bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động làm việc ở nước ngoài, tiếp tục công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại và xử lý vi phạm trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” – ông Nguyễn Gia Liêm - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH).